Dùng phương tiện bay phun thuốc bảo vệ thực vật: Làm thế nào nhân rộng?

28/08/2020 14:14

Để phương tiện bay được sử dụng rộng rãi, trước hết người dân nên thay đổi nhận thức về sử dụng loại hình này vào sản xuất nông nghiệp.


Dùng phương tiện bay phun thuốc bảo vệ thực vật mang lại nhiều lợi ích, nhất là đối với sức khỏe nông dân

Sử dụng phương tiện bay (PTB) phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại bởi những lợi ích mang lại cho nông dân và môi trường. Nhưng để nhân rộng mô hình này sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Hiệu quả

Là người gắn bó với nông nghiệp, anh Trương Văn Khanh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Minh Hòa (Kinh Môn) thấy ngày càng có nhiều công đoạn được ứng dụng máy móc nhưng riêng khâu phun thuốc BVTV vẫn sử dụng phương pháp thủ công. Vì thế, để giảm bớt sức lao động, sau khi thấy một số nơi sử dụng PTB vào phun thuốc BVTV, anh Khanh đã tìm hiểu để đưa mô hình này về thí điểm tại địa phương. Anh Khanh đã thuê Công ty CP Nicotex (Hà Nội) phun thuốc tiền nảy mầm trên diện tích lúa do HTX quản lý. Trong 40phút, máy đã phun xong 5ha lúa với tiền công 3 triệu đồng (không tính tiền thuốc). Trong khi đó, thuê phun thuốc bằng tay sẽ mất hơn 4 triệu đồng do thời gian lao động kéo dài hơn. Các loại vỏ bao bì thuốc đều được công ty thu gom, xử lý đúng quy định nên không gây ô nhiễm môi trường. "Tính ra phun thuốc BVTV bằng PTB lợi ích hơn nhiều, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường", anh Khanh khẳng định.

Vừa qua, Chi cục BVTV tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện mô hình phun thuốc BVTV trên 30 ha vải xuất khẩu ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà). Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục BVTV, hiệu quả nhất của mô hình là nông dân hạn chế tiếp xúc với thuốc BVTV. Khác với lúa, cây vải tán cao, để phun thuốc người dân đứng dưới dùng gậy nối với vòi phun đưa thuốc lên cao. Vì thế, thuốc rơi vào người là điều khó tránh khỏi. Dùng PTB sẽ hạn chế tiếp xúc giữa con người với thuốc BTVT.  Do dùng máy nên thuốc rải đều từ trên cao xuống, giúp cây hấp thụ thuốc đều hơn. Dùng PTB còn giảm được khoảng 30% thuốc BVTV, từ đó giảm chi phí cho nông dân.

Thay đổi nhận thức

Dùng PTB lợi ích mang lại thiết thực như vậy nhưng để nhân rộng mô hình này hiện gặp nhiều khó khăn. Do mới thí điểm ở quy mô hẹp nên nhiều nông dân còn chưa tin tưởng cách làm trên. Bà Nguyễn Thị Lụa ở xóm 7, thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) cho biết: "Chúng tôi chưa tin lắm vào việc dùng PTB phun thuốc vì chỉ phun được phía bên trên, còn những cành ở dưới thấp thì không biết thuốc có xuống được hay không. Ngoài ra, chúng tôi thấy phun bằng máy khá đậm đặc, chỉ sợ hỏng cây".

Để sử dụng được PTB, diện tích cây trồng phải lớn, tập trung trong khi ruộng đồng của người dân vẫn còn khá manh mún. Các loại sâu phá hoại cam, bưởi, khoai lang... thường nằm dưới lá nên dùng PTB phun thuốc sẽ không mang lại tác dụng mong muốn. Nếu hòa thuốc không đúng kỹ thuật sẽ dễ làm tắc vòi phun.

Ngoài những yếu tố trên thì giá PTB khá cao. Theo anh Nguyễn Sỹ Hà, cán bộ phụ trách kinh doanh khu vực miền Bắc thuộc Công ty CP Đại Thành (Bắc Ninh) chuyên cung cấp PTB không người lái, trên thị trường hiện có nhiều loại PTB, giá dao động từ 100-550 triệu đồng/máy. Người mua cần lưu ý tùy thuộc vào nhu cầu, mục đích sử dụng mà có sự lựa chọn phù hợp. "Đây là số tiền khá lớn nên trước khi mua người dân cần lựa chọn kỹ. Đặc biệt, các PTB này phù hợp với những người có ý định đầu tư kinh doanh", anh Hà nói.

Để PTB được sử dụng rộng rãi, trước hết người dân nên thay đổi nhận thức về sử dụng loại hình này vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh ta đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc sản xuất nông nghiệp. Vì thế, các đơn vị chuyên môn cần nghiên cứu tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ người dân mua loại máy này để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

NGỌC HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dùng phương tiện bay phun thuốc bảo vệ thực vật: Làm thế nào nhân rộng?