Đừng biến mình từ bị hại thành bị cáo

20/07/2016 10:39

Ðể bảo vệ tài sản của mình, Thuận đã dùng dây điện chăng xung quanh chuồng gà. Kẻ trộm trong lúc đột nhập vào nhà Thuận bắt trộm gà thì bị điện giật chết.


Trung tuần tháng 7 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1986 ở thôn Ðình Giọng, xã Ðại Ðức, Kim Thành) về tội giết người.

Nguyên nhân khiến Thuận từ một người hiền lành, chất phác trở thành kẻ giết người là vì trước đó nhà Thuận thường xuyên bị mất trộm gà. Ðể bảo vệ tài sản của mình, Thuận đã dùng dây điện chăng xung quanh chuồng gà. Kẻ trộm trong lúc đột nhập vào nhà Thuận bắt trộm gà thì bị điện giật chết.

Tại phiên tòa xét xử, nhiều người dân trong xã cho rằng Thuận không may làm chết một tên nghiện, chuyên trộm cắp vặt ở làng thì chỉ bị xử nhẹ vài ba năm tù, thậm chí có thể được hưởng án treo. Họ không nhận thức được rằng bản thân Thuận biết rõ khi dây điện chăng xung quanh chuồng gà được nối với nguồn điện thì đó là mối nguy hiểm chết người với bất cứ ai chạm phải. Và đương nhiên, việc bị mất trộm gà không thể đánh đổi bằng một mạng người.

Hội đồng xét xử đã xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ đối với Thuận và áp dụng mức phạt tù thấp nhất trong khung hình phạt. Tuy vậy, mức án dành cho Thuận vẫn là 8 năm tù giam.

Ðây chỉ là một trong số nhiều vụ việc mà người phạm tội từ bị hại trở thành bị cáo. Việc người dân lao vào đánh kẻ trộm chó đến thừa sống thiếu chết ở một số địa phương trong tỉnh là một ví dụ khác. Dù vẫn biết ăn trộm là phạm tội, nhưng không có nghĩa những người khác có quyền đánh đập, thậm chí tước đoạt mạng sống của kẻ trộm. Không ít người dân chỉ vì bức xúc đã có những hành động sai trái để rồi trở thành người phạm tội, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do nhận thức của người dân về pháp luật còn hạn chế. Người dân bị mất cắp nhiều lần sinh ra bức xúc. Kẻ trộm thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và thực hiện nhiều vụ khác. Những bức xúc ấy bị dồn nén không được giải tỏa nên khi bắt được kẻ trộm người dân thường có tâm lý "đánh chúng một trận cho chừa", hoặc nghĩ ra cách tự bảo vệ tài sản nhưng không an toàn, gây nguy hiểm cho người khác như vụ việc ở trên.

Theo quy định của pháp luật, đối với người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi thực hiện thì nếu bị phát hiện, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay kẻ có hành vi phạm tội đến cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc UBND nơi gần nhất. Tuy nhiên, quy định này không cho phép khi bắt quả tang người phạm tội, người tham gia bắt được tự ý giam giữ người phạm tội hay đánh đập họ.

Trước thực trạng trên, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở cần chú trọng phổ biến, tuyên truyền pháp luật để nhân dân không có những hành vi quá khích khi bắt giữ tội phạm. Ngành công an cần thường xuyên tấn công các ổ nhóm, đối tượng chuyên trộm cắp vặt. Chính quyền các cấp có biện pháp hữu hiệu bảo vệ tài sản cho nhân dân. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của mình, không chủ quan để kẻ trộm lợi dụng sơ hở ra tay trộm cắp. Khi bắt được các đối tượng phạm tội cần giao ngay cho cơ quan có thẩm quyền, không tự ý xử lý tránh biến mình từ người bị hại thành kẻ phạm tội.

TÂM PHÚC(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Đừng biến mình từ bị hại thành bị cáo