Dựa vào dân để làm đường

03/04/2013 09:14

Để xây dựng NTM, thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ (Kim Thành) đã biết dựa vào dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, huy động sức dân cả người đi xa, ở gần.



Một đoạn đường ở Kỳ Côi được mở rộng tới 7 m

Huy động hàng tỷ đồng tài trợ

Nhìn những con đường bê-tông phẳng lỳ, rộng từ 3-6 m trải dọc các ngõ, xóm ở thôn Kỳ Côi, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi cách đây chưa lâu hầu hết đường thôn đều có chiều rộng chưa đầy 1 m. Trưởng thôn Nguyễn Đức Thanh cho biết: “Thành quả ấy, ngoài đóng góp của nhân dân còn có sự góp sức không nhỏ của các “Mạnh Thường Quân” là con em quê hương. 5 năm trở lại đây, thôn Kỳ Côi đã thu hút được hơn 2 tỷ đồng từ các nhà tài trợ để làm đường giao thông, tôn tạo nhà văn hóa, đình, chùa và một số công trình khác. Trong đó có gia đình ủng hộ tới hơn 1 tỷ đồng như gia đình anh Đoàn Văn Bình quê ở xóm 4. Một số gia đình ủng hộ từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng như gia đình ông Trịnh Khắc Bóng, anh Nguyễn Văn Bình, anh Nguyễn Văn Ngát...” . Khi được hỏi, “bí quyết” nào  để hút được nguồn đầu tư nhiều như vậy, anh Thanh chia sẻ: “Điều quan trọng là thôn phải đưa ra các chủ trương hợp lòng dân, được nhân dân đồng thuận thực hiện. Việc sử dụng nguồn tài trợ phải đúng mục đích, công khai, minh bạch. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu nảy sinh vướng mắc, khó khăn, cán bộ lãnh đạo thôn chủ động phối hợp với các đoàn thể hoặc đề nghị cấp trên kịp thời vào cuộc giải quyết để người tài trợ thực sự yên tâm. Sau mỗi công trình, thôn đều đề nghị UBND xã cấp bằng ghi nhận đóng góp của các nhà tài trợ”.

Thôn Kỳ Côi đã được công nhận danh hiệu làng văn hóa cách đây 10 năm. Hầu hết đường thôn, xóm đều đã được nhựa và bê-tông hóa, nhưng mặt đường đa số chỉ rộng 90 cm và dày 10 cm. Vì vậy, để nhân dân đồng thuận với việc mở rộng đường, tôn tạo các công trình chung, thôn tập trung tuyên truyền về việc giữ vững và nâng cao chất lượng làng văn hóa, thiết thực hưởng ứng chương trình quốc gia xây dựng NTM. Đối tượng được tuyên truyền, vận động trước hết là người dân địa phương. Hình thức tuyên truyền cũng rất phong phú. Đội ngũ cán bộ thôn Kỳ Côi còn tranh thủ tuyên truyền, vận động nhân dân khi sinh hoạt các tổ liên gia vào dịp cuối năm. Hội làng Kỳ Côi hằng năm cũng là dịp để cán bộ thôn, xóm gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và khích lệ con em quê hương góp sức, chung tay kiến thiết thôn, xóm.

Anh Đoàn Văn Bình, hiện cư trú tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), người đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng làm 5 tuyến đường xóm và hỗ trợ xây dựng một số công trình cho thôn Kỳ Côi, cho biết: “Sinh ra và lớn lên tại thôn Kỳ Côi, tôi thấu hiểu những cực nhọc mà người dân nơi đây từng trải qua vì đường sá lầy lội, kinh tế khó khăn. Mỗi lần về thăm quê, nghe bà con trong thôn, nhất là nghe cán bộ thôn, xóm nói về chủ trương xây dựng NTM, tôi đều tự nhủ “phải làm việc gì đó cho quê hương”. Bởi vậy,  khi làm ăn phát đạt, nơi tôi nghĩ đến đầu tiên là thôn, xã của mình”. Ngoài hỗ trợ kinh phí cho thôn Kỳ Côi, anh Bình còn hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để xây dựng sân khấu cho xã Tam Kỳ, xây dựng một số tuyến đường cho xã Cẩm La, ủng hộ xây dựng nhà cho người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội khác của xã và huyện Kim Thành. Cũng như anh Bình, nhiều con em khác của quê hương đều nhiệt tình góp sức để diện mạo Kỳ Côi ngày một khang trang, sạch đẹp.

Kết hợp với “nội lực”


Không chỉ dựa vào nguồn tài trợ, thôn Kỳ Côi còn phát huy nội lực, dựa vào sức mạnh toàn dân để xây dựng đường nông thôn. Việc vận động được tiến hành theo từng nhóm liên gia. Mỗi nhóm đảm nhận một đoạn đường. Nơi nào có cán bộ thôn, xóm thì cán bộ tham gia vận động, nơi không có cán bộ thì người có uy tín nhất của nhóm liên gia được mời tham gia. Nhân dân thành lập các tổ giám sát cộng đồng, đóng góp kinh phí và ngày công lao động, tự làm và tự quản các con đường của mình. Lãnh đạo thôn đứng ra đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí hoặc vận động tài trợ (nếu có). Vì vậy, sau khi hoàn thành các công trình, không xảy ra tình trạng nợ đọng các khoản đóng góp. Nhiều đoạn đường sau khi xây dựng và làm hệ thống thoát nước bằng bê-tông, nhân dân chủ động quét dọn vệ sinh hằng tuần, giữ cho đường làng luôn phong quang, sạch đẹp. Những đoạn đường có người tài trợ kinh phí, nhưng phải mở rộng, thôn vận động nhân dân tình nguyện hiến đất. Nhờ cách làm này, chỉ riêng  tháng  2 - 2013, Kỳ Côi đã mở rộng 11 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1 km bằng bê-tông, có đoạn mặt đường được mở rộng tới 7 m, tổng kinh phí nhân dân đã đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng. Có hơn 10 hộ tham gia hiến 40 m2 đất và tháo dỡ tường bao, cổng. Cùng với các tuyến đường đã làm trước đó, đến nay, 90% trong tổng số hơn 12 km đường của thôn Kỳ Côi đã được bê-tông hóa với bề rộng mặt đường từ 3 m trở lên. Những tuyến còn lại, tiếp tục được các nhóm liên gia đăng ký làm trong tháng 3 và những tháng tiếp theo.

Đồng chí Hoàng Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tam Kỳ cho biết: Nhờ biết dựa vào dân, lấy sức dân để lo cho dân, thôn Kỳ Côi đã 10 năm liền giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Trong khi toàn xã mới có hơn 60% đường xóm và 76% đường thôn đạt tiêu chí NTM, thì Kỳ Côi đã đạt 90%. Không chỉ xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng, Kỳ Côi còn thu hút được nguồn xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Cách làm của Kỳ Côi cũng đang được nhân rộng ở các thôn khác trong xã với mục tiêu sớm hoàn thành các tiêu chí của xã NTM.

NGUYÊN ANH

(0) Bình luận
Dựa vào dân để làm đường