Ngày 6.6, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương bắt đầu xét xử sơ thẩm đối với Mai Ngọc Vinh và 68 bị cáo về các tội giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đây là vụ án rất nghiêm trọng, có nhiều bị cáo và người tham gia tố tụng, được dư luận quan tâm.
Từ kẻ cầm đầu
Từ tháng 10.2018 đến tháng 4.2022, Mai Ngọc Vinh (sinh năm 1990, trú tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh) đã thành lập Công ty TNHH Nhân lực Trường Sơn và Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn, Công ty TNHH Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, Trường Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật Sài Gòn tại tỉnh Quảng Ngãi; Công ty CP Giáo dục Việt RDC, Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật miền Nam tại tỉnh Bình Dương và giao cho một số cá nhân làm Phó Hiệu trưởng, nhân viên. Sau đó, các trường trên không tổ chức đào tạo, sát hạch theo quy định mà ký, bán các chứng chỉ nghề không qua đào tạo để hưởng lợi bất chính.
Bị cáo Mai Ngọc Vinh tại phiên tòa
Vinh là người đứng đầu, tổ chức, chủ mưu, trực tiếp ký 25 chứng chỉ nghề của Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam không qua đào tạo, sát hạch.
Vinh chỉ đạo Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1992), Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1996, cùng trú tại xã Bạch Long, Giao Thủy, Nam Định), Trương Đức Thành (sinh năm 1996, trú tại thị trấn Nga Sơn, Thanh Hóa) và đồng phạm lập trang quảng cáo, mời chào, ký, cấp, bán 14.268 chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn, 8.351 chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam và số lượng lớn chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, cùng nhiều thẻ an toàn lao động của Trung tâm Kiểm định kỹ thuật miền Nam cho nhiều người không qua đào tạo, sát hạch, thu lợi bất chính hơn 6,2 tỷ đồng.
Đến hàng chục đồng phạm
Ngoài 4 bị cáo Vinh, Chung, Hậu, Thành còn có 4 bị cáo khác quảng cáo, mời chào, nhập dữ liệu, in, hoàn thiện, chuyển bán nhiều chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn không qua đào tạo, sát hạch. Có 3 bị cáo khác quảng cáo, mời chào, nhập dữ liệu, in, hoàn thiện, chuyển bán nhiều chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam không qua đào tạo, sát hạch. 9 bị cáo là cộng tác viên của Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn và Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam là đồng phạm với vai trò giúp sức, quảng bá, thu nhận thông tin và là đầu mối trung gian bán các chứng chỉ không qua đào tạo sát hạch cho khách hàng để kiếm lợi.
Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 6.6
21 bị cáo khác là đồng phạm với vai trò tiếp nhận thông tin của những người mua chứng chỉ không qua đào tạo rồi cung cấp cho cộng tác viên và nhân viên, mua các chứng chỉ nghề rồi bán lại kiếm lời. 29 bị cáo khác là đồng phạm với vai trò cung cấp các thông tin, mua các chứng chỉ nghề để hoàn thiện yêu cầu, điều kiện làm việc của bản thân hoặc mua hộ người khác, không hưởng lợi.
Trong ngày 6.6, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã trình bày bản cáo trạng và tiến hành phần xét hỏi đối với một số bị cáo. Dự kiến vụ án này được xét xử trong 1 tuần.
Trong vụ án này, cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị truy tố đối với 70 bị can về tội giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đến ngày xét xử, do có 1 bị can đã mất nên Toà án Nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử 69 bị cáo.
Trước đó, ngày 23.5, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương phải hoãn phiên xét xử do vắng mặt một số bị cáo được tại ngoại và một số người bào chữa cho bị cáo.
Được biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sai phạm tương tự.
THÀNH ĐẠT