Đừng để giải độc thành... ngộ độc

11/06/2017 08:00

Trước khi sử dụng loại lá cây nào đó để giải nhiệt, giải độc, thanh lọc cơ thể, người dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin, đặc biệt cần tư vấn của những thầy thuốc y học cổ truyền.



Người dùng nên tìm hiểu kỹ, có tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng lá cây làm nước uống


Mùa hè là thời điểm nhu cầu giải khát tăng cao, đây cũng là lúc nhiều người chọn một số lá cây để làm nước uống nhằm giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ về công dụng của chúng, người dùng rất dễ gặp nguy hiểm.

Đã 5 ngày trôi qua nhưng ông Đỗ Văn Chính ở xã Tân Dân (Chí Linh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại việc ông cùng một số người trong cơ quan bị ngộ độc sau khi uống nước lá cây mật gấu. Thấy nhiều người trong xã truyền tai nhau lá cây mật gấu có tác dụng giải nhiệt, giải độc gan, hạ huyết áp nên ông Chính dùng loại nước lá cây này để uống mấy tháng nay. Thông thường, ông chỉ cho 1-2 chiếc lá tươi hãm với nước sôi uống thay nước lọc. Sáng 5.6 vừa qua, ông Chính cho khoảng 20 chiếc lá tươi đun cùng với 2 lít nước. Sau đó, ông Chính cùng một số người trong cơ quan uống.

Khoảng 10 phút sau, những người uống đều cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, không kiểm soát được hành vi, nói ngọng... Cùng với ông Chính, 2 người khác gồm ông Nguyễn Văn Dũng và bà Lê Thị Vấn đã phải nhập viện cấp cứu.

Dù được xuất viện nhưng đến nay, ông Dũng và bà Vấn vẫn phải truyền nước, đôi lúc vẫn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi. Theo một số thầy thuốc của Hội Đông y tỉnh, lá cây mật gấu có tác dụng thanh lọc cơ thể, giải độc gan. Nhưng mỗi người chỉ nên sử dụng khoảng 6-8g lá cây/ngày, khi sử dụng ở hàm lượng cao hơn dễ gặp các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nguy hiểm hơn có thể gây trụy tim.

Từ nhiều năm nay, bà Phạm Thị An ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) có thói quen dùng các loại lá cây, thảo dược để đun nước uống, nhất là vào mùa hè. Xuất phát từ việc tìm loại lá cây để chữa bệnh viêm xoang rồi sau đó cứ nghe đến loại lá cây nào có tác dụng tốt cho cơ thể, bà An đều cất công tìm kiếm rồi phơi khô, sao vàng, đun hoặc hãm với nước sôi để uống. Khi dùng những loại lá này bà An thường chú ý tới tác dụng chứ không mấy quan tâm đến hàm lượng sử dụng bao nhiêu cho phù hợp. Sở dĩ bà An lựa chọn uống nước từ các loại lá cây để chữa bệnh hoặc giải nhiệt, giải độc cơ thể là vì bà cho rằng chúng lành tính, không có nhiều tác dụng phụ như khi dùng thuốc tây.

Không mất nhiều thời gian tìm kiếm, phơi khô, sao, chỉ cần đến một số cửa hàng, người dùng cũng dễ dàng lựa chọn cho mình loại lá giải nhiệt. Trong vai một khách hàng, chúng tôi ghé vào một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (TP Hải Dương). Những loại lá cây được phơi khô, sao vàng, đựng trong những chiếc lọ nhựa có nhãn, nào là diệp hạ châu, trinh nữ hoàng cung, hà thủ ô, bông mã đề...

Các loại lá cây này được chủ cửa hàng gom từ các huyện và mua một số đại lý ngoài tỉnh. Khi được hỏi về hàm lượng khi sử dụng thì chủ cửa hàng chỉ tư vấn công dụng của các loại lá cây chứ không am hiểu về cách sử dụng, hàm lượng phù hợp.

Theo bác sĩ Bùi Văn Tĩnh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, việc người dân truyền tai nhau về công dụng của các loại lá cây rồi tìm kiếm và tự định lượng khi sử dụng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại. Trong tự nhiên, có không ít loại cây giống nhau, nếu không am hiểu chuyên môn về y dược cổ truyền, người dân có thể nhầm lẫn, lấy phải cây độc. Cũng có nhiều loại lá cây chỉ mang lại hiệu quả khi sử dụng hàm lượng phù hợp và đúng phương pháp. Nếu dùng sai cách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, người dùng nên tham khảo thông tin từ những thầy thuốc y học cổ truyền. Mùa hè, nên ưu tiên sử dụng những loại lá phổ biến lại không có hoặc ít tác dụng phụ như diếp cá, lá vối, rau má, cây nhọ nồi... để giải nhiệt.

Trước khi sử dụng loại lá cây nào đó để giải nhiệt, giải độc, thanh lọc cơ thể, người dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin, đặc biệt cần tư vấn của những thầy thuốc y học cổ truyền. Đừng chủ quan mà chuốc họa vào thân.

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để giải độc thành... ngộ độc