Đức ngày 30.3 đã nâng mức báo động khẩn cấp về khí đốt do ngày càng lo ngại rằng Nga có thể cắt nguồn cung nếu các nước phương Tây cùng từ chối yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.
Đồng ruble của Nga
Đức ngày 30.3 đã nâng mức báo động khẩn cấp về khí đốt do ngày càng lo ngại rằng Nga có thể cắt nguồn cung nếu các nước phương Tây cùng từ chối yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.
Sau khi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) từ chối yêu cầu của Nga, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, tại cuộc họp báo cùng ngày, cho biết ông đã đưa ra “cảnh báo sớm” đầu tiên trong thang cảnh báo khẩn cấp ba mức, theo đó thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng trong bộ để theo dõi tình hình.
Ông Habeck khẳng định đây là biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an ninh nguồn cung khí đốt ở Đức. Ông nói: “Hiện chưa có sự tắc nghẽn nào về nguồn cung. Tuy nhiên, chúng tôi phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt.”
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Habeck cho biết, dự trữ khí đốt hiện ở mức 25% công suất và việc ngừng giao hàng từ Nga có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Với việc tuyên bố mức cảnh báo sớm, hiện nhóm xử lý khủng hoảng đang phân tích và đánh giá tình hình để trong trường hợp cần thiết, có thể thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường an ninh nguồn cung. Chính phủ liên bang đang nỗ lực hết sức để tiếp tục đảm bảo an ninh cho nguồn cung ở Đức.
Trước đó, Điện Kremlin tái khẳng định thông báo của Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), sau khi nước này phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, ngày 28.3, Đức và các nước G7 khác cùng cho rằng yêu cầu này là không thể chấp nhận được và vi phạm các thỏa thuận hiện có.
Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga cho nhu cầu năng lượng, với 55% nguồn cung từ Nga trước thời điểm xảy ra xung đột với Ukraine. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Đức đã đẩy nhanh các kế hoạch cắt giảm khí đốt của Nga và đa dạng hóa nguồn cung.
Theo TTXVN