Đừng để "nước đến chân mới nhảy"

15/08/2014 08:13

Thời điểm này, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đã bắt đầu nở rộ, mật độ trứng sâu ở mức cao. Nếu nông dân không chủ động phòng, trừ sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.



Sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang lan rộng


Gây hại diện rộng

Sáng 14-8, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cổ Bì (Bình Giang) tổ chức họp khẩn để đề ra các biện pháp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5. Ông Đồng Văn Trăng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cổ Bì cho biết: "Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện trên đồng ruộng mật độ sâu cuốn lá đã ở mức từ 15-20 con/m2, cao gấp đôi so với vụ mùa năm ngoái. Đặc biệt, mật độ trứng đã ở mức 40-50 quả/m2. Tại nhiều chân ruộng, sâu non mới nở đang quấn chóp lá, nếu không phun thuốc kịp thời, sâu non sẽ ăn bạc lá lúa, ảnh hưởng đến năng suất".

Trên cánh đồng thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn (Gia Lộc), những ruộng lúa xanh tốt đã lấm tấm có màu bạc do sâu cuốn lá gây hại. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở xóm Trại sau khi kiểm tra xong ruộng lúa nếp không khỏi bất ngờ: "Hôm trước tôi kiểm tra chưa thấy có hiện tượng đầu lá lúa bị cuốn tròn như hôm nay. Chỉ qua một hôm sáng nay đã thấy sâu cuốn lá nở bằng đầu tăm, bắt đầu lan ra khắp ruộng".

Huyện Gia Lộc hiện có khoảng 2.000 ha trà lúa sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ và làm đòng dễ bị sâu cuốn lá hại. Ông Lê Kiên Quyết, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) Gia Lộc cho biết, hiện tại sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang nở rộ trên các trà lúa, diện phân bố rộng, mật độ trung bình 5-7 con/m2, nơi cao từ 15-20 con/m2. Đặc biệt với các trà lúa sớm, ruộng xanh tốt, ven làng, ven hàng cây có mật độ bướm trưởng thành rất cao từ 40-50 con/m2.

 Tại huyện Thanh Miện, lứa sâu cuốn lá nhỏ này cũng đã xuất hiện với mật độ cao ở nhiều nơi. Theo Trạm BVTV huyện, sâu cuốn lá đang gây hại mạnh tại thị trấn Thanh Miện và xã Hùng Sơn với mật độ trung bình 1-2 con/m2; mật độ trứng từ 40-60 quả/m2, chỗ cao từ 80-100 quả/m2. Dự kiến sâu non nở rộ từ ngày 12 đến 16-8, tập trung trên những ruộng lúa xanh tốt, gần làng hoặc gần các tuyến đường.

Theo Chi cục BVTV tỉnh, nguyên nhân khiến sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 dễ bùng phát mạnh do năm nay thời tiết nắng, mưa xen kẽ, thuận lợi cho sâu sinh trưởng, phát triển. Nhiều ruộng lúa quá xanh tốt do bón thừa đạm. Nhiều nơi sâu non lứa 1 nở nhưng nông dân không thường xuyên kiểm tra đồng ruộng hoặc quan sát chưa kỹ nên không phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, hiện tượng gối lứa từ lứa sâu cuối tháng 7 đã làm mật độ sâu cao và tiếp tục tăng nhanh.

Khẩn trương phòng trừ

Ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết, sâu cuốn lá nhỏ năm nay được đánh giá sẽ gây hại trên diện rộng và xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhiều nơi trứng và sâu non mới nở đã ở mật độ cao. Nếu không chủ động phòng trừ sẽ khó kiểm soát được diện tích lúa bị hại. Việc phòng trừ sâu cuốn lá thời điểm này rất cần thiết, không thể chần chừ. Bài học từ vụ mùa năm 2010 cho thấy nông dân chỉ cần chủ quan, lơ là sẽ khiến dịch sâu cuốn lá bùng phát trở lại. Vụ mùa năm đó, khi sâu cuốn lá xuất hiện nông dân không phòng trừ sớm khi sâu tuổi còn nhỏ. Nhiều nơi, nông dân sau khi phun thuốc gặp mưa chủ quan không phun lại đợt 2, sâu không chết, diện tích gây hại tăng nhanh. Một số cơ quan chuyên môn ở huyện, xã và nông dân còn chủ quan, chưa đánh giá hết quy mô, mức độ gây hại và thực hiện phòng, trừ còn chậm.



Nông dân thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) chủ động phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ khi sâu mới nở


Theo Chi cục BVTV tỉnh, để sâu cuốn lá ở mật độ cao rất nguy hiểm vì một con sâu cuốn lá có thể ăn 8-9 lá lúa. Trong khi đó, lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến làm đòng, bộ lá lúa đã phát triển tương đối đầy đủ. Việc cần làm ngay lúc này là phải tăng cường kiểm tra đồng ruộng. Các cơ quan chức năng cấp huyện phải kiểm tra kỹ xem sâu non đã xuất hiện hay chưa và mật độ cao hay thấp. Khi xuất hiện sâu cuốn lá nông dân cần sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Director 70EC, Obaone 95WG, Danthick 100EC, Dylan 5WG, Dragon 585EC, Clever 150SC, 300 WG... để phòng trừ. Sau khi phun gặp mưa hoặc sâu non vẫn có mật độ cao cần phun lại lần 2, cách lần 1 từ 3-5 ngày.  Nếu mật độ sâu cao từ 80 con/m2 trở lên, phải phun kép 2 lần, lần phun thứ hai sau lần phun thứ nhất 2 - 3 ngày. Phun trừ khi sâu còn ở tuổi nhỏ, nếu sâu đã già thì khó diệt trừ. Khi chọn thuốc phun trừ sâu cuốn lá nên chọn thuốc thuộc nhóm có tác dụng tiếp xúc, thấm sâu, nội hấp trừ được cả trứng của sâu cuốn lá nhỏ, hiệu lực của thuốc kéo dài từ 7-10 ngày sau khi phun. Khi phun cần dùng bình bơm có vòi tia nhỏ để phun thuốc. Nông dân có thể cho thêm chất bám dính vào thuốc để phun, tăng độ bám dính, tăng hiệu quả của thuốc lên từ 10-15%.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để "nước đến chân mới nhảy"