Đường gom và đường xe thô sơ của quốc lộ 5 được mở rộng nhưng lại chưa xây dựng đồng bộ. Nhiều đoạn bị ngắt quãng, rất bất tiện cho người đi đường.
Một đoạn đường gom phía nam qua phường Tứ Minh đang bị doanh nghiệp sử dụng
Đường gom quốc lộ 5 đoạn qua TP Hải Dương vẫn chưa liền mạch. Do đó, trên tuyến đường này tình trạng ô tô, xe máy đi ngược chiều trong luồng xe thô sơ, xe máy hay lấn làn đường của ô tô thường xuyên diễn ra.
Nhiều vi phạmHằng ngày, đoạn đường gần khu công nghiệp (KCN) Đại An và những khu vực đông dân cư ven quốc lộ 5 đoạn qua TP Hải Dương xuất hiện tình trạng từng tốp người đi ngược chiều trên làn đường dành cho xe thô sơ. Nguyên nhân một phần do hệ thống đường gom và đường xe thô sơ của quốc lộ 5 được mở rộng nhưng lại chưa xây dựng đồng bộ. Nhiều đoạn bị ngắt quãng, rất bất tiện cho người đi đường. Khi tan ca, KCN Đại An có hàng nghìn lao động tỏa về qua đường gom và quốc lộ 5. Tuyến đường gom phía nam đường từ đô thị phía tây TP Hải Dương đến hết KCN đã đưa vào sử dụng hơn 5 năm nhưng hiện còn 280 m chưa có mặt bằng thi công. Do đường gom chưa liền mạch nên công nhân tan ca đi xe máy tràn cả vào luồng dành cho ô tô hoặc đi ngược chiều đường của xe thô sơ, làm cản trở giao thông. Chị Nguyễn Thị H., công nhân trong KCN Đại An cho biết nhà chị ở Gia Lộc, cách công ty khoảng 7 km nên khi đi làm thường sợ bị muộn. Đi theo đường gom rất tiện, nhưng bị ngắt đoạn hơn 200 m ở khu Cẩm Khê (phường Tứ Minh). Nếu đi đúng luật thì phải vượt qua quốc lộ 5 đến 2 lần (1 lần sang đúng chiều đường và 1 lần rẽ vào KCN).
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Hải Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý xe đi ngược chiều nhưng người tham gia giao thông liên tục tái phạm.
Phường Nhị Châu có 4 trong tổng số 7 khu dân cư và trung tâm hành chính nằm ở phía bắc quốc lộ 5. Hằng ngày, người dân đi làm, trẻ em đi học vẫn đi ngược chiều trong làn xe thô sơ. Nguyên nhân do đường gom quốc lộ 5 thi công từ hơn 10 năm nay vẫn bị đứt mấy đoạn vì chưa có mặt bằng. Trên địa bàn phường có 2 đoạn đường gom dài hơn 200 m chưa thể thi công vì vướng nhà ở và công trình. Theo ông Trần Văn Trường ở khu dân cư số 3, việc "cả làng" vi phạm giao thông là bất đắc dĩ. Nếu cứ vòng qua cầu vượt Phú Lương thì xa thêm hàng km.
Cần xử lý dứt điểmĐường gom là giải pháp hiệu quả giảm tải cho quốc lộ 5, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu thông và vận tải hàng hóa. Để hạn chế vi phạm nêu trên thì hoàn chỉnh hệ thống đường gom là việc cần làm ngay. Đầu tháng 4-2016, qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu TP Hải Dương tháo gỡ các vướng mắc để tập trung giải phóng mặt bằng thi công nốt các đoạn dang dở, bảo đảm 2 tuyến đường gom bắc và nam quốc lộ 5 phải sớm liền mạch...
Ông Đặng Vũ Sơn, Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hải Dương cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, ngày 6-4-2016, ban đã bắt đầu nhận bàn giao các hồ sơ, tài liệu, bản đồ có liên quan tới dự án đường gom quốc lộ 5 từ Ban Quản lý các KCN tỉnh. Theo đó, đường gom 2 bên quốc lộ 5 đoạn qua TP Hải Dương có tổng chiều dài 18,8 km, vốn đầu tư 106,9 tỷ đồng từ ngân sách; thời gian xây dựng từ năm 2002 - 2008. Toàn bộ 220 hộ dân đã được Hội đồng GPMB thành phố, Ban Quản lý các KCN tỉnh, cùng chính quyền các địa phương liên quan đo đạc diện tích, kiểm đếm cây cối hoa màu, tài sản trên đất. Phương án bồi thường, hỗ trợ đã được lập, trình thẩm định đúng quy định, gồm 31 đợt với tổng số tiền 41,1 tỷ đồng. Đến năm 2009, cả 2 tuyến đường gom đã thi công và đưa vào sử dụng hơn 15,4 km. Tuy nhiên vẫn còn 8 đoạn đường gom chưa triển khai thi công do vướng GPMB từ năm 2006 đến nay. Khó khăn nhất là đoạn 280 m tuyến đường gom phía nam thuộc khu dân cư Cẩm Khê B hiện còn vướng 6 hộ dân có đất, công trình liền kề quốc lộ 5 và đường vào làng Cẩm Khê trước đây chưa thu hồi đất. Do đó, thành phố sẽ tiến hành thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định. Ngày 13-5-2016, Ban GPMB thành phố đã làm việc với các hộ dân này. Bước đầu các hộ đều đề nghị diện tích đất tái định cư tương đương diện tích thu hồi phải giáp mặt đường gom ở gần đó. Đề nghị này đang khiến các cấp chính quyền của thành phố gặp khó khăn. Theo ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Tứ Minh, cả 6 hộ này do UBND xã trước đây cấp đất ở từ trước năm 1990 nên có mảnh đất rộng đến 200 m2 nay không thể bố trí tái định cư đủ diện tích đó. Quỹ đất tái định cư mặt đường gom gần đó không còn, phường dự định tái định cư ven trục đường phía trong nhưng người dân chưa đồng ý. Đoạn đường gom này cũng vướng một số công trình, tường rào của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tài Lộc và Doanh nghiệp tư nhân Xuân Đào nằm trên vỉa hè chưa tiến hành phá dỡ. Đại diện các doanh nghiệp này đã cam kết sẽ bàn giao mặt bằng khi tổ chức thi công.
Ngoài ra, có hơn 3 km tuyến phía bắc đi qua các phường Việt Hòa, Cẩm Thượng, Bình Hàn và Nhị Châu còn vướng mặt bằng 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 800 m. Trên địa bàn phường Nhị Châu còn 11 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa tháo dỡ. Phường Cẩm Thượng còn 9 trong tổng 48 hộ, trong đó có 4 trong 13 hộ tái định cư chưa chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương, Ban GPMB thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các hộ trên khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, công trình. Thành phố, các phường Cẩm Thượng, Tứ Minh tiếp tục đối thoại để tuyên truyền, vận động và giải thích cho các hộ chưa chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các trường hợp cố tình không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất...
THÀNH LONG