Truyền thông Đức vừa đưa tin, Đức và Mỹ đã bác bỏ việc sớm công nhận chính phủ lâm thời ở Afghanistan mà Taliban mới công bố.
Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Berlin không đưa ra khung thời gian cho việc khôi phục sứ mệnh ngoại giao ở Kabul, nhấn mạnh vấn đề này đang được thảo luận với các đối tác quốc tế, trong đó vấn đề chính là việc công nhận ngoại giao đối với phong trào Taliban.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp của khoảng 20 nước, Ngoại trưởng Đức Maas nhấn mạnh: "Tôi không thể nói khi nào một thời điểm cụ thể sẽ được đưa ra (cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao). Tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đến nay đã đàm phán với Taliban. Nếu chúng tôi không làm điều đó thì sẽ không thể đưa ra ngoài (Afghanistan) các công dân Đức, các nhân viên người Afghanistan và đại diện các nhóm dễ bị tổn thương khác".
Ngoại trưởng Đức cũng cho biết Berlin đang thảo luận với các đối tác quốc tế về sự hiện diện ngoại giao ở Afghanistan. Ông Maas nói: "Chúng tôi không cho là đúng khi mọi người làm những gì họ muốn. Đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi tổ chức cuộc họp hôm nay. Chúng tôi muốn có sự phối hợp quốc tế".
Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh Berlin dự kiến tiếp tục đưa những người cần được bảo vệ ra khỏi Afghanistan do các công dân Đức, nhân viên bản địa từng làm việc cho các cơ quan và tổ chức của Đức vẫn đang ở Afghanistan, do vậy các cuộc đàm phán với Taliban sẽ vẫn được thực thi bất kể có công nhận ngoại giao hay không.
Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh Afghanistan sẽ không thể ổn định nếu thiếu sự ủng hộ của quốc tế, cho rằng sự cô lập không phải là điều Taliban hay nhân dân Afghanistan mong muốn. Theo ông, một quốc gia với nến kinh tế bị phá huỷ gần như hoàn toàn sẽ không bao giờ có thể ổn định. Ông nêu rõ, cộng đồng quốc tế đang rất quan ngại về các diễn biến ở Afghanistan, nơi có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Do vậy, theo Ngoại trưởng Maas, cộng đồng quốc tế cần phải nhanh chóng hỗ trợ nhân đạo cho người dân quốc gia Tây Nam Á này, chủ yếu thông qua Liên hợp quốc, bởi đó không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là sự ổn định của khu vực. Berlin cũng hy vọng Taliban sẽ không can thiệp vào kế hoạch mở sân bay Kabul cho mục đích này. Chính phủ Đức cũng mong muốn, cùng với việc hoàn thiện chính phủ, Taliban cần gửi đi các thông điệp cần thiết đối với cộng đồng quốc tế.
Theo truyền thông Đức, Đức và Mỹ đã bác bỏ việc sớm công nhận chính phủ lâm thời ở Afghanistan mà Taliban mới công bố. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Taliban cần tìm kiếm sự hợp pháp quốc tế thông qua hành động của họ, và việc này không thể có ngay một sớm một chiều, không chỉ thông qua lời nói. Ngoại trưởng Mỹ và Đức đồng thời chỉ trích thành phần nội các tương lai ở Kabul.
Theo Ngoại trưởng Maas, tuyên bố về một chính phủ chuyển tiếp không có sự tham gia của các nhóm khác và tình hình bạo lực nhằm vào những người biểu tình và nhà báo ở Kabul không phải là những tín hiệu lạc quan. Ông Blinken cũng chỉ trích thành phần nội các tương lai chỉ dành cho các thành viên Taliban hay đồng minh thân cận mà không có phụ nữ. Bên cạnh đó, theo ông, những liên hệ và quá khứ của một số thành viên chính phủ tương lai cũng là điều đáng lo ngại.
Các tuyên bố này được đưa ra khi Taliban ngày 7.9 công bố thành phần chính phủ lâm thời gồm 33 thành viên, trong đó không có phụ nữ và không có người nào thuộc các tổ chức chính trị khác. Phương Tây kêu gọi Taliban cần lập một chính phủ bao trùm, không chỉ có người của phong trào này. Liên minh châu Âu (EU) coi đây là điều kiện cho các hành động tiếp theo, như việc nối lại hỗ trợ phát triển cho Afghanistan.
Cuộc họp báo nêu trên được tiến hành sau khi hai ngoại trưởng Đức và Mỹ tiến hành họp trực tuyến từ căn cứ Ramstein của Mỹ ở Đức với những người đồng cấp từ khoảng 20 nước để thảo luận về vấn đề Afghanistan. Lực lượng quốc tế đã rời khỏi Afghanistan sau gần 20 năm làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng an ninh sở tại và tham gia công tác hỗ trợ phát triển. Mỹ và Đức là những nước đóng góp quân lớn nhất ở Afghanistan.
Theo TTXVN