Tất cả các trường cao đẳng sư phạm đang gặp nhiều khó khăn, mất phương hướng, nhiều trường ở tư thế "cầm cự" khi quy mô đào tạo giảm, ngành đào tạo bị thu hẹp.
Trong buổi làm việc với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chiều ngày 28.10, lãnh đạo các trường cao đẳng sư phạm đã bày tỏ những trăn trở, lo lắng khi chưa có một kết luận rõ ràng về định hướng phát triển tương lai.
Tiến sĩ Hồ Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Thừa Thiên Huế, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm đã trình bày báo cáo “Tổng quát tình hình hoạt động của các trường cao đẳng sư phạm”.
Theo đó, do thay đổi về chính sách (Luật Giáo dục 2019; NĐ 71/2020) đột ngột, không có lộ trình nên các trường cao đẳng sư phạm rơi vào trạng thái bị động hoàn toàn.
Vẫn chờ đợi quy hoạch, lãng phí nhân lực, vật lực
Hoạt động của các trường đang vô cùng khó khăn khi quy mô đào tạo giảm, ngành đào tạo bị thu hẹp (chỉ còn ngành giáo dục mầm non và một số ngành thuộc giáo dục nghề nghiệp); hoạt động bồi dưỡng bị thu hẹp hoặc không được giao nhiệm vụ; việc đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh; vị thế trường cao đẳng sư phạm ngày càng giảm, kéo theo việc tuyển sinh khó khăn, liên tục nhiều năm không đạt chỉ tiêu.
Điều này cũng dẫn đến sự lãng phí về nguồn nhân lực (đội ngũ giảng viên dôi dư); tiền lương, thu nhập giảm (ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần, đội ngũ); lãng phí nguồn vật lực (do cơ sở vật chất không được khai thác, sử dụng hết công suất, hiệu quả).
Bị thu hẹp ngành đào tạo, vị thế giảm, các trường cao đẳng sư phạm gặp khó khăn trong tuyển sinh
Tất cả các trường cao đẳng sư phạm dường như bị mất phương hướng, nhiều trường ở trong tư thế “cầm cự”.
Bên cạnh đó, khó khăn của các trường cao đẳng sư phạm còn do việc quy hoạch mạng lưới chậm, định hướng không rõ ràng, khiến các địa phương và các trường lúng túng.
Do chậm ban hành quy hoạch hoặc chưa có định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm rõ ràng, cùng với áp lực thực hiện tinh giảm biên chế, bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập nên nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương đã được sáp nhập cơ học nhiều trường với nhau thành trường cao đẳng hoặc cao đẳng cộng đồng, sáp nhập vào đại học sư phạm trọng điểm quốc gia, thậm chí giải thể. Một số trường ở các địa phương khác trong tư thế chờ đợi quy hoạch của trung ương.
Ở một số địa phương, trường cao đẳng sư phạm sau khi đã teo tóp do bị cắt giảm nhiệm vụ có khả năng trở thành một khoa trong trường dạy nghề, chịu sự điều chỉnh theo hướng “nghề hóa” như chỉ đạo hiện nay của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Các trường cao đẳng sư phạm đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương và UBND cấp tỉnh giải quyết khó khăn, bất cập trong việc thực thi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và việc hoàn thiện thể chế về trường cao đẳng sư phạm phù hợp với các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên đến nay, các khó khăn, bất cập này chưa được tháo gỡ.
Các trường cao đẳng sư phạm cũng đề xuất một số kiến nghị.
Thứ nhất, cần duy trì hệ thống trường sư phạm địa phương trên cơ sở quy hoạch, sắp xếp phù hợp với từng địa phương và có lộ trình tương ứng với việc ban hành hoặc sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Có kế hoạch đầu tư toàn diện để vừa nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên (lên đại học), vừa đa ngành hóa các trường này.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện việc phân cấp quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho các địa phương như từ trước đến nay, trong đó có nhiệm vụ của trường sư phạm địa phương trong việc đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên; bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng cấp chứng chỉ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, quản lý giáo dục trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chủ trương quy định, hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp cho số sinh viên cao đẳng sư phạm đang đào tạo và tốt nghiệp trong các năm 2020, 2021 và 2022. Các quy định chuyển tiếp theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi cho người học, vừa tạo điều kiện cho các trường cao đẳng sư phạm hoạt động trong khi chờ Chính phủ sắp xếp, quy hoạch.
Thứ tư, sớm ban hành Điều lệ trường cao đẳng sư phạm, các quy định về quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng sư phạm.
Thứ năm, cho phép các trường cao đẳng sư phạm tiến hành tuyển sinh chính quy ngành giáo dục mầm non năm 2021 như các năm học trước: Trường cao đẳng sư phạm tuyển sinh theo chỉ tiêu phân bổ; khi nhập học, sinh viên có bản cam kết; địa phương xem xét, duyệt cấp kinh phí hỗ trợ sinh viên theo quy định (theo nghị định 116/2020/NĐ-CP).
Thứ sáu, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh, sửa đổi thông tư 24/2019/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Thứ bảy, mong muốn được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có quan điểm dứt khoát, rõ ràng đối với sứ mạng các trường cao đẳng sư phạm; sớm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng của các trường.
Bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045” và “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, để các trường và địa phương biết sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm địa phương sẽ như thế nào, đi về đâu.
Điều này có ảnh hưởng lớn đến vị trí việc làm của giảng viên, đặc biệt là các giảng viên có học hàm, học vị cao. Sẽ rất khó khăn về điều kiện đội ngũ nếu như việc quy hoạch mạng lưới bị chậm trễ, vì lúc đó đã có nhiều nhà giáo có trình độ tiến sĩ đã chuyển công tác…
Sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của các trường
Thầy Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nói rằng, các trường cao đẳng sư phạm hiện nay giống như “những đứa con bị bỏ rơi”, do không bị điều chỉnh bởi Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học 2018 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. Đặc biệt là trong bối cảnh bị thu hẹp đào tạo, chưa được định hướng rõ sẽ đi đâu về đâu.
Mong mỏi của các trường là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố càng sớm càng tốt về sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm, để các trường, các địa phương có thể sắp xếp và triển khai kế hoạch, hoạt động theo định hướng của Bộ.
Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm: “Phải sớm giải quyết những bất cập, khó khăn đang xảy ra với các trường cao đẳng sư phạm. Không thể và không nên giải thể hệ thống các trường này bởi xét về nhu cầu đào tạo, chúng ta vẫn đang thiếu và rất cần các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học.
Đặc biệt, cần phải tính đến nhiệm vụ đào tạo giáo viên về lâu dài, cần sớm giải quyết nguyện vọng của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay, tiến tới phát triển các trường thành trường đại học đa ngành”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ khẳng định, các trường cao đẳng sư phạm cần được duy trì, tồn tại và tiếp tục phát triển, thực hiện sứ mệnh đào tạo giáo viên cùng với các trường đại học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) nói rằng, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm cần được duy trì, tồn tại và tiếp tục phát triển, thực hiện sứ mệnh đào tạo giáo viên cùng với các trường đại học.
Nếu các trường được sáp nhập với các trường đại học địa phương hoặc được nâng cấp để đào tạo giáo viên thì sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh từng địa phương đó.
Nhưng nếu chỉ giao cho các trường đại học sư phạm trọng điểm nhận đặt hàng đào tạo thì học sinh ở các địa phương phải đi xa để học tập, chưa kể đến có thể xảy ra những xáo trộn trong việc phân công đội ngũ này về các địa phương sau khi tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xác định sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm, đó chính là đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo để đội ngũ giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ đại học. Và trong tương lai, các trường này sẽ phát triển thành một trường đại học đa ngành ở địa phương.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có định hướng rõ ràng như vậy, các địa phương cũng sẽ tập trung đầu tư cho các trường về cơ sở vật chất (diện tích, điều kiện xây dựng,...) và đội ngũ cán bộ. Như vậy, chúng ta có sự bổ sung số lượng vào hệ thống các trường đại học.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm: “Việc các trường cao đẳng sư phạm lựa chọn trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm trọng điểm là không phù hợp, dẫn đến các trường cao đẳng sư phạm xa rời sứ mệnh vốn có của mình, trong khi đó, chính địa phương cũng mất đi một cơ sở đào tạo nhân lực sư phạm”.
Bàn về giải pháp đường dài cho các trường cao đẳng sư phạm, thầy Nhĩ cho rằng, đối với các tỉnh đã có trường đại học địa phương thì tiến tới sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào trường đại học địa phương đó. Như vậy có thể giữ được cơ sở vật chất, giữ được đội ngũ cán bộ của trường cao đẳng sư phạm và giúp trường đại học địa phương phát triển lớn mạnh hơn.
Những tỉnh nào chưa có đại học địa phương như các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị,... thì nên nâng cấp các trường cao đẳng sư phạm trở thành các trường đại học địa phương, để các trường được thực hiện sứ mệnh đào tạo đội ngũ giáo viên cho chính địa phương của mình.
Theo GDVN