Dưỡng ẩm có vai trò quan trọng để thiết lập và duy trì tính toàn vẹn của hàng rào da, giúp ngăn cản sự mất nước qua da và sự xâm nhập của các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, hóa chất... Lớp sừng trên cùng của da còn là một hàng rào bảo vệ cơ học, giảm sang chấn vật lý lên các lớp dưới da. Vì vậy, dưỡng ẩm như một lớp keo gắn kết các tế bào sừng với nhau giúp duy trì tính bền vững của lớp bảo vệ này.
Dưỡng ẩm đặc biệt quan trọng đối với da bệnh như khô da, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, vẩy nến, vảy cá... Đây là liệu pháp hỗ trợ các thuốc bôi chống viêm, giúp da nhanh chóng lành thương và hạn chế bệnh tái phát.
Bác sĩ nhận định, điều quan trọng là cần chọn dưỡng ẩm như thế nào để phù hợp với từng vùng da, từng loại da và thời tiết, khí hậu.
Bác sĩ Trang cho biết mùa hè nên chọn dưỡng ẩm có cơ chế hút, giữ nước (chứa ure) và cơ chế bồi phụ bổ sung dưỡng ẩm tự nhiên (chứa ceramides), chứ không nên chọn các dưỡng ẩm có cơ chế băng bịt (chứa các petrol oil).
Bên cạnh đó, nên chọn dạng thể chất của sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp với từng vùng da. Ví dụ: da mặt, thân mình, bôi diện rộng nên chọn dạng lotion (dạng kem loãng). Da bàn tay, chân, vùng tỳ đè nên chọn dạng cream hoặc ointment (dạng đặc hơn). Mùa hè nên ưu tiên dùng dưỡng ẩm dạng lotion loãng để tránh cảm giác oi bức, da không có cảm giác dính nhờn mà tạo cảm giác thông thoáng. Đồng thời tránh bôi diện rộng, thay vào đó có thể bôi từng vùng luân chuyển.
"Tần suất bôi dưỡng ẩm quyết định hiệu quả dưỡng ẩm", bác sĩ nói. Thông thường, chúng ta nên bôi lại dưỡng ẩm sau mỗi 2-3 tiếng tùy vào từng loại dưỡng ẩm. "Nên bôi dưỡng ẩm ngay sau khi tắm, rửa vì đây là thời điểm dưỡng ẩm phát huy tác dụng tốt nhất".
Ngoài ra, nên tránh tác động vào da (cọ xát, mặc quần áo chật, trang điểm, bôi kem chống nắng...) trong khoảng 20 phút sau khi bôi dưỡng ẩm để không làm trôi dưỡng ẩm, dưỡng ẩm có thời gian thẩm thấu vào da. Với các loại da, đặc biệt da mụn, khâu làm sạch rất quan trọng trước khi sử dụng kem dưỡng ẩm.
Theo VnExpress