Thông thường vé dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí sẽ được lái xe dùng để qua trạm, thanh toán với công ty kinh doanh dịch vụ vận tải, rồi vứt bỏ.
Đi đường tránh trạm thu phí rồi mua cuống vé để thanh toán là cách nhiều lái xe áp dụng
Song thực tế, những cuống vé này còn có thể "sống dai" qua một con đường khác.
Đằng sau những quán nước ven đường
Cánh lái xe thường rỉ tai nhau về những địa điểm có thể mua lại cuống vé dịch vụ sử dụng đường bộ với số lượng lớn, giá rẻ. Trong vai lái xe phụ cho một xe tải cỡ nhỏ, chúng tôi đã lần theo nhiều đầu mối dẫn đến "thị trường cuống vé chợ đen".
Theo hướng Hải Phòng - Hà Nội, đi qua trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 thuộc huyện Văn Lâm (Hưng Yên) có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán nước ven đường. Với những lái xe cho các công ty trong lĩnh vực vận tải, đây là nơi để mua bán cuống vé qua trạm thu phí. Từ đây, một "vòng đời" phụ của các loại cuống vé này xuất hiện.
Quan sát một quán nước có lượng người vào ra nhiều bất thường, có người thậm chí còn không uống nước mà chỉ ghé qua nói chuyện, trả tiền mua bán gì đó với chủ quán rồi lại lên xe máy đi thẳng làm chúng tôi không khỏi nghi ngờ. Rất có thể đây là một trong những địa điểm phe vé mà cánh lái xe vẫn nói đến. Chúng tôi tiến vào quán, vừa uống nước vừa mục sở thị. Đúng như suy đoán, đây là một trong những địa điểm chuyên cung cấp cuống vé qua trạm thu phí số 1 quốc lộ 5. Chỉ chưa đầy 1 giờ, chúng tôi đã đếm được cả chục người đến mua với hàng xấp cuống vé trên tay. Những người đó hầu hết là khách quen bởi quá trình mua bán diễn ra rất nhanh. "Mấy tập?", "loại nào?" là những câu hỏi từ người chủ quán nước, rồi sau đó nhanh tay lấy ra xấp cuống vé đúng yêu cầu trao cho người mua. Đến lượt chúng tôi, sau một hồi lưỡng lự, dò xét, chủ quán nước cũng hỏi những câu tương tự. Dường như việc mua bán cuống vé diễn ra ở đây tương đối dễ dàng nên chủ quán không mấy đề phòng mỗi khi có khách lạ hỏi mua.
Thị trường cuống vé chợ đen đằng sau những quán nước ven đường
Vé dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 dành cho loại ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức thu 40.000 đồng. Cuống vé loại này được bán lại theo 1 xấp 10 cuống với giá 30.000 đồng. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 dành cho loại xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet có mức thu 180.000 đồng. Loại cuống vé trên được bán theo xấp gồm 5 cuống với giá 100.000 đồng. Với 3 năm buôn bán cuống vé, chủ quán nước cho biết đây là 2 loại cuống vé được hỏi mua nhiều nhất và ở đây cũng chỉ bán 2 loại này. Để tiết kiệm thời gian mua bán, khách quen có thể gọi điện đặt trước, rồi sẽ đến mua khi phe vé đã gom đủ số lượng theo yêu cầu. Cuống vé được những người như chủ quán nước thu gom từ rất nhiều nguồn. Một số ít là nhặt lại trên đường sau khi cuống vé bị vứt bỏ. Song chủ yếu phe vé mua lại từ những chủ xe tư nhân, không có nhu cầu dùng cuống vé để thanh toán. Đối với loại cuống 40.000 đồng, phe vé phải mua 1.500-2.000 đồng/chiếc. Loại cuống 180.000 đồng thường hiếm hơn nên giá mua cao hơn, thường là 16.000-17.000 đồng/chiếc.
Như vậy, giá trị của mỗi vé dịch vụ sử dụng đường bộ không chỉ dừng lại ở việc thanh toán mỗi khi phương tiện đi qua trạm thu phí hoặc dùng để hoàn tiền với công ty kinh doanh dịch vụ vận tải. Ở đây, cuống vé đã "đi thêm một vòng đời phụ" từ những người không có nhu cầu sử dụng được gom lại hoặc bị vứt bỏ trên đường, đã thông qua phe vé đến tay những người có nhu cầu mua lại, chủ yếu là những lái xe cho các công ty kinh doanh vận tải.
Phạm luật để hưởng lợi
Trên bản đồ giao thông cả nước, ngoại trừ những tuyến đường chính còn xuất hiện nhiều cung đường phụ giúp các lái xe né trạm thu phí BOT. Tình trạng này xuất hiện ở quốc lộ 5 đã nhiều năm nay. Bất kỳ lái xe có thâm niên nào cũng thuộc lòng những điểm nút giao thông, những ngã rẽ đi vào đường tránh vòng qua 2 trạm thu phí số 1 và số 2 (lần lượt được đặt trên quốc lộ 5 đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và huyện An Dương, TP Hải Phòng). Xe né trạm thu phí gồm đủ loại, từ xe cá nhân đến xe của những công ty vận tải, từ xe chở khách đến xe chở hàng… Chính điều này đã làm nảy sinh nhu cầu mua lại cuống vé qua trạm thu phí.
Cứ đến cuối tháng, anh M., lái xe cho một công ty kinh doanh vận tải hành khách tại TP Hải Dương lại tổng hợp sổ sách những chuyến đi của mình và không quên đính kèm những cuống vé trước khi đối chiếu thanh toán với bộ phận kế toán của công ty. Anh M. kể đường vòng tránh qua các trạm thu phí xa hơn nhưng chi phí xăng dầu so với số tiền bỏ ra nếu mua vé lại rẻ hơn rất nhiều. Vừa tránh trạm thu phí vừa mua lại cuống vé để thanh toán là cách mà nhiều lái xe như anh M. đang áp dụng. Nhiều thời điểm không thể đi mua trực tiếp, anh M. đăng tin trên các trang mạng xã hội để tìm mua loại cuống vé theo yêu cầu. "Tôi ký hợp đồng với công ty để vận chuyển hành khách nhưng xe là của tôi nên phía công ty không thể biết chính xác tôi di chuyển theo cung đường nào. Tôi có thể kê khai cuống vé qua các trạm thu phí để thanh toán lại với bộ phận kế toán", anh M. nói.
Vòng đời phụ đã đưa cuống vé đến tay những người phạm luật để hưởng lợi
Đối với những lái xe thuộc quyền quản lý của những công ty vận tải, họ đi đường tránh trạm thu phí rồi mua lại cuống vé để hưởng lợi sẽ khó khăn hơn do phía doanh nghiệp cài đặt thiết bị định vị. Đại diện công ty biết rõ phương tiện di chuyển theo tuyến đường chính hay đi đường vòng để tránh trạm thu phí. Nhưng "do khối lượng công việc nhiều và không đủ nhân lực để kiểm soát hoàn toàn lộ trình từng xe nên bộ phận kế toán của công ty chúng tôi vẫn chấp nhận thanh toán cho mỗi tờ cuống vé lái xe đưa về", đó là chia sẻ của anh H., chủ một doanh nghiệp kho vận thuộc phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương).
Đi vòng đường tránh, mua lại cuống vé dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm thu phí để thanh toán là hành vi phạm luật để hưởng lợi. Điểm c khoản 2 điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25.8.2014 của Bộ Tài chính quy định loại và hình thức hóa đơn ghi rõ: "Hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm…". Do đó, vé dịch vụ sử dụng đường bộ là một loại hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) được lập theo quy định; cộng việc trên vé ghi rõ cụm từ "đã bao gồm thuế GTGT" nên loại vé này được coi là hóa đơn đặc thù, được sử dụng làm chứng từ để kê khai, khấu trừ thuế GTGT, tính vào chi phí của doanh nghiệp khi bảo đảm các điều kiện khác theo quy định. Việc một số người thu gom loại vé thu phí đường bộ này và bán lại cho những người có nhu cầu là hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Ngoài ra, tổ chức nào sử dụng những cuống vé trên vào mục đích làm chứng từ khấu trừ thuế là vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Những hành vi vi phạm pháp luật này tùy tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng trên thực tế, việc xử lý những hành vi này gặp không ít khó khăn do các cuống vé thu phí đường bộ là mẫu chung, không ghi rõ ngày tháng sử dụng, không có mã số thuế hay tên cá nhân, tổ chức đã sử dụng vé qua trạm thu phí. Mặc dù có thể phát hiện những hành vi mua bán cuống vé nhưng lại khó chứng minh những cuống vé này được sử dụng vào mục đích trốn thuế nên chưa thể xử lý triệt để.
Thiết nghĩ, chừng nào các cuống vé này còn tồn tại thì chừng đó tình trạng lậu vé còn phát sinh và Nhà nước thì thất thoát nguồn thu.
LÊ TRẦN
Theo khoản 2 điều 39 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24.9.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27.5.2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, phạt từ 20-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Điều 164a Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009 quy định: Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt từ 50-200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hành vi phạm tội có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 1-5 năm. |