Phụ huynh đừng đánh đồng giáo dục giới tính là khuyến khích trẻ "ăn trái cấm", nên trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ từ nhỏ để giúp các con nâng cao ý thức về cơ thể, về tình dục.
Phần lớn các bậc phụ huynh vẫn còn cảm thấy e ngại, không nhìn thẳng vào vấn đề tình dục, thậm chí né tránh khi các con hỏi "chuyện người lớn"
Hiện nay, những tin tức, câu chuyện về việc trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ vị thành niên yêu sớm dẫn tới mang thai, thậm chí sinh con ngoài ý muốn dường như không còn hiếm gặp. Không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, điều này còn để lại những hậu quả không tốt đối với sức khỏe và tương lai của các em.
Vấn đề đặt ra với các bậc cha mẹ là làm thế nào để định hướng, trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản và giới tính cho trẻ để các em có thể tự bảo vệ bản thân trước những cám dỗ trong cuộc sống.
"Lớn lên con ắt tự biết"
Xã hội phát triển, nhiều gia đình đã thoải mái và cởi mở hơn khi chia sẻ với con các vấn đề về giới tính. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phần lớn các bậc phụ huynh vẫn còn cảm thấy e ngại, không nhìn thẳng vào vấn đề tình dục, thậm chí né tránh khi các con hỏi "chuyện người lớn".
Có con gái đang học lớp 12, phụ huynh Đ.T.N. (Hải Phòng) thừa nhận chưa từng tâm sự với con về chuyện tình yêu, tình dục. "Chuyện tế nhị như vậy thì tốt nhất cứ để nó phát triển theo chiều hướng tự nhiên. Ông bà ta khi xưa, hay chính thế hệ chúng tôi có được ai hướng dẫn đâu. Lớn lên, chúng ắt tự biết ấy mà".
Không chỉ riêng phụ huynh Đ.T.N., khi được hỏi về việc đã hướng dẫn gì về chuyện giới tính cho con các con hay chưa, có rất nhiều bậc cha mẹ đều có chung tâm lý và câu trả lời như vậy.
Phụ huynh H.G. tâm sự, cậu con trai chuẩn bị vào lớp 9 của chị đang có biểu hiện yêu đương với bạn khác giới. "Không chỉ nhắn tin, lâu lâu hai đứa còn rủ nhau đi hẹn hò ở đâu đó mà bố mẹ không thể đi theo kiểm soát được. Hai vợ chồng tôi cũng có cấm cản, nhưng có vẻ việc này chỉ như "nước đổ lá khoai".
Vị phụ huynh này còn tỏ ra vô cùng lo lắng khi cho rằng, nếu bây giờ nói với con về chuyện tình dục hay giới tình thì chẳng khác nào "vẽ đường cho hươu chạy", đồng tình cho con thoải mái yêu đương.
Khác với phụ huynh H.G., phụ huynh Nguyễn T.D. nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho con trẻ.
Tuy nhiên, vị phụ huynh này trải lòng: "Con gái tôi năm nay học lớp 10, nhưng nhìn cháu lớn và phổng phao hơn so với các bạn đồng trang lứa. Đặc biệt, tôi còn nghe bạn bè của cháu kể, cháu được rất nhiều các bạn trai chú ý. Đã rất nhiều lần tôi muốn tâm sự với con về chuyện giới tính, nhưng thực sự không biết phải bắt đầu từ đâu".
"Tự học" đôi khi mang lại trái đắng?
Em T.K.A. (học sinh lớp 11) bày tỏ: "Tuổi mới lớn thường hay ngại ngùng, xấu hổ nên em không muốn chia sẻ chuyện giới tính với bố mẹ. Vả lại, nếu thắc mắc "chuyện ấy", em sợ phụ huynh sẽ nghĩ này nọ, sợ mình hư hỏng rồi cấm đoán linh tinh. Do đó, em thường tự tìm hiểu vấn đề này thông qua bạn bè và internet".
Cô Trần Thị Thùy (giáo viên môn Sinh học tại trường THCS Trần Phú, Hải Phòng) chia sẻ, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa chú trọng việc giáo dục giới tính cho con và thường cho rằng quá sớm để dạy con những vấn đề được cho là nhạy cảm. Một số còn tỏ ra e ngại khi trao đổi với những thắc mắc của trẻ. Chính tâm lý ngại ngùng, né tránh của cha mẹ đã tạo nên những vùng hổng kiến thức tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
"Thứ nhất, nếu không được cha mẹ trang bị kiến thức về giới tính, con sẽ không hiểu rõ những đặc điểm thay đổi trên cơ thể, không biết cách vệ sinh cá nhân hay an toàn giới tính.
Bên cạnh đó, do không được hướng dẫn một cách cụ thể, trẻ có thể tìm đọc những kiến thức ở trên mạng để thỏa tính tò mò. Tuy nhiên, có khi những thông tin lại không chính xác, gây ra những hiểu lầm cho trẻ".
Chia sẻ về vấn đề này, giáo viên Khổng Thị Hà cho biết, do không được giáo dục về giới tính, nhiều em học sinh đã "tự học", tự tìm hiểu và làm theo một cách đầy kích động. Điều này dẫn tới tình trạng mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe và tương lai.
"Vẽ cho hươu chạy đúng đường"
Cô Hà chia sẻ, nhiều năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho trẻ, cô cùng đội ngũ nhà giáo, ban quản lý nhà trường đã quan tâm hơn đến công tác này. Trong đó, nội dung giáo dục giới tính được nhà trường lồng ghép trong công tác giảng dạy, nhất là trong các giờ học môn Sinh, Giáo dục công dân, thể dục, đặc biệt là các tiết học ngoại khóa.
Ngoài ra, nhà giáo này còn cho hay: "Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, tôi thường xuyên gần gũi, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ, giải đáp thắc mắc, giúp các em hiểu hơn những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản; giới tính, bình đẳng giới; phân biệt tình bạn với tình yêu, tình dục…"
Tuy nhiên, theo cô Hà, giáo dục giới tính không phải ngày một ngày hai mà đây là cả quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Đồng hành với các em trên quãng đường đó, bên cạnh thầy cô, nhà trường, thì gia đình cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Đồng tình với quan điểm trên, phụ huynh Đào Thị Yến (Hải Dương) cho biết, đã đến lúc những người làm cha, làm mẹ phải "vẽ cho hươu chạy đúng đường".
"Cha mẹ đừng nghĩ giáo dục giới tính là việc cấm đoán, rồi sợ giáo dục giới tính sẽ khuyến khích các em "ăn trái cấm". Chúng ta nên giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ từ nhỏ. Điều này sẽ giúp các con nâng cao ý thức về cơ thể, về tình dục. Và quan trọng hơn, phải truyền đạt vấn đề này một cách sáng tỏ để trẻ khỏi tò mò thử nghiệm, tránh những sai lầm đáng tiếc".
Giáo viên Trần Thị Thùy cho rằng, để trang bị kiến thức giáo dục giới tính đến với con một cách đầy đủ, rõ ràng, trước hết cha mẹ cần có nhận thức, quan điểm đúng về tình dục, xem đó là một phần tự nhiên và lành mạnh của đời sống con người.
"Việc giáo dục giới tính không chỉ đưa ra kiến thức về chuyện "quan hệ" mà gồm nhiều khía cạnh liên quan như đạo đức, thể chất, xã hội, cảm xúc, tâm lý... Do đó, việc giáo dục cũng phải mang tính toàn diện. Cha mẹ có thể trao đổi với con một số vấn đề như: phân biệt cảm xúc giới tính với tình yêu; hậu quả có thể khi quan hệ tình dục quá sớm; hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn…
Song song với đó, phụ huynh cũng cần hướng dẫn cho trẻ một phương án dự phòng nếu như lâm vào hoàn cảnh buộc phải quan hệ tình dục" - cô Thùy nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong quá trình giáo dục giới tính, cha mẹ hãy đóng vai trò như một người bạn, người đồng hành. Thay vì đưa chiếc điện thoại và nhắc trẻ tự tìm hiểu, phụ huynh nên để ý quan sát con cái nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện khác lạ ở con mình để xử lý kịp thời khi chưa quá muộn.
"Nhân dịp nghỉ hè, cộng với tình hình dịch bệnh, trẻ có nhiều thời gian ở nhà, cha mẹ hãy khéo léo gợi mở, tạo ra bầu không khí tự nhiên để trao đổi với con các vấn đề liên quan đến giới tính" - cô Trần Thị Thùy nhắn nhủ.
Theo Dân trí