Đụng độ giữa Israel và người Palestine leo thang đẫm máu trong ngày 10.5, sau các cuộc biểu tình, tuần hành ở Jersusalem kéo dài nhiều tuần trước đó.
Người biểu tình Palestine xung đột với cảnh sát Israel tại khu đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem ngày 10.5.2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáng 10.5, có khoảng 300 người Palestine bị thương khi cảnh sát Israel mở cuộc bố ráp nhằm vào khu vực đền thờ al-Aqsa ở Jerusalem, một trong những địa điểm linh thiêng nhất đối với người Hồi giáo. Đến buổi tối cùng ngày, các tay súng ở Dải Gaza đã phóng nhiều loạt rocket vào Jerusalem. Đáp lại, Israel mở cuộc không kích, làm 20 người Palestines thiệt mạng, trong đó được cho là có cả trẻ em.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về đợt leo thang đụng độ được cho là ác liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây giữa Israel và Palestine.
Yếu tố khiến bạo lực tái bùng phát ở Jerusalem
Xung đột ngày 10.5 nổ ra khi khoảng 300 người Palestine tới cầu nguyện tại khu nhà thờ Aqsa Mosque ở thành phố cổ Jerusalem nhân tháng Ramadan và đụng độ với lực lượng an ninh của Israel. Binh sĩ Israel bắn đạn cao su, hơi cay, đạn phóng lựu vào đám đông người Palestine, xung đột giữa hai bên kéo dài trong cả ngày.
Trước đó, Jerusalem đã ở trong tình trạng căng thẳng khi một nhóm người theo đường hướng Do Thái chủ nghĩa dự định tổ chức một cuộc tuần hành gây tranh cãi, vẫy cờ đi qua các khu dân cư gần kề của người Palestine nhân Ngày Jerusalem (Jerusalem Day, từ sáng ngày 9 đến tối ngày 10.5). Theo lịch, đoàn diễu hành còn đi qua cả khu Cổng Damascus, một trong những nơi hiếm hoi tập trung đông người Palestine ở Jerusalem.
Ngay trước khi đoàn diễu hành chuẩn bị xuất phát, chính quyền Israel yêu cầu đoàn tránh lối Cổng Damascus, một trong những lối vào chính của thành phố cổ Jerusalem. Những người tổ chức tuần tuần hành chấp thuận làm theo đề nghị của cảnh sát, nhưng vẫn tuyên bố người tham gia tuần hành có thể tụ tập ở khu Bức tường Phía Tây (Western Wall), địa điểm linh thiêng nhất đối với người Do Thái ở Jerusalem, nằm ngay phía dưới khu đền thờ al-Aqsa Mosque - mà người Do Thái gọi là Núi Đền.
Đúng lúc này, các thành viên phong trào Hồi giáo Hamas theo đường hướng cực đoan đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza tuyên bố sẽ bắn rocket vào Jerusalem nếu như người định cư Israel tại đây không rút khỏi khu đền al-Aqsa Mosque và vùng Sheikh Jarrah - nơi định cư tập trung của người Palestine ở Đông Jerusalem, nhưng những gia đình gốc Arab tại đây đối diện với nguy cơ bị đẩy đi.
Tối 10.5, Hamas nã rocket về Jerusalem và miền nam Israel. Israel đáp trả bằng đợt không kích mạnh tay.
Đằng sau diễn biến leo thang căng thẳng và dự báo
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang chật vật với cuộc đấu chính trị trong nước, sau bốn cuộc bầu cử đầy bế tắc gần đây ở Israel, đẩy nước này lâm vào bất ổn. Ông đang là người đứng đầu chính phủ tạm quyền và phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, trong khi các đảng phái đối lập tìm cách lập ra một chính phủ thay thế.
Thủ tướng Netanyahu lâu nay đã định vị bản thân là người liên minh với các chính trị gia, lực lượng chính trị theo đường lối cánh hữu. Trong số các đối tác này có Itamar Ben-Gvir, người đứng đầu đảng Quyền lực Do Thái và cũng là người có can dự vào đụng độ, xung đột ở Sheikh Jarrah và quanh khu Núi Thiêng gần đây.
Những người chỉ trích ông Netanyahu nói rằng chính quyền bật đèn xanh cho leo thang căng thẳng, vì muốn làm lệch hướng chú ý của dư luận về những vụ việc gây bất lợi cho ông. Thông tin về bạo lực mà “người Israel Do Thái” và binh sĩ Israel là đối tượng hứng chịu tràn ngập trên truyền thông Israel trong những ngày gần đây.
Về phía người Palestine, một số diễn biến gần đây khiến họ lo sợ xen lẫn tức giận, liên quan đến tương lai yêu sách đòi chủ quyền và quyền ở Jerusalem. Cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Palestine (PA), lực lượng kiểm soát nhiều vùng ở Bờ Tây, đã thông báo hoãn kế hoạch tổ chức bầu cử.
Đây dự kiến là cuộc bầu cử lần đầu tiên trong 15 năm qua đối với người Palestine. Về lý thuyết, bầu cử sẽ được tiến hành tại khu Bờ Tây do Israel chiếm đóng, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Nhưng ông Abbas hiện có bất đồng với phía Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza.
Trong khi đó Israel cấm PA hoạt động ở Đông Jerusalem, nơi phần đông người Palestine không phải là công dân Israel. Ông Abbas, người có tỉ lệ ủng hộ suy giảm trong cộng đồng người Palestine, đổ lỗi việc hoãn bầu cử này là do Israel, với lý do Tel Aviv không chấp thuận cơ chế cho các đơn vị bầu cử ở Đông Jerusalem.
Trong cục diện đó, việc Israel áp dụng hạn chế đi lại tới khu vực Cổng Damascus và nhà thờ al-Aqsa Mosque – địa điểm linh thiêng thứ ba đối với các tín đồ Hồi giáo, đóng vai trò là giọt nước tràn ly, khi nhiều người Palestine tụ tập tại đây để thực hiện nghi lễ trong tháng Ramadan.
Xung đột quanh ngôi đền al-Aqsa Mosque mang tính thường trực và là một trong những ngọn nguồn kích động căng thẳng ở Trung Đông. Thế nhưng, trong những ngày vừa qua, dư luận quốc tế cũng hướng về cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều thập kỉ qua về quy chế đối với Sheikh Jarrah. Phán quyết cuối cùng dự kiến được Tòa án Tối cao Israel đưa ra hôm 10.5, nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ, nhằm không để tình hình leo thang mất kiểm soát.
Tình hình ở Jerusalem đang diễn biến nhanh và khó lường. Vấn đề hiện nay chưa hẳn là bạo lực ở Jerusalem sẽ ra sao, mà là câu hỏi liệu Israel và Hamas có bị cuốn vào một cuộc chiến tranh mới hay không.
Theo báo Tin tức