Cách đây gần 3 năm, ngày 1-11-2013, bé Nguyễn Thị Thùy Dung ở xã Nam Chính (Nam Sách) ra đời đã đưa dân số nước ta lên con số tròn 90 triệu người.
Trước đó, theo kết quả dự báo của Liên hợp quốc, Việt Nam có cơ cấu "dân số vàng" (CCDSV) từ năm 2007 và kết thúc vào năm 2035. Theo Tổng cục Thống kê, nước ta đã chính thức bước vào thời kỳ CCDSV từ khoảng năm 2007 và kết thúc vào năm 2041. Cơ cấu dân số này chỉ rõ nước ta có trên 60% số dân trong độ tuổi lao động, là lực lượng tạo ra sản phẩm ngày càng nhiều cho xã hội. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên đồng nghĩa với việc lực lượng lao động sản xuất chủ lực tăng và thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng tăng theo.
Để tận dụng được CCDSV, trước hết, giáo dục - đào tạo phải có bước chuyển mạnh mẽ để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ thực tế cả nước cũng như tại Hải Dương, các khu, cụm công nghiệp mở ra có nhu cầu lao động lớn nhưng nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp do việc đào tạo trong nhà trường không đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Tại Hải Dương, 50% số dân trong độ tuổi lao động đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đem lại giá trị gia tăng thấp. Tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề còn thấp. Hải Dương hiện cũng có tốc độ già hóa dân số cao hơn cả nước (với trên 10% số dân). Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phát huy vai trò người cao tuổi, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi và nhìn lại chương trình, tránh những hệ lụy do mức sinh giảm…
Theo các dự báo trên thì thời kỳ CCDSV còn chưa đầy 30 năm nữa. Trong giai đoạn này, chúng ta vừa phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh, vừa gặp tình trạng giảm mức sinh. Vấn đề này tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cũng theo khuyến cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, để tận dụng CCDSV, Việt Nam cần có nhiều chính sách kịp thời, phù hợp nhằm tận dụng được các lợi thế của lực lượng lao động dồi dào. Riêng tại tỉnh ta, với hàng chục vạn lao động trẻ, phần lớn đã có trình độ THCS, THPT và nhiều người đã qua các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề… sẽ là nguồn lực quý. Tỉnh cần có những chế độ, quy định cụ thể nhằm khuyến khích lực lượng này khởi nghiệp và thu hút vào làm việc trong các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và các ngành sản xuất, kinh doanh khác. Với trên 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động cùng nhiều công ty và hàng trăm HTX nông nghiệp được kiện toàn sẽ là nơi tuổi trẻ đem sức lực và trí tuệ cống hiến, không bỏ lỡ cơ hội "dân số vàng", góp phần xây dựng Hải Dương giàu đẹp, văn minh.
NGUYỄN THẾ(TP Hải Dương)