Đức - Nga với dòng chảy phương Bắc II

12/09/2020 19:24

Quan hệ Nga-Đức bùng phát căng thẳng khi nước Đức tuyên bố phát hiện bằng chứng và Nga phải chịu trách nhiệm về nhà hoạt động đối lập Nga Alexei NaValny bị đầu độc. 

Nhà chính trị đối lập Nga Alexei Navalny - Ảnh tư liệu: REUTERS

Căng thẳng từ một nhân vật đối lập

Nhân vật đối lập Nga Alexei NaValny 44 tuổi bị ốm và được điều trị tại một bệnh viện Sebevia của Nga. Phía Đức yêu cầu đưa ông này đến bệnh viện Chavuite của Đức để điều trị. Tại đây, các bác sĩ của Đức tuyên bố rằng ông Alexei NaValny bị đầu độc bằng chất độc Nobichok có từ thời Liên Xô trước đây. Ngay lập tức, phía Đức đã có những tuyên bố cứng rắn về sự việc. Thủ tướng Đức Angela Markel lên tiếng xác nhận rằng đã có “bằng chứng rõ ràng” về một vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh cực mạnh và lên án vụ tấn công “theo cách mạnh mẽ nhất có thể”. Phía Nga gọi các tuyên bố của Đức là chiến dịch thông tin chống Nga và cho biết nước này không nhận được bất cứ dữ liệu hay bằng chứng xác thực nào về kết luận của Đức. Vụ việc này lập tức trở thành điểm nóng trong quan hệ không chỉ giữa Nga - Đức mà cả giữa Nga với khối Liên mình châu Âu (EU). EU đã tính ngay đến các kịch bản trừng phạt Nga. Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Josep Borell đã kêu gọi Nga hợp tác để tổ chức điều tra vụ việc. Ông này nói EU “có quyền tiến hành các hành động thích hợp bao gồm thông qua các biện pháp hạn chế và trừng phạt Nga”. Giới phân tích đã dự báo các kịch bản mà EU có thể áp dụng với Nga:

EU có thể trục xuất các nhà ngoại giao Nga hoặc cấm đi lại và phong tỏa tài sản của một số nhân vật tại Nga. Việc này không chỉ EU mà ngay cả Mỹ thường làm đối với Nga khi có sự kiện xảy ra. 

EU sẽ xem xét đến việc tiếp tục trừng phạt kinh tế đối với Nga. Vấn đề này EU đã làm với Nga sau khi nước này sáp nhập trở lại bán đảo Crưm năm 2014. Nếu lần này EU trừng phạt kinh tế Nga, chắc chắn sẽ nhắm vào dòng chảy phương Bắc II, đưa khí đốt của Nga sang Đức và dự án dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Trừng phạt hai dòng chảy này phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên EU, trong khi dòng chảy phương Bắc II trực tiếp liên quan tới Đức nên biện pháp này sẽ gây nhiều tranh cãi trong chính nội bộ EU với Đức.

 Có thể EU sẽ hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ Chính phủ Nga và cân nhắc cắt đứt hệ thống tài chính của Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) khiến các giao dịch quốc tế của Nga gần như không thể thực hiện được. Năm 2014, EU cũng đã tính đến việc này nhưng không thể thực hiện vì nó cũng sẽ gây hại cho chính EU. 

Angela Markel và Putin: Hai nhân vật quyết định

 Trước đó, giữa đại dịch Covid-19, quan hệ hai nước Nga - Đức có nhiều cải thiện, hai nhà lãnh đạo của hai nước đã hai lần gặp nhau trong năm nay. Lý giải cho việc trên là cả Nga-Đức đang trong tầm ngắm của Mỹ. Mỹ phản đổi dòng chảy phương Bắc II đưa gấp đôi lượng khí đốt của Nga sang Đức, từ đây Đức sẽ xa dần khí đốt của Mỹ. Đặc biệt, hồi giữa tháng 8 vừa qua, trong chuyến thăm Đức, Thủ tướng Markel và Tổng thống Nga Putin đồng ý là đôi bên (Đức-Nga) “cần đối thoại trên nhiều hồ sơ khác, từ Syria đến hạt nhân Iran và nhất là tìm lối thoát cho tình hình cho Ukraina”. Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 1.2020, bà Markel đã trao đổi với Thống thống Nga hàng loạt các vấn đề tại Trung Đông.
Nay sau vụ ông Navalny, bà Markel lên giọng với Nga được giới phân tích lý giải rằng:

Về kinh tế, thời điểm này bà Markel biết rằng Nga đang trông cậy nhiều vào dự án dòng chảy phương Bắc II đưa khí đốt của Nga sang Đức. Nếu dự án trục trặc thì thiệt hại cho Nga. Do đó, lên giọng với Nga để buộc nước này phải có nhượng bộ phần nào và giảm thiệt hại cho Ukraina khi dòng khí của Nga sang Đức được chuyển hướng qua dòng chảy phương Bắc II.

Về địa chính trị, mặc dù Nga đã có nhiều đột phá trong các vấn đề tại Trung Đông - địa Trung Hải, đặc biệt là Syria nhưng Nga vẫn cần Đức trong nhiều vấn đề, đặc biệt là phá thế bao vây kinh tế của EU. Do đó, có thể vụ Navalny chỉ là cái cớ để bà Merkel mặc cả với ông Putin về một số vấn đề địa chính trị như ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Syria...

Số phận dòng chảy phương Bắc II

Qua vụ Navalny, quan hệ Nga-Đức vào vòng thử thách mới và câu hỏi đặt ra là liệu Đức có tự mình hủy bỏ dự án dòng chạy phương Bắc II hay không? Theo giới phân tích, điều này khó xảy ra vì Đức đang muốn từ bỏ năng lượng hóa thạch và nguyên tử nên cần nhiều khí tự nhiên từ Nga để nuôi sống nền kinh tế. Hơn nữa, dòng chảy phương Bắc II dài hơn 1.200 km đi dưới biển Ban Tích và đã hoàn thành hơn 90% dự án, sẽ vận hành vào đầu năm 2021, được “tất cả các cơ quan có thẩm quyền của Liên minh châu Âu thông qua, trong đó có Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan”. Dừng dự án thì các nhà đầu tư sau này sẽ chần chừ trong việc ủng hộ các dự án tiếp theo của châu Âu, Đức và cũng sẽ phải bồi thường cho các doanh nghiệp tham gia. Một điều quan trọng nữa khiến Đức phải cân nhắc nếu dừng dự án dòng chảy phương Bắc II ngoài thiệt hại về kinh tế mà các bên tham gia phải hứng chịu thì Đức và EU chắc chắn sẽ không thể bàn với Nga về các vấn đề quốc tế nhạy cảm Đức, EU muốn giải quyết, trong đó có vấn đề Ukraina, Trung Đông, Syria...

Như vậy, từ một vụ nghi ngờ Nga đầu độc nhà hoạt động đối lập Navalny dẫn đến quan hệ hai nước Đức-Nga đột nhiên căng thẳng cho thấy không phải Đức và EU quan tâm đến cá nhân ông Navalny mà Đức cùng EU quan tâm đến lợi ích địa chính trị và kinh tế của chính họ. Căng thẳng rồi sẽ qua đi khi hai bên tìm được tiếng nói chung, vì suy cho cùng cả Đức và EU không thể sống thiếu Nga trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đức - Nga với dòng chảy phương Bắc II