Được kết nạp đảng ngay dưới hầm địch

30/04/2015 11:20

Ngày 20-7-1974, thương binh Nguyễn Huy Hiển (sinh năm 1952) ở thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng (TP Hải Dương) được kết nạp Đảng ngay dưới hầm địch.



Dù đã về hưu  nhưng ông Hiển vẫn tham gia làm báo cáo viên

Trong thời chiến cũng như trong thời bình, ông luôn là tấm gương mẫu mực trong lời nói và việc làm.

Tháng 8-1970, ông Hiển nhập ngũ vào Trung đoàn 2 (nay thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3), hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Ông được biên chế vào đơn vị C4/K15 thuộc mặt trận B5, làm mũi trưởng chuyên đánh chốt và bộ binh cơ giới địch. Ngay trận đánh đầu tiên, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Đó là vào cuối tháng 3-1971, ông được giao phụ trách 5 chiến sĩ có nhiệm vụ bắn cháy 5 chiếc xe cuối cùng của đoàn trên 500 xe tăng, xe cơ giới của địch trong chiến dịch Lam Sơn 719.

Trên tuyến đường 9 Nam - Lào, địch phát quang và đốt cháy hai bên đường mỗi bên rộng vài trăm mét để ngăn chặn, khống chế lực lượng và hỏa lực của ta. Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với mục đích càng gần địch bắn càng chính xác, càng chắc thắng, ông Hiển tổ chức trinh sát 2 đêm liền từ Đông Hà đến cầu Đầu Mầu và chọn trận địa phục kích là đoạn cua lên dốc, hai bên đường có nhiều gốc cây cháy nham nhở, cách mặt đường khoảng 20 m. Ông Hiển hội ý và chia tổ chặn đầu, tổ khóa đuôi với trang bị súng B40, tiểu liên AK. Mặc dù thám báo địch lùng sục, pháo sáng bắn và máy bay quần lượn suốt đêm để cho đoàn xe đi qua, nhưng trận địa phục kích vẫn giữ được bí mật.

Khi đoàn xe nối đuôi nhau chạy qua, 5 chiếc xe cuối cùng vào trận địa phục kích. Ông Hiển kẹp vào nách khẩu B40 rồi bóp cò, chiếc xe tăng thứ 5 từ dưới lên bốc cháy, tổ khóa đuôi cũng bắn cháy chiếc xe cuối cùng và bắn trượt mục tiêu thứ 2. Bị phục kích, đại liên địch trong xe bắn ra xối xả nhưng ông Hiển vẫn bình tĩnh bắn cháy 3 chiếc xe còn lại làm cho đoàn xe của địch phía trước sợ hãi.

Tháng 12-1971, ông Hiển bị thương lần thứ nhất khi đánh chốt trên đồi Tròn (gần Cồn Tiên - Dốc Miếu). Chốt đó được coi là “mắt thần” của địch, bố trí nhiều lớp hàng rào dây thép gai và canh phòng cẩn mật. Sau 3 đêm tổ chức trinh sát, cắt hàng rào dây thép gai, xăm mìn, vẽ sơ đồ hầm chỉ huy, xác định đường tiến công, tập đánh trên sa bàn, ông Hiển báo cáo chỉ huy mặt trận thời gian tấn công vào 4 giờ 30 sáng. 18 chiến sĩ chia làm 2 tổ áp sát mục tiêu. Ông chỉ huy tổ tiến lên dùng thủ pháo ném vào hầm chỉ huy và kiểm soát được mục tiêu, mặc dù tổ phía bên kia vẫn còn đang vướng mìn chưa lên được. Đột nhiên 1 quả lựu đạn bay tới và phát nổ làm 2 chiến sĩ hi sinh, còn ông bị thương vào vai. Nén đau, ông Hiển vọt lên hầm cối thấy 3 lính Mỹ, chúng sợ hãi giơ tay hàng. Ông thông tin về đơn vị và bàn giao mục tiêu với 27 xác lính Mỹ và 3 tên tù binh. Sau trận này ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

Ngay dưới hầm chữ A của địch, ông Hiển vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì trong trận đánh cao điểm 61 (cạnh sông Ô Lâu, phía tây Huế). Đây là chốt tiền tiêu của đại đội lính Mỹ và ngụy án ngữ vùng đồng bằng. Cùng với tổ chức trinh sát, vẽ sơ đồ, lập sa bàn tập trận, ông còn thuyết phục chỉ huy đơn vị để bộ đội áp sát mục tiêu trong khi hỏa lực của ta đang bắn, cho dù cách đánh này chưa được áp dụng. Sáng 20-7-1974, tổ của ông đã chiếm được chốt và ông bị thương ở hai bàn tay rất nặng.

Tháng 11-1975 trở về quê hương, với tỷ lệ thương tật 41% (thương binh ¾) nhưng ông Hiển vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. 7 năm liền giữ chức Bí thư Đảng bộ xã Tân Hưng, 9 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện, 8 năm là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Gia Lộc. Hiện nay, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông Hiển vẫn là báo cáo viên của thành phố. Dù ở cương vị công tác nào, ông Hiển cũng phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.


PHÙNG VĂN HẠNH

(0) Bình luận
Được kết nạp đảng ngay dưới hầm địch