Ở làng, một số nhà thấy cấy lúa gần đây kém hiệu quả đã toan cho bớt ruộng hoặc bỏ ruộng. Bà con trong làng bàn luận:
- Bỏ ruộng thì đi đâu?
- Thiếu gì việc? Mấy công ty trong huyện đang tuyển người đó.
- Nhưng có phải ai công ty người ta cũng nhận cho làm đâu; với lại, có ruộng, không cấy để đi đong gạo chợ ăn à?
- Ừ nhỉ? Chả nhẽ nhà quê lại vác bao đi mua gạo? Chính phủ chả vẫn bảo phải giữ an ninh lương thực. Miền Bắc mình không có gạo xuất khẩu thì cũng phải tự túc lấy gạo ăn chứ. Được mùa gạo hơn chứ mất mùa thóc kém, đi ăn đong cũng xót lắm...
Câu chuyện cứ bàn đi tán lại rồi cũng đến hồi kết. Nhà thì cho bớt ruộng, nhà thì chuyển bớt diện tích trồng lúa sang trồng màu, cây vụ đông... chứ chẳng ai bỏ ruộng. Dần dần, cứ trông nhau làm ăn. Nhiều cánh đồng dưa hấu, dưa lê về mùa hạ; su hào, cải bắp, hoa lơ về mùa đông mọc lên trên chân ruộng một lúa, hai màu. Công nhận làm màu vất vả thật, sớm nắng, chiều mưa, rủi ro cũng không ít... Nhưng từ ngày chuyển đổi, nhiều nhà đã khá lên rõ rệt. Xòe tay điểm tên cỡ thu lợi dăm, ba chục triệu đồng một vụ rau, vụ dưa như nhà ông Hạ, anh Minh, bà Thoa... cũng có đến cả hai bàn tay. Ấy là chưa kể cái lợi ở những chân xen canh gối vụ, do được chăm sóc, thay đổi chất đất nên cấy lúa lại tốt hơn. Về làng vào những ngày thu hoạch màu thật là vui. Ngõ này dân đem dưa ra cân cho thương lái. Xóm kia xe tải về chở rau dưa đi tận những thành phố nào xa lắm, phải bảo quản cẩn thận... Thế là được cả đôi ba đường: vừa không bỏ ruộng hoang, vừa có thóc gạo ăn lại có tiền tiêu, mua xe, làm nhà, nuôi con ăn học... Nhớ lại chuyện ban đầu bàn bỏ ruộng, một bác nói với tôi: "Thôi thì chưa làm được cánh đồng mẫu lớn, chúng em cứ làm "mẫu bé" kiểu này cũng được ăn. Nhưng làm gì thì cũng cần chịu khó. Như cái chuyện làm vụ dưa hấu này, gặp đêm trời mưa dông, người ta thì cứ ngủ yên, còn em thì khoác áo, cầm đèn chạy ra đồng, xem nước nôi thế nào, chỉ cần lơ là một chút là hỏng ăn".
TRỌNG NGUYỄN