Đường làng

21/05/2023 06:26

Cụ Thóc là người duy nhất ở làng không biết chữ, cũng chẳng biết đi xe. Cả đời cụ quanh quẩn sau lũy tre làng chưa từng đi đâu xa, dù là lên tỉnh...

Minh họa: HUY CHƯƠNG

Cụ Thóc là người duy nhất ở làng không biết chữ, cũng chẳng biết đi xe. Cả đời cụ quanh quẩn sau lũy tre làng chưa từng đi đâu xa, dù là lên tỉnh. Đến cả tên mình cụ cũng không biết ký, có việc gì liên quan đến giấy tờ thì điểm chỉ. Ấy vậy mà con cái cụ cả năm người đều giáo sư, tiến sĩ chứ chẳng đùa. Không biết chữ nhưng đầu cụ là cả kho ca dao, tục ngữ, Truyện Kiều, đông tây kim cổ. Cụ là kho sử sống của làng khi đã cùng mảnh đất này trải qua bao biến cố thăng trầm, bao nhiêu mùa no đói. Đã hơn chín mươi tuổi mà cụ vẫn còn minh mẫn lắm. Chuyện xưa, chuyện nay cụ đều nhớ cả. Dù cụ đã yếu, suốt ngày chỉ ngồi trên chiếc ghế mây ngoài hiên ngóng ra đường nhưng tỏ tường chuyện đầu làng cuối xóm. Thế mới lạ chứ. Thì đấy, chủ trương tiếp tục mở rộng đường giao thông nông thôn vừa mới họp ngoài xã hôm qua, mới chỉ có mấy ông bà trưởng thôn biết, chứ nào đã thông báo rộng rãi trên loa làng đâu, ấy thế mà cụ Thóc đã nắm được tình hình. Chiều tối, lúc Tình đi làm về, cụ liền hỏi:

- Có phải sắp làm lại đường làng không cháu?

- Bà nghe thông tin ở đâu thế ạ? Cháu cũng chỉ nghe phong thanh chủ trương thôi chứ bao giờ làm thì cháu không biết. Cái này nhiều tỉnh khác cũng đã triển khai rồi bà ạ. Bà cứ chuẩn bị tiền đi!

Cụ Thóc cười, vỗ vỗ vào cạp quần, nơi lúc nào cũng cài chiếc túi nhỏ đựng tiền.

- Tiền bà thiếu gì. Chúng nó cho còn để cả đây, có ăn tiêu gì đến.

- Thế mà mấy lần cháu hỏi mãi bà chẳng cho vay. Giờ bà định mang đi góp làm đường hết ạ?

- Cha bố mày, có bao giờ bà tiếc con tiếc cháu. Mày cứ lấy vợ đi, có bao nhiêu bà cho hết. Mà bà có đóng góp làm đường thì cũng là để có đường to đẹp sau này xe đón dâu đỗ tận cổng nhà. Đúng không nào?

- Đúng! Đúng ạ. Bà của cháu nói gì mà chẳng đúng ạ.

Cụ Thóc thong thả bỏ miếng trầu vào miệng bỏm bẻm nhai. Cả làng này còn mỗi cụ nhai trầu. Nên hàng xóm láng giềng cứ ngày rằm, mồng một thắp hương xong là mang cau biếu cụ. Cụ hay bảo cũng may có hàng xóm không thì buồn lắm. Năm đứa con đều bận công việc ở xa. Có mỗi thằng cháu nội ở nhà với cụ thì nó cũng đi làm suốt. Trước còn khỏe người cụ hay chống gậy đi thăm mấy nhà xung quanh. Lúc nào tay cụ chẳng xách theo mấy mớ rau, chùm quả hái ở vườn nhà chia cho hàng xóm. Vườn nhà cụ thì rộng, cây cối lâu năm, mùa nào quả ấy. Thỉnh thoảng gặp cánh lái buôn đến nhà thì cụ bán, không thì cho hàng xóm. Dạo này chẳng hiểu sao có nhiều người tìm mua các gốc cây cổ thụ. Ngày nào cũng có người lượn lờ vào hỏi bán cây. Có những cây họ trả giá vài chục triệu đồng chứ không ít. Ấy thế nhưng cụ đều xua tay từ chối. “Các cháu thông cảm, từng này tuổi rồi không trồng thêm cây thì thôi chứ ai lại đi bán cây. Tôi để đấy cho con cháu sau này nó hưởng”.

Hết tiếp khách hỏi cây lại tiếp người đi săn đất. Cụ sống đến từng này tuổi chưa bao giờ thấy giá đất tăng cao như thế. Ngày xưa cả cái làng này là đất hoang. Đường làng lúc ấy mới chỉ là một con lươn nhỏ ngoằn ngoèo, nhấp nhô, xóc lên xóc xuống. Rồi sau này đường đất được mở rộng, to hơn, để xe bò chở lúa chở khoai. Thêm vài lần làm lại nữa đường mới được bằng phẳng. Rồi thì xây dựng nông thôn mới, đường làng cũng được làm to, đẹp hơn nhưng giờ xã đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao nên cần mở rộng đường ra thêm nữa. Hôm qua xóm thông báo họp bàn việc này, cụ vui quá ấy chứ, cứ ngóng mãi thằng cháu đi họp về xem tình hình thế nào. Mười giờ tối Tình mới về đến nhà, phổ biến lại cho cụ:

- Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao để đời sống vật chất và tinh thần của người dân giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với đô thị nên chính quyền vận động mở rộng thêm đường bà ạ. Cũng như đợt làm đường nông thôn mới hồi trước, Nhà nước cũng hỗ trợ xi măng, ống cống và kinh phí phục vụ công tác quản lý. Còn người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động, máy móc thiết bị khác, cũng có thể bằng tiền mặt để thi công xây dựng.

- Thế xóm mình mọi người tính thế nào?

- Ôi bà còn lạ gì, cứ động đến kinh tế là cãi nhau om sòm hết cả. Nhiều người bảo hồi trước hiến đất, góp tiền làm rồi, giờ còn đóng góp gì nữa. 

- Khôn ngoan không lại với trời. Thôi thì cứ để mặc người đời khôn ngoan. Mình góp được gì cứ góp. Bà sống đến từng này tuổi không nghĩ còn được thấy con đường bê tông rộng rãi chạy qua trước nhà mình. Cứ nghĩ đến cảnh mùa mưa đường đất trơn trượt khối người ngã nhào trước kia mà sợ.

- Do là đường liên thôn nên xã tính mở rộng hơn nữa ra tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bà ạ. Nhất là khi có hai xưởng may vừa xây dựng sắp đi vào hoạt động.

- Thế thì tốt quá còn gì.

- Nhưng cái khó là mở rộng đường thì phải có đất. Mà đợt làm đường trước cũng đã nhiều nhà hiến rồi nên giờ nhiều nhà có ý kiến lắm, nhất là trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” này. Như nhà mình đợt trước bà cũng phải lùi cái tường rào vào cả mét rồi, giờ bà có cho nữa không?

- Cho chứ. Muốn mở rộng bao nhiêu bà cũng cho hết. Bà già rồi chết cũng có mang được đất đi đâu.

- Nhưng không biết bố cháu và các cô chú có đồng ý hay không?

- Sao mà không đồng ý. Con đường này gắn bó với chúng ta mấy chục năm trời. Có làm to đẹp thế nào cũng là để mình đi, con cháu mình đi. Sau này bà nằm xuống, cũng sẽ đi một chuyến cuối đời trên con đường này đấy.

Hai bà cháu ngồi nhìn ra con đường thân thuộc. Nơi chính bà từng nhiều lần cầm cuốc san đất, xới cỏ hai bên. Nơi con bà hằng ngày lọc cọc đạp xe tới trường. Nơi chồng bà từng gánh gồng bước thấp bước cao những vụ mùa trĩu hạt. Nơi các cháu của bà chập chững những bước đầu đời. Bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về, bà chậm chạp lấy tay chùi khóe mắt. Bỗng tiếng điện thoại reo vang. Bà lật đật moi từ trong túi áo ra chiếc điện thoại nhỏ, nheo nheo mắt nhìn xem ai gọi. “À, thằng cả đây mà”, bà run run bấm máy. Tiếng con bà vang lên:

- Mẹ ở nhà có khỏe không ạ? Mấy hôm nay con bận quá mẹ ạ.

- Mẹ vẫn khỏe nhưng có việc này quan trọng nên cũng mong con điện về.

- Có việc gì vậy mẹ? Chuyện nhà mình hay là chuyện giỗ chạp, mồ mả, họ hàng ạ?

- Chuyện Nhà nước tiếp tục hỗ trợ làm đường bê tông con à. Nghe nói đường sẽ mở rộng hơn, nhà dân hai bên đường lại tiếp tục hiến đất. Mẹ muốn hỏi ý kiến các con?

- Mẹ quyết thế nào con cũng đồng ý ạ. Nếu cần đóng góp gì thêm mẹ cứ bảo chúng con.

 *
Bà cụ quyệt môi trầu, nheo mắt nhìn ra ngõ nắng, ngâm lên mấy câu Kiều: “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Người làng mỗi lần đi qua vẫn thường nghe thấy cụ ngâm Kiều. Tiếng ngâm lúc xa lúc gần. Lúc trong lúc đục. Lúc ngay trước mắt lúc lại như vọng về ở một thế giới xa xưa nào đó. Dưới đường người dân đang tập trung xem tổ làm đường đo đạc, tính toán. Ai đó bảo:

- Tính ra mỗi nhà hiến một ít đất nhưng lại thu về rất nhiều cái lợi. Này nhé, có đường to để đi lại. Giá đất lại tăng lên gấp đôi chứ chẳng đùa.

- Ôi dào! Đất đai ông bà tổ tiên để lại cũng có bán đâu mà mong tăng giá. Nhưng việc hiến đất mở rộng đường thì nên làm. Đấy, cứ nhìn cụ Thóc mà xem. Già chẳng đi được đến đâu còn hiến đất mấy lần, ủng hộ tiền. Mình làm đường mình đi, tiếc cái gì.

- Nghe nói mấy người con cụ Thóc tuy ở xa nhưng cũng đều gửi tiền về ủng hộ đấy. Chẳng riêng việc làm đường, hồi xây nhà văn hóa, tu bổ lại đình làng họ cũng đều đóng góp nhiệt tình.

Các con cụ thật ra đã thoát ly khỏi quê hương mấy chục năm rồi. Nhưng lòng họ luôn hướng về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Bởi họ đã được lớn lên bằng lời ru của người mẹ nghèo thất học. Bằng những lời dậy thấm thía qua ca dao, tục ngữ. Bằng cơm độn sắn khoai và những ngọn rau đắng trên rừng, con cua con tép dưới đồng. Chiều nay như mọi khi cụ Thóc lại ngồi chìm trong mớ ký ức hỗn độn nhớ con nhớ cháu. Cho đến khi tiếng Tình vang lên:

- Nhà mình đúng đoạn khúc cua bà ạ. Lần này để cho thẳng đường thì phải cắt sâu vào vườn. Cây mít, cây vú sữa già và cả cây sung nữa chắc cũng phải chặt đi.

- Chặt đi thì tội. Thôi ngày mai cháu gọi cho mấy người hay đến hỏi mua cây. Bán cho họ đào mang đi nơi khác trồng thì cây còn có cơ hội sống mà tỏa bóng đơm hoa. Tiền bán cây mang ủng hộ làm đường hết.

Cụ vịn cột nhà đứng dậy, chống gậy đi ra vườn. Cụ chạm bàn tay gầy gò, nhăn nheo của mình lên từng thân cây một. Tuổi cây bằng tuổi đời các con của cụ, chúng đã cùng chứng kiến biết bao nhiêu biến cố thăng trầm của gia đình. “Thôi thì vì con đường, chúng mày chịu khó về nơi mới nhé”. Vỗ vỗ vào thân cây, cụ Thóc lấy tay lau nước mắt… 

Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường làng