Ẩm thực

Dùng nước mía tránh mất nước ngày nắng nóng và chữa nhiều bệnh

H.A (Tổng hợp) 15/04/2024 09:15

Giữa những ngày hè nóng nực, đang trong cơn khát được thư thả uống một ly nước mía vàng tươi với đá mát lạnh không chỉ thấy thú vị sảng khoái mà nước mía còn có tác dụng trị nhiều bệnh.

Nước mía - Ảnh minh họa
Nước mía - Ảnh minh họa

Tiếp năng lượng, tránh mất nước trong những ngày nắng nóng

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết nước mía (giá tương) có một lịch sử rất lâu đời, không chỉ dùng giải khát, thanh nhiệt mà còn chữa nhiều bệnh.

Theo dinh dưỡng học hiện đại, thành phần của mía khá phong phú, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt, các vitamin như B1, B2, C, D...

Theo bác sĩ Đinh Minh Trí - Đại học Y Dược TP.HCM, các thành phần chính trong nước mía chủ yếu là canxi, đường saccaro, kẽm, crôm, vitamin (A, B1, B2, B3, B5, B6, C), chất chống oxy hóa, phytonutrient, chất xơ hòa tan và protein cần thiết khác...

Những chất này đặc biệt có lợi cho dạ dày, thận, tim, mắt và đường ruột. Bên cạnh đó nó còn giúp giảm cân, giảm sốt, ngăn ngừa nguy cơ ung thư, hạ cholesterol xấu và thanh lọc thận.

Các tác dụng đáng kể của nước mía gồm:

- Chống táo bón, ngăn ngừa sỏi thận: Với lượng nước dồi dào, nước mía giúp phòng ngừa và loại bỏ sỏi thận, hỗ trợ chức năng thận.

- Điều chỉnh đường huyết: Mặc dù nước mía chứa nhiều đường nhưng nếu bệnh nhân bị tiểu đường dùng thức uống này với mức độ hợp lý thì có thể kiểm soát được lượng đường huyết, ngăn chỉ số đường huyết tăng vọt hoặc hạ thấp quá nhanh.

- Chống lão hóa: Flavonoid, chất chống oxy hóa và các hợp chất phenolic chứa trong nước mía sẽ giúp đem lại một làn da mềm mại, tươi sáng và ẩm mịn hơn. Những chất này có tác dụng giảm thiểu các nếp nhăn và dấu hiệu lão hóa sớm trên da.

- Thải độc gan: Hợp chất phenolic và flavonoid chứa trong nước mía có chức năng chống ung thư, kháng viêm, kháng vi rút, chống oxy hóa và ngăn ngừa dị ứng. Vì vậy ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nên uống nước mía thường xuyên để cải thiện tình trạng viêm gan và điều chỉnh sắc tố da.

- Ngăn ngừa ung thư: Nước mía có chứa nhiều canxi, magie, kali, sắt và mangan nên có tính kiềm. Bên cạnh đó, loại nước này cũng có chứa flavonoid có thể giúp bạn ngăn chặn các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt và vú...

- Cải thiện hệ tiêu hóa: Nước mía có tác dụng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng dạ dày. Kali trong nước mía giúp cân bằng độ pH trong dạ dày, hỗ trợ việc tiết dịch vị tiêu hóa và góp phần giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.

- Tốt cho răng và xương: Ăn mía không chỉ chắc răng mà mía giàu khoáng chất như canxi và phốt pho nên có thể giúp xương và răng phát triển tốt hơn. Đặc biệt, mía còn giúp củng cố men răng, giảm nguy cơ sâu răng, khắc phục tình trạng hơi thở có mùi...

Nước mía có thể phòng chữa nhiều bệnh - Ảnh minh họa
Nước mía có thể phòng chữa nhiều bệnh - Ảnh minh họa

Bài thuốc chữa bệnh từ mía

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn cho biết theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh vị và phế, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân nhuận táo, hòa trung hạ khí, lợi tiểu giải rượu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hóa.

Do đó mía thường được dùng để chữa các chứng trạng bệnh lý như: bệnh lý sốt cao gây mất nước, tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, ăn vào nôn mửa, sốt cao phiền nhiệt...

Với các bệnh lý hô hấp có biểu hiện môi khô họng khát, ho khan, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết... nên ăn cháo nấu bằng nước mía để thanh hư nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm...

Cách dùng như sau:

Ho, nôn và ngộ độc rượu: Mía 200g, dưa hấu 500g, đường phèn 20g. Dưa rửa sạch, bỏ vỏ và hạt, thái miếng; mía róc vỏ, chẻ nhỏ. Hai thứ cho vào máy ép lấy nước, chế thêm đường phèn, uống hằng ngày.

Công dụng: thanh nhiệt lợi niệu, làm khỏe thận, chống nôn và giải độc rượu, sử dụng rất tốt cho người say rượu, ho và viêm hầu họng do phế âm hư, nôn và buồn nôn do bệnh lý dạ dày tá tràng, táo bón...

Viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu:Mía tươi 500g, 500g củ sen tươi. Mía gọt vỏ, ép lấy nước. Củ sen gọt vỏ, cắt thành lát tròn mỏng. Cho nước mía và củ sen vào máy xay sinh tố xay uống 3 lần mỗi ngày. Công dụng: Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu, bí tiểu, tiểu từng giọt.

Trúng nắng, chảy máu chân răng: Cà chua 200g, mía 150g. Cà chua rửa sạch, thái miếng; mía róc vỏ, chặt nhỏ; hai thứ dùng máy ép lấy nước, chia uống vài lần trong ngày. Đây là loại nước giải khát rất tốt, có tác dụng kích thích tiêu hóa, phòng chống hữu hiệu tình trạng miệng khô, lưỡi nhiệt, trúng nắng, trúng nóng, chảy máu chân răng…

Cao huyết áp, viêm thận mạn tính: Mía 350g, mã thầy 200g, đường phèn 80g, cà rốt 200g. Mã thầy rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước muối một lát rồi lại rửa sạch. Mía róc vỏ, chặt khúc, ngâm qua nước muối. Cà rốt rửa sạch thái miếng. Tất cả cho vào nồi đun trong 30 phút với lượng nước vừa đủ, để nguội uống trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt hóa đàm, tiêu tích hóa thực, sinh tân chỉ khát, lợi niệu hạ áp, dùng rất tốt cho những người bị viêm đường tiết niệu, viêm họng, tiểu tiện bất lợi, viêm thận mạn tính, cao huyết áp, say rượu...

Phòng chống ung thư: Cà rốt 100g, mía 500g, chanh quả 80g, nước chín để nguội vừa đủ. Cà rốt rửa sạch, cạo vỏ, thái miếng, đem hầm thật nhừ, đánh nhuyễn rồi dùng vải lọc lấy nước. Mía róc vỏ, chẻ nhỏ, dùng máy ép lấy nước.

Nước mía rất thơm ngon nhưng những ai không nên uống

Người có hệ tiêu hóa kém: Do hàm lượng đường cao nên những người hay bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, lạnh bụng thì không nên uống nước mía thường xuyên. Trường hợp cần thiết thì phối hợp với gừng để giảm tính lạnh của mía.

Người đang sử dụng thuốc: Không uống nước mía khi đang dùng những loại thuốc bổ hay thuốc chống đông máu để tránh gây tương tác thuốc.

Người đang ăn kiêng, muốn giảm cân cần uống nước mía có chừng mực vì nước mía nhiều năng lượng. Nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì vì cơ thể thừa năng lượng.

Phụ nữ mang thai cũng không nên uống quá nhiều nước mía, dễ gây nhiễm trùng hoặc tiểu đường thai kỳ.

Nước mía không nên để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc.

H.A (Tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dùng nước mía tránh mất nước ngày nắng nóng và chữa nhiều bệnh