Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy sẵn sàng cân nhắc sử dụng các biện pháp trừng phạt nếu những hành động vi phạm lệnh cấm vận trên biển, trên mặt đất hay trên không tiếp diễn.
Ngày 18.7, lãnh đạo 3 nước Đức, Pháp và Italy đã ra tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia dừng việc tăng cường can thiệp vào tình hình Libya, đồng thời tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt đối với quốc gia Bắc Phi này.
Trong tuyên bố chung sau cuộc thảo luận về tình hình Libya bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng người đồng cấp Italy Giuseppe Conte và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định 3 nước này sẵn sàng cân nhắc sử dụng các biện pháp trừng phạt nếu những hành động vi phạm lệnh cấm vận trên biển, trên mặt đất hay trên không tiếp diễn.
Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy chia sẻ quan ngại những căng thẳng quân sự tại Libya cũng như nguy cơ tình hình khu vực leo thang. 3 nước kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Libya cùng những lực lượng nước ngoài hậu thuẫn ngay lập tức ngừng giao tranh và chấm dứt tình trạng leo thang quân sự hiện nay.
3 nhà lãnh đạo này cũng hy vọng Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU đưa ra đề xuất về vấn đề này. Đây là lần đầu tiên 3 nước lớn ở châu Âu đe dọa trừng phạt, trong bối cảnh xuất hiện thế giới đang ngày càng lo ngại về chiến sự gia tăng tại Libya. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh sự can thiệp của nước ngoài ở Libya đã lên tới mức độ "chưa từng thấy".
Hiện Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở Tripoli được Liên hợp quốc ủng hộ và các nhóm vũ trang hậu thuẫn. Trong khi đó, chính quyền ở miền Đông được lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA và đã hỗ trợ quân sự giúp chính phủ này chống chiến dịch tấn công của LNA phát động từ tháng 4.2019 nhằm giành kiểm soát thủ đô Tripoli. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập ủng hộ Tướng Haftar.
Xung đột vũ trang giữa hai phe phái này đã khiến hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu của Libya bị ngưng trệ trong thời gian dài. Hiện các bên tại Libya tiếp tục giao tranh bất chấp kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Antonio Guterres.
Theo Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc ở Libya (UNSMIL), trong 6 tháng đầu năm 2020, hơn 300 dân thường thương vong do xung đột tại Libya, tăng 172% so với cùng thời điểm năm ngoái. Hơn 400.000 người bị mất nhà cửa kể từ tháng 4.2019.
Theo TTXVN