Kéo dài mệt mỏi, đau đớn như chị hàng xóm cũ của tôi chính là trì hoãn yêu thương mình.
Chị bắt đầu "công cuộc" sửa sang, chăm chút cho bản thân. Khác hoàn toàn với trước đó. Chị xưa kia vốn xuề xòa. Mọi ưu tiên dành hết cho chồng con.
Chị có thể sẵn sàng mua những gì tốt nhất, đắt nhất cho chồng con, nhưng đứng trước cái váy mình thích hay món đồ mình cần, chị lại ngần ngừ rồi bỏ đi.
"Vậy mà em xem, chị nhận lại được gì? Chị bệnh, nằm đó nguyên cả sáng không dậy nổi, mà mấy ba con giữa buổi mới vào khều khều: Sao không có đồ ăn sáng mẹ ơi?", chị kể.
Hôm đó thực sự chị rơi nước mắt vì tủi thân. Chị tự hỏi vị trí của chị trong nhà là gì? Là vợ, là mẹ, là người đồng hành hay chỉ là một bảo mẫu tận tụy cùng tháng năm.
Nhìn đồng nghiệp sắm sửa váy áo, mua những gì mình thích, tự chăm sóc làm đẹp cho bản thân, đâu phải chị không muốn. Nhưng hình như quan điểm sống cho chồng con, cho gia đình nó đã ngấm sâu vào máu chị. Mẹ chị, chị gái chị đều vậy.
Những ngày chị bệnh, chồng chị lóng ngóng bởi chưa bao giờ anh phải chăm sóc vợ. Mọi khi nhà có công chuyện hay vợ ốm con đau đã có bà ngoại chạy qua phụ một tay. Giờ dịch giã nên anh phải tự xoay xở. Việc trong nhà rối tung.
Hai đứa con lóng ngóng đến độ không biết sắp xếp mọi thứ hợp lý cho việc học hành, sinh hoạt. Gọi điện cho mẹ trong bệnh viện chủ yếu hỏi đồ này để ở đâu, cái này làm thế nào chứ không phải một lời tự nguyện hỏi han xem mẹ đã khỏe hơn chưa?
Chị nói đợt nằm viện, chị tốn khá nhiều nước mắt với chồng con. Chị nhận ra, chồng con vô tâm với chị chính bởi chị luôn tự trì hoãn yêu thương chính mình.
Khi mình chưa coi trọng giá trị bản thân, thì làm sao người khác nhận ra để mà yêu thương như mình muốn? Và chị đã tự đấu tranh để làm một cuộc cách mạng cho bản thân và gia đình.
Tôi chợt nhớ chị hàng xóm của mình ở khu chung cư cũ. Những buổi tối muộn, tôi nhìn cảnh mẹ con chị lay lắt bên mâm cơm chờ chồng. Những đêm khuya, anh về muộn, tiếng bấc tiếng chì nặng nhẹ chị liên tục quăng ra.
Rồi hình như người chồng ấy có nhân tình. Vợ chồng họ không còn đấu khẩu suông, mà đồ đạc lẫn chân tay đã vung loạn xạ. Những lời lẽ xúc phạm nhau không còn kìm nén trong nhà. Hàng xóm liên tục chứng kiến vợ chồng họ mạt sát nhau.
Có lần mẹ chị thở dài nói với tôi: "Không biết nó còn tiếc nuối gì nữa mà không bỏ. Tội cho đứa nhỏ quá!".
Tất nhiên, ly hôn là điều không ai muốn. Nhưng nếu hôn nhân không còn sửa chữa được nữa, thì buông bỏ cũng là cách để trân trọng mình, tránh cho bản thân và cho con sự tổn thương không đáng có. Kéo dài mệt mỏi, đau đớn như chị hàng xóm cũ của tôi chính trì hoãn yêu thương mình.
Ai đó đã nói, hạnh phúc là hành trình, chứ không là đích đến. Trên hành trình ấy, nếu có khó khăn, mệt mỏi nhưng tâm thế người đi phải hăng hái, tích cực và ấm áp những yêu thương, chứ không phải là tuyệt vọng, chán chường.
Theo Người lao động