Cúm mùa đang là căn bệnh gây không ít phiền toái cho nhiều người dân Hải Dương trong thời gian gần đây. Dù là bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng nếu chủ quan có thể gây nguy hại lớn.
Biến chứng nguy hiểm
Gia đình anh Lê Văn Khanh ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) vừa trải qua Tết Ất Tỵ không mấy vui vẻ vì cả 4 thành viên trong nhà đều mắc cúm A. Những ngày đầu xuân, mới chỉ có anh Khanh trở lại với công việc, còn vợ và 2 con nhỏ vẫn phải nghỉ làm, nghỉ học vì sức khoẻ chưa tốt lên.
Anh Khanh cho biết anh là người đầu tiên trong nhà có biểu hiện cúm, song do chủ quan, nghĩ bệnh qua loa nên không uống thuốc. Khi anh ho, ngạt mũi kéo dài, không thuyên giảm thì cũng là lúc các thành viên còn lại bị lây cúm. “Vào ngày 27 tháng chạp, khi mọi người tất bật sắm sửa, về quê đón Tết thì gia đình tôi lại vào viện vì cúm. 2 con tôi vẫn sốt cao li bì, riêng cháu nhỏ thì quấy khóc, khó thở phải cần đến sự hỗ trợ của máy thở. May mắn không phải ăn Tết trong bệnh viện, song cả nhà vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và không ra khỏi nhà vì sợ lây cúm cho người thân, họ hàng”, anh Khanh than vãn.
Ngày 4/2, anh Đỗ Mạnh Hùng, 19 tuổi ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) phải nhập viện điều trị cúm biến chứng sang viêm phổi. Anh Hùng có triệu chứng cúm từ trước Tết. Tuy nhiên, với suy nghĩ chỉ vài hôm là khỏi nên lúc đầu anh không uống thuốc.
Khác với mọi lần bị cúm, đợt này anh Hùng ho dai dẳng, sốt cao. Tự mua thuốc uống tại nhà song không cắt cơn ho, sốt, anh mới tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thì được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi. Anh Hùng cho biết: “Khi có biểu hiện cúm, tôi nghĩ mình còn trẻ, đề kháng cao nên bệnh sẽ tự khỏi. Không ngờ bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng tới phổi. Chỉ vì không chú trọng chăm sóc sức khỏe khi bị cúm nên giờ tôi phải mất nhiều thời gian, tiền bạc hơn cho việc điều trị”.
Sự việc đã xảy ra vài năm trước song đến giờ gia đình anh P.Q.S. ở xã Hồng Dụ (Ninh Giang) vẫn còn bàng hoàng, nuối tiếc khi vợ anh là chị H.T.N. (sinh năm 1988) ra đi mãi mãi chỉ vì không điều trị cúm kịp thời. Chị N. mắc cúm nhưng do đang nuôi con nhỏ nên chị không uống kháng sinh cũng không đi khám để bác sĩ tư vấn. Tới lúc cảm thấy cơ thể mệt mỏi, khó chịu kéo dài, chị N. đi khám thì phát hiện viêm phổi. Trong thời gian điều trị viêm phổi thì bệnh lại phức tạp, biến chứng nặng hơn. Cuối cùng chị N. không qua khỏi, lúc đó con chị mới được 4 tháng tuổi.
Xuất hiện quanh năm
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có xu hướng lây lan nhanh thành dịch vào mùa đông xuân do khí hậu ẩm, gió mùa. Tuy nhiên hiện nay khi ô nhiễm môi trường gia tăng thì bệnh cúm không còn theo mùa mà xuất hiện quanh năm. Dù là bệnh lý thông thường song nếu xem nhẹ việc điều trị sẽ dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Trong tháng 1/2025, Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị cho 275 bệnh nhi mắc cúm A, tăng cao so với những tháng trước đó. Các trường hợp phải nhập viện đều trong tình trạng sốt cao khó hạ, ho, khò khè, đau đầu, nôn…
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, cúm mùa thường lành tính nên mọi người hay có tâm lý chủ quan, tự mua thuốc điều trị. Phụ huynh thường cho trẻ tới các cơ sở y tế thăm khám khi tự uống thuốc không khỏi. Lúc này, bệnh tình của trẻ tiến triển nặng nên việc điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn.
Tính đến ngày 4/2, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương ghi nhận 91 ca phải nhập viện điều trị do cúm. Trong đó, có 1 trường hợp phải chuyển sang hồi sức tích cực và 1 ca chuyển tuyến trên do bệnh diễn biến nặng, nguy kịch.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thạch Quyền, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết những ca mắc cúm điều trị nội trú đều đã xuất hiện biến chứng nguy hiểm, chủ yếu là viêm phổi. Đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền thì biến chứng càng nặng hơn với nguy cơ tử vong cao. Thực tế thời gian qua, khoa tiếp nhận điều trị cho một số người trẻ bị tổn thương phổi do không chữa trị cúm kịp thời. Vì thế không thể chủ quan với cúm mùa, nhưng cũng không quá hoang mang mà cần chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vaccine, thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn bàn tay). Khi có triệu chứng nghi ngờ cúm phải tới cơ sở y tế chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do cúm mùa gây ra.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm ở Việt Nam có hơn 800.000 người mắc cúm, gặp nhiều ở lứa tuổi khác nhau. Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết..., phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Cúm mùa có khả năng làm gia tăng nguy cơ viêm phổi ở trẻ em gấp 8 lần, tăng nguy cơ đột quỵ gấp 8 lần, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 10 lần.