Thời gian gần đây, hiện tượng cây dưa lê bị bệnh, vàng lá và chết rũ trong khi sắp cho thu hoạch khiến người trồng dưa trong tỉnh điêu đứng.
Người dân thôn Ðoàn Xá, xã Tân Quang (Ninh Giang) thu gom những quả dưa còn sót lại sau khi cây chết
Nhìn ruộng dưa trước đây xanh tốt giờ đã vàng úa hết, quả héo, chị Vũ Thị Lành ở thôn Thái Thạch, xã Hùng Sơn (Thanh Miện) than thở: “Không chỉ một mình tôi mà hầu như cả làng trồng dưa lê đều bị như thế. Năm ngoái, giá dưa đã rẻ, nông dân được mùa cũng chẳng thu được bao nhiêu. Năm nay dưa lại chết hết thì lấy đâu bù giống, vốn?”.
Tháng 2 vừa qua, gia đình chị Lành trồng 4 sào dưa lê. Lúc đó dưa bị chết vài khóm do ảnh hưởng của thời tiết, chị trồng dặm lại. Nhưng được hơn 1 tháng trở lại đây, cây bắt đầu bị vàng lá, nứt thân. Khi nhổ lên, gốc cây bị thối. Chị Lành đã dùng nhiều biện pháp, thay đổi nhiều loại thuốc trừ sâu nhưng vẫn không có tác dụng.
Ông Phạm Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết toàn xã có hơn 2 ha dưa lê, tập trung ở thôn Thái Thạch. Khoảng 80% diện tích dưa lê đã chết.
Gia đình anh Phạm Quang Văn ở thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) trồng 5 sào dưa lê, đến nay một nửa diện tích đã chết. “Quả bé nhất cũng bằng cái chén, quả to thì sắp được thu hoạch. Năm ngoái mỗi sào dưa lê, tôi thu được hơn 7 tạ, năm nay chắc chỉ còn vài chục kg/sào. Cứ đà này thì mất cả công lẫn vốn”, anh Văn buồn rầu nói.
Ở cánh đồng thôn Tứ Kỳ Thượng, nhiều diện tích trồng dưa lê bị héo vàng. Cả xã Ngọc Kỳ có gần 10 ha dưa lê thì 50-60% diện tích đã bị chết.
Ông Vũ Duy Quynh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Quang (Ninh Giang) cho biết cả xã có 10 ha trong tổng số 15 ha dưa lê bị chết, phải trồng lại. HTX phối hợp với Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu thiệt hại.
Theo nhiều nông dân, năm được mùa, mỗi sào dưa lê có thể đạt năng suất 6-7 tạ, cho lãi ít nhất từ 2-3 triệu đồng. Nhưng năm nay mất mùa, người dân lỗ khoảng 1,5-2 triệu đồng/sào dưa.
Ông Đỗ Văn Ánh ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) cho biết, trước đây đồng đất của thôn màu mỡ, rau màu phát triển rất tốt, năng suất cao. Những năm gần đây, kết quả canh tác kém đi do người dân sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, phân bón hoá học... khiến đất cằn cỗi. "Năm ngoái, gần như cả thôn trồng dưa lê đều mất mùa”, ông Ánh nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết vụ này toàn tỉnh trồng hơn 390 ha dưa lê, trong đó huyện Gia Lộc nhiều nhất (khoảng 300ha). Qua kiểm tra cho thấy cây dưa lê chết do nhiễm nhiều loại nấm gây thắt gốc, chết dây, các bệnh nứt thân chảy mủ, phấn trắng, giả sương mai, bọ phấn, bọ trĩ… Thời tiết năm nay phức tạp, nóng lạnh bất thường đã tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển, gây hại cây dưa lê.
BÌNH AN