Các tay đua sẽ dự tranh ở hai hạng đấu, theo hình thức đấu loại trực tiếp trên đường đua hơn 800 mét. Sau vòng phân loại chọn ra 16 tay đua, người có thành tích đối đầu tốt nhất sẽ đấu với người có thành tích cuối. Giải có sự tham dự của các tay đua nữ, và họ sẽ đối đầu với các tay đua nam, không phân biệt giới tính.
Motorkhana (còn được biết đến với tên gọi Gymkhana tại Mỹ hay Auto Gymkhana tại Anh) là một hình thức đua xe ô tô thể thao. Các tay đua phải điều khiển xe qua các chướng ngại vật và sa hình đã được định sẵn thông qua khả năng nhớ đường, định hướng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Xe đua dành cho Motorkhana gồm các dòng xe thương mại trong nhóm Sedan và Hatchback, CUV, SUV... Đây chính là các dòng xe vẫn đang được sử dụng là phương tiện tham gia giao thông hằng ngày, do đó Motorkhana được đánh giá là môn đua xe thể thao dễ tiếp cận bậc nhất và hoàn toàn phù hợp để phát triển tại Việt Nam ở giai đoạn các giải đua xe ô tô đều còn mới mẻ.
Đây là lần đầu tiên Motorkhanna Việt Nam được tổ chức. Giải là hoạt động có quy mô quốc gia, được Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam phê duyệt chủ trương tổ chức, được Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cấp phép. Qua giải này, Ban tổ chức sẽ lựa chọn những tay đua xuất sắc để đại diện Việt Nam tham dự FIA World Motorsport Games được tổ chức vào tháng 10 tại châu Âu.
Chịu trách nhiệm chính tổ chức là Công ty TNHH Hiệp hội thể thao xe động cơ Việt Nam. Đơn vị này đã được Liên đoàn Ô tô quốc tế FIA công nhận là thành viên.
Đường đua xe F1 được khởi công vào tháng 3.2019, có chiều dài 5.607 mét, gồm 23 góc cua, với kinh phí hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, sau khi đường đua hoàn thành, Hà Nội không thể tổ chức chặng đua vào tháng 4.2020 như kế hoạch do ảnh hưởng của Covid-19.
Theo ông Đinh Văn Luyến, Trưởng Phòng Quản lý thể thao của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, hiện tại các bên chưa quyết định số phận đường đua, nhưng đây vẫn là công trình thể dục thể thao nên chỉ phục vụ thể thao, không dùng cho các mục đích khác.
Theo VnExpress