Đường huyện kêu cứu

16/08/2018 12:17

Nhiều đoạn đường do UBND cấp huyện quản lý đã và đang bị xuống cấp ở nhiều mức độ.

Hiện nay, nhiều tuyến đường do cấp huyện quản lý đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời ảnh hưởng không nhỏ tới việc sinh hoạt của các hộ dân hai bên đường cũng như người tham gia giao thông.

Sống chung với nước và bụi

Mỗi khi có mưa, mặt đường vào các khu dân cư Tân Tiến, Bích Động thuộc phường Cộng Hòa (Chí Linh) biến thành vũng nước rộng và sâu. Xe cộ đi lại qua đây rất khó khăn, phải men sát mép đường. Những gia đình sống cạnh đường thường xuyên bị phương tiện đi qua tạt nước vào tận cửa. "Đoạn đường chỉ dài hơn 1 km, đã hư hỏng từ rất lâu nhưng không được sửa chữa. Nước tù đọng, mất vệ sinh môi trường. Khi mặt đường không còn nước đọng thì lại có nhiều bụi bay vào nhà rất khó chịu", anh Nguyễn Văn Thắng ở khu dân cư Tân Tiến cho biết.


Sau mỗi đợt mưa, đường vào các khu dân cư Tân Tiến, Bích Động (phường Cộng Hòa, Chí Linh) thường xuyên đọng các vũng nước lớn và sâu 

Đoạn tuyến trên là đường nhánh quốc lộ 37 (km 88 + 700) vào các khu dân cư Tân Tiến, Bích Động. Đã nhiều năm qua mặt đường bị hư hỏng nặng, có nhiều hố lớn gây mất an toàn giao thông. Trong tháng 4.2018, tại đây đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông chết người. Ban An toàn giao thông tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng sửa chữa mặt đường nhưng tình trạng xuống cấp vẫn chưa được khắc phục.

Sinh sống cạnh đường huyện166 của huyện Kim Thành, ngay trước nhà là một vũng nước lớn nên nhiều năm qua gia đình bà Bốn, ở đội 6, thôn Quảng Đạt (xã Ngũ Phúc) cũng chịu cảnh mùa mưa thì ẩm ướt, mùa khô thì bụi. Đây là tuyến đường nối từ quốc lộ 5 đoạn từ Kim Xuyên đi qua Ngũ Phúc để đến các xã Tam Kỳ, Đại Đức, Kim Đính, Đồng Gia rồi sang thôn Ngọ Dương, xã An Hòa (huyện An Dương, TP Hải Phòng) nên mật độ phương tiện khá lớn. Mặc dù mặt đường toàn tuyến vẫn cơ bản bảo đảm song một số điểm đã bị bong tróc; đường nhỏ, có nhiều đoạn cong cua lại thêm những ổ gà sâu rất nguy hiểm. "Những gia đình có vũng nước đọng phía trước thường xuyên bị xe cộ đi qua hắt nước vào nhà. Chúng tôi mong cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, lấp đất đá vào những đoạn đường có thùng vũng để việc đi lại an toàn hơn", bà Bốn kiến nghị. Đại diện Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an huyện Kim Thành) cho biết mặc dù là đường nhỏ song từ đường huyện 166 có thể đi sang nhiều địa phương khác nên mật độ phương tiện khá lớn. Đoạn đường này cần được quan tâm bảo trì để góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

Không chỉ các tuyến đường kể trên, nhiều đoạn đường do UBND cấp huyện quản lý cũng đã và đang bị xuống cấp ở nhiều mức độ. Mặc dù tình trạng hư hỏng không quá nghiêm trọng nhưng do chậm được sửa chữa nên người dân đi lại gặp nhiều khó khăn. Thông qua các cuộc tiếp xúc, cử tri ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng bức xúc về vấn đề này.

"Cái khó bó cái khôn"

Hiện nay, việc bảo trì các tuyến đường này do UBND cấp huyện có tuyến đường đi qua chịu trách nhiệm. Kinh phí sửa chữa đường từ nguồn chi thường xuyên trong dự toán ngân sách hằng năm của UBND cấp huyện và các nguồn vốn khác. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc bảo trì, sửa chữa các tuyến đường xuống cấp rất khó khăn.

Đường huyện 195 qua xã Ngô Quyền (Thanh Miện) dù chưa bị xuống cấp nghiêm trọng song hầu hết toàn tuyến đã xuất hiện "sống trâu", nhiều đoạn hai bên đường bị xệ xuống, đi lại rất khó khăn. Mặt đường chỉ rộng chừng trên 3 m nên việc lưu thông càng khó khăn hơn. Nhiều đoạn 2 ô tô con phải nhường nhau thì mới qua được, một số chỗ cơ quan chức năng phải bố trí điểm tránh xe. Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Miện, công nhân Hạt Đường bộ huyện thường xuyên kiểm tra, bảo trì, phát cỏ, khơi thông nước đọng ven đường. Nhưng việc sửa chữa đường rất khó vì kinh phí hạn hẹp.

Ông Vũ Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết việc bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường huyện phụ thuộc vào nguồn chi thường xuyên trong dự toán ngân sách hằng năm của huyện nên phải cân đối. Huyện Gia Lộc đang quản lý hơn chục tuyến đường huyện với tổng chiều dài trên 46km. Trong đó chỉ có 4 đoạn được đánh giá tình trạng kỹ thuật tốt, 3 đoạn trung bình, 9 đoạn xấu. Đặc biệt, có một đoạn rất xấu dài gần 4 km thuộc đường huyện 20 C từ quốc lộ 38 (đoạn xã Đồng Quang) đến Trường THCS Nhật Tân. 

Toàn tỉnh có 110 tuyến đường huyện, tổng chiều dài khoảng 583 km. Trong đó, trên 513 km đã trải bê tông xi măng, bê tông nhựa (tương đương 88,07%), 49km mặt đường cấp phối và 20,5 km mặt đường loại khác. Đây là các tuyến đường nối trung tâm hành chính huyện với trung tâm hành chính xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính huyện lân cận. Vì vậy, UBND các huyện nên quan tâm bố trí nguồn vốn bảo trì, sửa chữa để bảo đảm các tuyến đường phát huy tốt tác dụng, phục vụ người dân đi lại cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Đường huyện kêu cứu