Trong suốt bốn giờ tối 15.6, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã dùng dùi cui và gậy quấn dây thép gai đọ sức tại khu vực biên giới. Trận giao tranh làm ít nhất 20 người tử vong.
Trong nhiều giờ liền đêm 15.6, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ nhau với nắm đấm, đá, dùi cui và gậy quấn dây thép gai ở độ cao hơn 4.000 m ở dãy Himalaya. Trong cuộc đụng độ, một số binh sĩ đã rơi từ vách đá xuống sông, các quan chức an ninh Ấn Độ cho biết. Ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
Phía Ấn Độ nói rằng Trung Quốc cũng có thương vong trong cuộc đụng độ tồi tệ nhất trên biên giới giữa hai quốc gia trong hơn 5 thập kỷ qua, theo Wall Street Journal.
Chính phủ Trung Quốc không nói về thương vong của quân đội nước này. Hôm 17.6, hai nước đổ lỗi cho bên còn lại đã khơi mào cuộc chiến.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì lễ tưởng niệm những người lính Ấn Độ hôm 17.6 đã tử nạn trong cuộc đụng độ. Ảnh: AFP |
Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố rằng Trung Quốc đã có “những hành động được lên kế hoạch và có trách nhiệm trực tiếp trong việc xảy ra bạo lực và thương vong”. Trong một thông điệp trên truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: Ấn Độ muốn hòa bình, nhưng Ấn Độ có khả năng đáp trả phù hợp nếu bị tác động”.
Cuộc đụng độ trong bóng đêm
Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ đã vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) - biên giới giữa hai nước - và tấn công binh lính Trung Quốc.
Theo các quan chức Ấn Độ, vụ đụng độ bạo lực vào tối 15.6 xảy ra sau khi một toán biệt kích Ấn Độ đến thung lũng Galwan để đảm bảo lực lượng Trung Quốc đã rời khỏi như thỏa thuận giữa hai bên hồi đầu tháng này.
Thay vào đó, họ thấy lính Trung Quốc vẫn còn ở trong khu vực và đã bắt đầu xây dựng cấu trúc mới tại nơi Ấn Độ cho là nằm trong biên giới của mình. Đây là thông tin từ các quan chức Ấn Độ. Phía Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết hay xác nhận thương vong trong cuộc giao tranh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không bình luận về thông tin Ấn Độ đưa ra.
Sau khi thấy lính Trung Quốc vẫn còn trong khu vực mà họ đã đồng ý rời khỏi, binh sĩ Ấn Độ đã yêu cầu họ rời đi. Điều này gây ra một cuộc cãi vã. Toán lính Trung Quốc rời khỏi nhưng trở lại ngay sau đó với thêm hàng trăm binh sĩ.
Một đoàn xe quân đội Ấn Độ di chuyển dọc theo đường cao tốc Srinagar-Ladakh hôm 17.6. Ảnh: AP |
Thêm nhiều binh sĩ Ấn Độ đến nơi và hai bên đã giao tranh gần vị trí các binh sĩ gọi là Điểm tuần tra 14. Để ngăn các cuộc đụng độ gây chết người, hai nước vốn đã đồng ý hạn chế sử dụng súng trong các cuộc đối đầu.
Quân đội Trung Quốc đã ném đá lính Ấn Độ và đánh họ bằng những chiếc gậy gắn đinh quấn trong dây thép gai, theo giới chức Ấn Độ. Binh sĩ Ấn Độ đáp trả bằng gậy sắt và dùi cui.
Cuộc chiến diễn ra hơn 4 giờ trong bóng tối. Trong sự hỗn loạn, một số binh sĩ đã ngã xuống hoặc bị đẩy xuống sông Galwan, các quan chức Ấn Độ cho biết. Có đến 17 binh sĩ Ấn Độ có thể đã tử vong vì phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt sau khi bị thương trong cuộc đụng độ.
Hai bên rút quân ngay trong đêm với nhiều thương tích, theo các quan chức Ấn Độ cho biết thêm.
Phản ứng của người dân trong nước
Giao tranh dọc theo LAC không phải là điều mới mẻ. LAC đã ngăn cách Ấn Độ và Trung Quốc từ sau chiến tranh biên giới giữa hai bên vào năm 1962 và đường ranh giới này vẫn đang trong tranh chấp.
Lính tuần tra hai bên thường ẩu đả khi gặp nhau ở khu vực tranh chấp. Từ năm 1975 đến ngày 15.6, chưa có binh sĩ nào thiệt mạng tại đây.
Căng thẳng tăng cao tại các điểm khác nhau dọc theo biên giới trong những tuần gần đây dẫn đến việc hai bên ký thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng ngày 6.6. Theo thỏa thuận này, các quan chức Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc rút quân khỏi thung lũng Galwan và tháo dỡ các công trình mà họ đã xây dựng ở đó. Hai bên đã có một số tiến triển trước vụ đụng độ hôm 15.6.
Chính quyền Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ đã khơi mào cuộc đụng độ và vi phạm các thỏa thuận giải quyết căng thẳng ở biên giới.
Sự bất hòa giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân ngày càng tăng trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy. Theo các chuyên gia, cuộc đụng độ này có thể đẩy Ấn Độ gần hơn về phía Mỹ và các quốc gia châu Á khác đang thách thức yêu sách của Bắc Kinh.
Vụ việc này trở thành tâm điểm trên truyền thông Ấn Độ và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bị gây áp lực phải phản ứng mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
Trái lại, truyền thông Trung Quốc không đưa tin nhiều về vụ việc và chủ yếu chỉ dẫn lại các tuyên bố chính thức.
Người Ấn Độ ở TP Hyderabad tưởng niệm những người lính ngã xuống và phản đối Trung Quốc hôm 17.6. Ảnh: AFP |
Trong một động thái khác, hôm 17.6, đài truyền hình CCTV của Trung Quốc phát sóng cảnh tập trận bắn đạn thật của quân đội Trung Quốc dọc theo một dãy núi Tây Tạng cao 4.700 m so với mực nước biển. Cuộc tập trận có sự tham gia của xe tăng, pháo binh, máy bay trực thăng và bộ binh để thử nghiệm khả năng chiến đấu ở vùng cao của quân đội, CCTV cho biết.
Số thương vong tăng mạnh trong đụng độ Ấn - Trung ở biên giới Sự căng thẳng của vụ tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang leo thang khi đã có ít nhất 20 binh sĩ tử nạn. Cả 2 nước đều cho rằng đối phương đang vi phạm thỏa thuận.
Theo Zing