Con đường xóm Đoài vốn trước chỉ rộng chừng một sá bừa, hai bên ken dầy tre dây, vẹt một nét trâu cọ hôm nay được phát quang. Máy móc để đổ bê tông tập trung cả ở đầu đường. Ai cũng thấy lạ. Lạ không chỉ vì nó quang đãng khác ngày thường mà vì nó là con đường cuối cùng của thôn được đổ bê tông. Cả xóm nhất trí rồi, dẫu phải qua rất nhiều cuộc họp. Ông Khoán, Chủ tịch xã tay chắp sau lưng, quay qua ông Bắc, Trưởng thôn Đoài, gật gù:
- Còn mỗi xóm này thôi đấy. Xong là thôn Đoài hoàn tất khoản đường. Có 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các thôn người ta xong ầm ầm, các ông cứ be bét nhất khoản đường. Giờ thì tốt rồi.
- Chưa đâu chủ tịch ạ! Con đường này có bê tông hóa cũng chỉ được hai phần thôi, phần cuối kia chưa xong được bố trẻ ạ.
- Sao thế?
- Thì đoạn qua nhà cụ Gạo ấy. Nó cong như cái ách trâu, lại bé tin hin như cái lối mòn, ấy vậy mà nói thế nào cái nhà ông Tấm con cụ Gạo cũng không thông. Nhất nhất không chịu hiến đất nắn đường. Thôn tôi cũng đành chịu. Thôi thì cứ bê tông phía ngoài này trước - Trưởng thôn lắc đầu ngán ngẩm.
- Thế các bố chịu thật à? Vận động gia đình người ta chưa?
- Cũng vận động, thuyết phục chán ra rồi... Cụ Gạo thì già, lẫn, ăn rồi bảo chưa ăn... Cái nhà ông Tấm làm nghề buôn lợn chỉ tính đến tiền... Lúc nào ông ấy cũng bảo sẵn sàng dỡ tường rào cho xóm nắn đường, nhưng xóm phải trả tiền. Xóm thì làm gì có tiền mà đền với chả bù...
- Thế các đoàn thể đâu?
- Cũng vào cuộc cả rồi, nhưng nước đổ đầu vịt hết! Cụ Gạo ở với con trưởng, chính là cái nhà ông Tấm ấy. Tất tật ở ông ta chứ ông cụ giờ biết gì đâu...
*
"Chào cụ ạ!". Ông Khoán ghé miệng sát tai cụ Gạo chào lớn. Ông già ngoài tám mươi đã hai lần bị tai biến vẫn ngồi im, hai tai xệ xuống như tai Phật. Đôi môi rung theo nhịp rung của tay vì bệnh pắc-kinh-xơn. Chỉ ánh mắt đưa đi đưa lại chứng tỏ ông cụ còn nhận biết được. “Con là Khoán, con ông cụ Quản trước cùng đội bô lão làm đường với cụ đấy…”. Cụ Gạo vẫn ngồi im, tay rung đều, chỉ có đôi mắt hấp háy và cái đầu hơi ngúc ngắc. “Bác Tấm nhà mình đã nói chuyện làng với cụ chưa? Chuyện làng sửa sang đường sá ấy, để đi lại dễ dàng, không khổ như thời cụ với thầy cháu đánh Tây nữa...”.
- Cụ tôi còn hiểu được gì đâu, các ông nói với người lẫn làm gì cho phí nhời. Ông cụ mà còn minh mẫn, tôi đã hiến vài chục vuông đất với làng chứ tiếc làm gì - Cái giọng oang oang của ông Tấm, con trưởng ông Gạo từ cổng vào cắt ngang câu chuyện của Chủ tịch xã với cụ Gạo.
- Bác Tấm đấy ạ, chúng tôi hôm nay vào gặp gia đình cũng vì việc chung thôi, bác xem thế nào, cho xóm làng gọn ghẽ...
- Vẫn biết thế, nhưng đất này sổ đỏ tên ông cụ, tôi tự tiện hiến sao được...
- Nếu cụ lẫn, bác nên họp cả gia đình lại. Cũng vì làng, vì xóm cả...
- Tôi cũng họp chán rồi, các cô, các chú ấy cũng chả ai dám gật cả... - Ông Tấm vừa thủng thẳng vừa tháo sọt trên xe xuống - Thôi các bác cứ ngồi chơi với ông tôi, tôi ra ngoài này có tí việc...
Chiếc cúp 81 giật số khực khực mấy cái rồi rồ ra ngõ. Vệt khói xám cùng mùi xăng thừa vương lại. Cụ Gạo bất giác thở dài, lẩm bẩm: “Tôi về nhà tôi đây. U tôi đang gọi đấy”.
- Nhà cụ đây còn về đâu? - Chủ tịch lại ghé sát tai ông cụ.
- Đấy bác xem, ông cụ em lẫn thế đấy. Thế thì còn biết gì mà hiến với dâng, đất với đai- Bà con dâu trưởng cụ Gạo thủng thẳng từ thềm ra.
- Người già mà cô, gay gắt với ông cụ làm gì, rồi ai mà chẳng đến lúc già... - Chủ tịch nắm đôi bàn tay nhăn nheo đầy vết đồi mồi của cụ Gạo nắn nắn. Bất chợt, từ đôi mắt đục màu cùi nhãn của ông cụ, dòng nước mắt đặc như keo rỉ ra giữa tiếng lầm bầm "Về nhà thôi, u nhỉ".
- Đấy bác xem, nửa ma nửa người, bố ai mà chịu được - Giọng bà con dâu vẫn lảnh lót - Như ông bà nhà các bác, còn tiền khởi nghĩa, tiền nọ tiền kia, tháng tháng còn có đồng tiêu, ông già em con cái chỉ có hầu...
- Bác đừng nói thế, ông cụ cũng có công với làng với xóm lắm đấy...
- Ông chủ tịch nói xem ông cụ nhà em công cán gì. Xỏ nhầm giầy Tây, khổ con khổ cháu chứ công cán gì…
- Nhà bà này, cẩn thận vạ miệng. Ông cụ chẳng qua bất đắc dĩ phải đi lính Pháp, còn giúp du kích diệt đồn...
- Ông chủ tịch nói thế chứ làm gì có ai công nhận ông già tham gia cách mạng gì đâu…
- Có nhiều chuyện không phải một lúc làm hết ngay được. Những người cùng thời với ông cụ giờ khuất bóng cả rồi… Không còn ai để xác nhận cho cụ nên chúng tôi cũng phải đôn đáo tìm hiểu đây. Thủ tục mà…
- Ối dào, tôi chả tin. Giờ chỉ vợ chồng tôi khổ.
- Cô cứ nói thế, còn các cô chú khác nữa, cụ có 8 người con cơ mà…
- Ai tôi chả biết, trơ lại mỗi nhà tôi! Nói thật bác xá lỗi, có ai hứng, tôi nhường ngay...
- Sao tôi nghe xóm láng xì xào thì chuyện hình như lại không phải thế nhỉ? - Chủ tịch Khoán quay qua người đàn bà đáo để gay gắt - Như cô Ngô, chú Đậu, chú Lạc, cô Thóc... Họ cũng gần gặn chứ đâu xa, chuyện đất đai chẳng qua chỉ ở vợ chồng bà.
- Ối dào, toàn bọn thối mồm, không bòn rút được gì thì bôi xấu - Bà vợ ông Tấm đang ngồi đứng phắt dậy - Mà chuyện nhà tôi, bác biết đâu đấy. Bác là bác chỉ cốt xong việc mình để lấy khen thưởng chứ nhà tôi mất đất thì nhà tôi xót...
- Có riêng gì nhà mình hiến đất đâu, cả xóm, cả làng, nhà nhiều, nhà ít đều hiến cả đấy thôi.
- Ối dào, ai hiến, hiến bao nhiêu tôi chả biết. Mỗi nhà thẻo ra cho làng có bằng con chuột giãy chết, có nhà nào phải bỏ ra nhiều như nhà tôi không? Mà thôi, nói ra nói vào nhiều làm gì, nhà tôi sổ đỏ tên ông cụ thì cứ khi nào ông cụ nói đồng ý thì tôi hiến...
- Bà nói thế thì vô cùng thật. Cụ giờ không tỉnh táo, ông bà lại cứ vin vào cụ thì chuyện xóm chuyện làng biết trông vào đâu.
- Nghĩ ngẫm gì ông. Giá mà chế độ với ông cụ, các ông xã cũng sốt sắng thế để cụ tôi được đồng ra đồng vào thì hay biết mấy - Bà Tấm mát mẻ - Đằng này…
- Bà Tấm này. Chuyện nào ra chuyện đó. Không nên kéo giỗ làm chạp. Việc chế độ của cụ phải theo chính sách của Nhà nước, không ai tư túi gì cả. Mà có phải xã bỏ bê đâu. Chính sách triển khai đến đâu, chúng tôi làm đến đó. Ngay cả cái chuyện hiến đất làm đường xóm này cũng là việc làng, việc xóm. Bà không nên vì việc mình chưa được như ý mà kéo chuyện xóm làng vào, mất tình nghĩa đi rồi đổ tại cụ. Ông cụ già rồi, gần đất xa trời, mang tiếng chết. Tôi chỉ mong ông bà cứ nghĩ lại. Thôi tôi về - Chủ tịch quay qua cụ Gạo - Cụ giữ sức khỏe, cháu về nhé.
Con đường đã được đổ bê tông và vẫn thắt cổ chai đoạn qua nhà cụ Gạo. Người nói ra, kẻ nói vào. Thôn Đoài vẫn không sao đạt đủ 19 tiêu chí để xã đạt chuẩn nông thôn mới.
*
Ông cụ Gạo ốm mệt! Mấy tối nay, người ra vào nhà cứ nườm nượp. Xóm làng giận thì giận nhưng vẫn nghĩa tình. Ông cụ không ăn gì đã ba hôm rồi. Không biết còn dằng dai được đến bao giờ.
- Bác trưởng thôn ơi! Bác Bắc ơi! - Bà Thóc con gái út cụ Gạo vừa chạy vào cổng nhà trưởng thôn Bắc vừa gọi như cháy nhà. Vào tới sân, không kịp dừng lại, bà Thóc túm tay ông Bắc, kéo xềnh xệch - Đi bác, bác đến ngay nhà ông em tí, ông em mệt quá rồi, muốn gặp bác...
Không ai nghĩ, trước khi mất, cụ Gạo, người đã bị coi là "lẫn" đã gần chục năm nay lại tỉnh táo thế. Vẫy bà con gái đỡ dựa vào gối, cụ nhướng mắt ra vườn:
- Giời hôm nay sáng nhỉ, trong giời đây, lúa má rồi lên phải biết. Nhà Tấm đâu! Thắp cho thầy nén hương lên ban thờ...
- Ông lại sao thế? Lẫn rồi cứ hay nói linh tinh - Ông Tấm cau mày.
- Cha anh, lẫn gì! - Cụ Gạo bất ngờ chửi yêu - To đầu mà dại, bạc tóc vẫn chửa khôn. Vợ chồng nhà anh lên ông lên bà mà nghĩ ngắn lắm! Thắp hương chưa? Thóc! Đỡ thầy ra nào.
Gần như dựa nửa người vào bà con gái, cụ Gạo cố lết ra trước ban thờ, đôi tay già nua chắp lại, run rẩy, đôi mắt hấp háy. Xá ba xá rồi cụ lần lần ngồi xuống, vẫy con cái lại gần, vẫy cả trưởng thôn lại:
- Không dài vắn gì nhé, tí thằng bố Tấm cho người dỡ tường rào, xây xê vào trong vườn cho bằng với hàng xóm, nhường đất cho làng làm nốt đường cho thẳng thớm đi... - Cụ gấp gáp thở.
- Ông lẫn rồi, biết đâu chuyện đời - Ông Tấm vằn mắt? - Xã đền rẻ như cho thế sao được?
- Tiền, tiền, lúc nào cũng tiền. Rồi hai tay chắp bụng có ôm được đi không? Nhà anh tưởng tôi lẫn à? Còn lâu? Tôi lẫn sao tôi biết bụng anh. Cho làng là cho làng, tôi chả lấy hào nào sất...
- Thầy lẫn thật rồi. Làng tốt đẹp gì với thầy? Họ có coi thầy sạch sẽ đâu?
- Câm! Tao làm gì tao biết! Giả sử tao có tội mà làng vẫn xá cho, vẫn được ở yên ổn, ấm áp với làng thì cũng là vạn phúc rồi... - Hơi thở của cụ Gạo như cuộn dưới bụng đẩy lên, cả khuôn ngực già phập phù sau lần áo mỏng. Cụ vẫy trưởng thôn lại gần - Tôi đọc, con cái Ngô viết, bác Bắc dòm nhé: "Làng Đoài, mồng 5 âm Ất Mùi. Tôi là Gạo, bằng lòng hiến đất vườn để làng làm đường, cho bằng đủ thì thôi. Các con cháu tôi không có quyền cản làng. Phần đất còn lại của vợ chồng tôi, cho vợ chồng nhà Tấm một nửa, nửa còn lại để các con cháu hùn làm nhà thờ, lấy chỗ cúng giỗ, đi lại... Đất nhà có sổ đỏ tên vợ chồng tôi". Rồi cụ Gạo chìa tay, quệt vào mực ấn điểm chỉ, rồi vẫy các con lần lượt ký vào, trừ vợ chồng ông Tấm. Cụ Gạo giơ tay lưng chừng buông thõng xuống: "Mày không ký mặc xác mày, phụ làng chết chả có chỗ chôn. Thôi, việc nào, việc ấy, chúng mày cứ thế mà làm. Nhà Tấm không đồng ý thì mua đất ra chỗ khác ở, đất của tao, tao cho".
*
Bờ tường rào nhà cụ Gạo được dỡ. Chi đoàn thanh niên đang đổ đất, san nền. Chi hội cựu chiến binh chuẩn bị bê tông. Lại vẫn mỗi nhà một người, làm nốt đoạn đường qua nhà cụ Gạo.
Con đường của xóm Đoài đã xong, thẳng băng, rộng rãi, chạy thẳng ra cánh đồng bên sông. Đường xong rồi, Toàn, cháu nội cụ Gạo ghé lưng xốc ông lên lưng, thong thả đi dọc con đường ra mãi bãi tha ma ngoài đồng xa. Đi hết một vòng, cụ Gạo đập tay vào vai Toàn, chỉ về nhà. Vừa tới thềm, Toàn thấy ông nội nặng trĩu trên lưng. Cậu ngồi ghé xuống giường. Chưa kịp đỡ ông, cụ Gạo đã đổ xuống, mắt nhắm nghiền, bất động.
Đoàn người đưa đám tang cụ Gạo nối dài suốt từ đầu làng đến bãi tha ma, trên con đường mới. Trời lất phất mưa.
Quan tài vừa hạ xuống huyệt mộ, một người đàn ông ngoại quốc rẽ đám con cháu cụ Gạo, bước tới, quỳ bên miệng huyệt! Bằng cái giọng lơ lớ, người đàn ông ấy cúi đầu: "Ông Ruột Thóc ơi! Tôi là lính đồn đầu làng được ông địch vận đêm dẫn du kích đánh đồn đây! Không có ông, không nghe ông buông súng theo Việt Minh chắc tôi cũng tan xác trong trận đánh ấy rồi. Bỏ được nắm đất cho ông, thôi cũng muộn còn hơn không, ông vui lòng ông nhé. Ơn ông, tôi không bao giờ quên!".
Giờ thì người làng Đoài đã biết người "tay trong" dẫn du kích diệt đồn năm ấy là cụ Gạo, rằng cụ Gạo không phải là "xỏ giầy Tây". Bao nhiêu năm, người du kích nằm vùng ấy vẫn không một lời kêu ca, thanh minh hay lý giải. Cụ cứ sống giữa quê nhà, hồn hậu như thế, như cái tên "Ruột Thóc" mà đồng đội trong đội du kích đã đặt cho.
HOÀNG THƯƠNG