Được - mất của sinh viên làm xe ôm

05/01/2020 19:15

Để kiếm được 4-5 triệu đồng mỗi tháng, sinh viên làm xe ôm công nghệ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Để có thêm thu nhập, thoải mái về mặt thời gian, nhiều sinh viên làm xe ôm công nghệ. Ảnh: Giang Huy

Đọc thông tin chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc nghiên cứu quản lý giờ làm thêm của sinh viên, đặc biệt với sinh viên làm tài xế công nghệ, Trần Quốc, 23 tuổi, quê Phú Thọ, cựu sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhớ lại một năm rưỡi chạy Grab.

Giữa năm ba đại học, phải chi tiêu nhiều, từ chuyện bạn bè đến học hành, Quốc quyết định tìm công việc làm thêm. Được gia đình hỗ trợ mua xe máy AirBlade để tiện đi học, lại giữa lúc xe ôm công nghệ nở rộ, một số bạn bè đăng ký chạy Grab "kiếm được", Quốc đăng ký theo.

"Hồi đó, thủ tục đơn giản. Mình chỉ phải nộp bản sao thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân và bằng lái xe máy là được chấp nhận và có thể đi làm ngay mà không phải qua đào tạo gì", Quốc nói.

Chạy Grab không giống những công việc làm thêm khác như chạy bàn ở quán cafe, quán ăn, hay làm nhân viên ở cửa hàng quần áo, Quốc không bị giới hạn về thời gian, có thể nghỉ bất kỳ khi nào bận học hay mệt mỏi. Thay vì nhận mức lương 15.000-20.000 đồng mỗi tiếng và cuối tháng mới được thanh toán, Quốc có thể có ngay số tiền đó chỉ trong hai tiếng chạy xe, thậm chí là một tiếng. Có những ngày ở ngoài đường 10 tiếng, Quốc kiếm được 600.000-700.000 đồng. 

Dù dễ kiếm tiền, không ảnh hưởng nhiều đến việc học, chạy Grab vẫn mang đến rủi ro mà chính Quốc và sinh viên làm cùng thường xuyên gặp phải.

Quốc kể có đơn hàng trên phố, tài xế lên nhận ship thì biết đó là hàng cấm nhưng không thể bỏ. Hay chạy đêm, gặp phải người không tử tế, nếu không tỉnh táo và khôn khéo, nguy cơ bị lôi kéo làm điều xấu hay xô xát có thể xảy ra.

"Anh em chỉ biết dặn nhau giữ mình, không tham nhận khách không đặt qua app sau 10 giờ tối. Biết đâu được, xe mình vừa mới vừa đẹp, mình lại non dại, cướp giật xảy đến thì khổ cả gia đình", Quốc nói.

Chưa nói đến rủi ro lớn, riêng chuyện phải rong ruổi ngoài đường cả ngày dưới tiết trời mùa hè 39-40 độ, Quốc cũng thấy tổn hại sức khỏe. Những ngày đó, mặc mấy lớp áo, bôi mấy lớp kem chống nắng, dưỡng da, uống vài chai nước Quốc vẫn thấy mệt lả. Nhưng lúc đang cần tiền gấp, anh vẫn phải chạy.

Trước ý kiến về việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên, Quốc cho rằng nghe thì hợp lý nhưng không khả thi. Sinh viên cần tiền để trang trải cuộc sống, trong khi doanh nghiệp cần lao động chăm, giá rẻ như sinh viên. Khi hai bên có nhu cầu và tìm đến nhau, họ sẽ có cách lách luật, giống việc nhiều sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn có thể đi làm thêm quá số giờ quy định.

"Nếu sinh viên đi làm thêm nhưng vẫn bảo đảm được việc học thì tại sao lại quản lý họ? Việc đi làm hay không phụ thuộc vào nhu cầu và lựa chọn của mỗi người", Quốc nói.

Nguyễn Việt Hoàng (quê Thanh Hóa, sinh viên năm hai Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chạy Grab từ học kỳ một năm nhất. Hoàng cho rằng chủ các hãng xe ôm công nghệ nếu muốn hạn chế giờ làm của sinh viên có thể "tắt hoạt động" tài khoản của những tài xế từ 18 đến 22 tuổi vào khung 22 giờ.

"Lý thuyết là vậy nhưng việc này mình nghĩ không khả thi. Mình chạy có tiền, họ cũng được phần trăm lợi nhuận mà không doanh nghiệp nào từ bỏ lợi nhuận cả", Hoàng nói. Chàng trai 20 tuổi nói thêm, đi làm kiếm tiền là nhu cầu và quyền của mỗi người. Việc hạn chế giờ làm thêm xuất phát từ mục đích tốt nhưng để thực hiện "gần như là không thể".

Lý giải tại sao không tìm những công việc làm thêm liên quan đến chuyên ngành đang được đào tạo tại đại học, Hoàng tháo chiếc mũ bảo hiểm gắn logo Grab, lắc đầu: "Khó lắm. Khi đó mình mới năm nhất, chương trình trên lớp mới dạy các môn đại cương nên kiến thức chuyên môn gần như chưa có. Nếu tìm một công việc ra tiền tươi thóc thật, không yêu cầu kinh nghiệm, kỹ năng, lại linh hoạt thời gian, nhiều người sẽ chọn xe ôm công nghệ".

Trong một năm chạy Grab, Hoàng cho rằng cái được nhiều nhất là gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người. Sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ, việc rong ruổi đường phố Hà Nội cả ngày, gặp và nghe nhiều câu chuyện từ khách xa lạ là trải nghiệm mà Hoàng cho rằng không phải lúc nào cũng có.

Ngoài ra, thu nhập một tháng khoảng 4-5 triệu đồng từ việc chạy Grab cũng giúp Hoàng có một cuộc sống sinh viên không thiếu thốn, tự chủ được tài chính và không cần bố mẹ chu cấp.

Tuy nhiên, Hoàng thừa nhận công việc này phải đối diện với nhiều rủi ro. Có lần, Hoàng nhận một cuốc xe từ Linh Đàm (Hà Nội) đến Bắc Ninh. Khi qua cầu Chương Dương, vị khách nam ngồi phía sau có biểu hiện ngáo đá và thèm ma túy. Hoàng không dám dừng lại, sợ bị hành hung nên tiếp tục chở khách đến điểm đã đặt, sau đó quay xe trở lại Hà Nội.

"Những lần khách thiếu tiền hay quỵt tiền cũng nhiều. Nhưng thi thoảng mình cũng được những khách tốt bụng, hào phóng cho thêm nên vẫn sống được bằng công việc này", Hoàng kể.

Từ trường hợp sinh viên Nguyễn Cao Sang (18 tuổi, quê Thanh Hóa) bị sát hại ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm tối 28.9.2019, Hoàng và các tài xế Grab thường dặn nhau chỉ nhận khách đặt qua hệ thống, không bắt khách dọc đường để tránh rủi ro. Nếu khách đòi vào ngõ sâu, tài xế nên dừng ở đầu ngõ để đợi và không chở khách đến nơi vắng vẻ khi đã muộn.

Hiện, Hoàng đã giảm tần suất chạy Grab để dành thời gian học. "Chạy xe ôm công nghệ chỉ là giải pháp tình thế cho những sinh viên năm nhất, năm hai để ổn định cuộc sống, có thêm trải nghiệm chứ không mang lại kinh nghiệm chuyên môn và tạo ra giá trị lâu dài", Hoàng giải thích.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Được - mất của sinh viên làm xe ôm