Giới làm phim phản đối đề xuất 'Dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức' vì đạo đức là chuyện cá nhân, không thể bắt tập thể chịu chung hậu quả.
Phim điện ảnh thường là sản phẩm của một tập thể hàng trăm người - Ảnh: ĐPCC
Đề xuất "Dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức" từ một đại biểu quốc hội đang gây dư luận.
Cụ thể, tại Quốc hội, đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho rằng nên có những quy định về dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh mà có các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức an ninh chính trị hoặc phát ngôn.
Thiệt hại hàng chục tỉ đồng là 'quá nặng và bất công'
Trước đó, cư dân mạng Việt Nam từng thảo luận về chủ đề này. Các biện pháp mạnh của các nền giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc như cấm sóng, hủy phim, cắt hợp đồng quảng cáo... được nhắc đến. Tuy nhiên, đây là lần đầu ý kiến tương tự được đưa ra trước Quốc hội, nhân góp ý về Luật Điện ảnh.
Trên một diễn đàn về giới giải trí, khá đông cư dân mạng ủng hộ đề xuất này. Có người còn bình luận nên áp dụng với cả gameshow, chương trình truyền hình. Họ cho rằng biện pháp này sẽ răn đe những nghệ sĩ phát ngôn coi thường khán giả, có bê bối đời tư, hành xử không đẹp...
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng không thể bắt một tập thể gánh hậu quả khi một người gặp vấn đề cá nhân - Ảnh: FACEBOOK PHAN ĐĂNG DI
Thế nhưng, từ góc nhìn của giới làm phim, biện pháp này thiếu hợp lý khi bắt cả tập thể phải chịu trách nhiệm cho vấn đề riêng của một cá nhân.
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho rằng biện pháp này là "quá nặng". Anh ước lượng phim điện ảnh Việt Nam thường có kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Nếu dừng chiếu phim, thiệt hại cho bên làm phim còn lớn hơn vì các chi phí quảng bá, phát hành.
"Khi nghệ sĩ tham gia phim, có các điều khoản yêu cầu họ bảo vệ tên tuổi, nếu không sẽ phải bồi thường. Nhưng nghệ sĩ rất khó có khả năng bồi thường con số rất lớn ấy cho nhà đầu tư", Vũ Ngọc Phượng nói.
Đạo diễn Phan Đăng Di nói: "Tôi không tán thành suy nghĩ nên dừng chiếu phim. Làm phim là một quá trình nhiều bên tham gia và đầy rủi ro.
Các đoàn phim làm đúng luật khi họ mời một người cộng tác mà người đó chưa xảy ra vấn đề gì. Nhà làm phim, nhà đầu tư và toàn bộ êkip không thể gánh rủi ro quá lớn khi một người trong đoàn bất ngờ gặp vấn đề gì đó. Có những vấn đề lại chỉ xảy ra sau khi phim đã quay và sắp phát hành".
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng và diễn viên Isaac - Ảnh: FACEBOOK VŨ NGỌC PHƯỢNG
"Không thể đẩy trách nhiệm cá nhân sang cho tập thể mà đúng hơn phải là chiều ngược lại. Người nào tham gia vào bất kỳ dự án nào, người đó phải có trách nhiệm giữ gìn cho dự án đó", đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Cư dân mạng so sánh đề xuất này với biện pháp cấm sóng, hủy phim của Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Nhưng đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng không thể đánh đồng thị trường điện ảnh Việt Nam với thị trường ở 2 quốc gia này vì có rất nhiều khác biệt.
Anh phân tích: "Tương quan thu nhập của nghệ sĩ tại Việt Nam và các nước không hề giống nhau. Ở các nước, diễn viên có thể nhận hàng triệu USD cho một dự án, rất lớn nên đương nhiên trách nhiệm cũng phải tương đương.
Còn ở Việt Nam, diễn viên có thù lao cao nhất cũng chỉ lên đến 30.000 - 40.000 USD một phim (từ 680 triệu đến 900 triệu đồng), nếu phải đền bù quá lớn thì còn ai dám ký hợp đồng đóng phim? Cho nên, ở mình không thể áp dụng biện pháp đó được, kể cả người đó có lỗi thật thì vẫn rất bất công".
Ủng hộ nghệ sĩ giữ gìn đạo đức
Trong đề xuất của bà Lê Thu Hà có ý tích cực là yêu cầu nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh đẹp và phẩm chất đạo đức tốt. Giới làm phim cho rằng mục tiêu này nên được thực hiện bằng sự tự nguyện và những nguyên tắc ứng xử trong nghề thay vì rút phép, dừng chiếu phim.
"Nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài", bà Hà nói.
Đạo diễn Nam Cito nêu ý kiến: "Nghệ sĩ là người của công chúng, là tấm gương rất nhiều người nhìn vào. Bởi vậy, mỗi người nghệ sĩ phải tự có ý thức giữ gìn hình ảnh, tu dưỡng đạo đức, tập trung cống hiến tài năng thay vì những chuyện bên lề".
Đạo diễn Nam Cito (phải) và đạo diễn Bảo Nhân - Ảnh: ĐPCC
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đồng tình: "Ngoài kinh doanh tài năng, nghệ sĩ còn kinh doanh hình ảnh, là tấm gương cho giới trẻ noi theo. Nếu họ gặp vấn đề, con đường nghệ thuật của họ vốn đã gặp nhiều khó khăn. Nhiều nghệ sĩ gặp bê bối đời tư đã bị tước đi nhiều hợp đồng quảng cáo".
Anh cho biết với những nghệ sĩ bị khán giả quay lưng, họ ít có cơ hội được mời đóng phim tiếp. Những bộ phim đã quay cũng có nguy cơ không được đón nhận. Do đó, nên để nhà sản xuất tự quyết định hủy phim hoặc thay diễn viên khác và quay lại các cảnh, không nên chặn đường sống của nhà sản xuất, đẩy họ vào cảnh mất trắng.
"Nếu đã vi phạm và bị xử lý thì người nghệ sĩ đã phải chịu mất mát lớn nhất, đó là mất đi khán giả", đạo diễn Nam Cito nói.
Đưa cam kết về đạo đức vào hợp đồng đóng phim
Là đạo diễn kiêm nhà sản xuất, Nam Cito luôn đề cao vấn đề đạo đức mỗi khi chọn diễn viên cho phim. Trong hợp đồng, công ty anh đưa ra những điều khoản ràng buộc như "diễn viên không được xảy ra scandal, không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật".
"Điều này đồng nghĩa với sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng tác phẩm, cũng như tôn trọng khán giả", anh nói.
Các diễn viên đóng phim "Gái già lắm chiêu" của Nam Cito và Bảo Nhân phải ký hợp đồng cam kết về đạo đức, pháp luật - Ảnh: ĐPCC
Còn về đề xuất dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức hay pháp luật, các đạo diễn cho rằng vấn đề nằm ở mức độ nghiêm trọng của hành vi. Nếu là vi phạm pháp luật, cần có điều tra và kết luận từ cơ quan chức năng, còn nếu chỉ dừng lại ở những sự vụ nhỏ, biện pháp này là quá nặng.
Theo Tuổi trẻ