Đưa học liệu số vào giảng dạy ngày càng trở nên phổ biến và khẳng định được tính ưu việt ở bậc tiểu học.
Bài giảng học liệu số phong phú và hấp dẫn đối với học sinh, giáo viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng - Hà Nội)
Tuy nhiên, việc triển khai học liệu số hiệu quả không chỉ đòi hỏi các nhà trường đầu tư về cơ sở vật chất mà mỗi giáo viên (GV) cũng phải nỗ lực nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, linh hoạt trong quá trình dạy học.
Cô trò hào hứng
Cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sín Chéng (Si Ma Cai - Lào Cai) cho biết: Trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa lớp 1, GV lớp 1 nói riêng và GV các khối đã tích cực đưa học liệu số vào bài dạy trên lớp.
Học liệu số được GV đánh giá tích cực bởi phát huy nhiều ưu điểm, tiện ích hơn so với trang bị các đồ dùng dạy học trong thư viện. Với học liệu số, GV không cần chuẩn bị lách cách trước khi dạy, đăng ký mượn trả. Quan trọng nhất khi đưa học liệu số vào bài dạy là tìm ngữ liệu chưa phù hợp với học sinh (HS) để thay thế trước khi dạy học trên lớp.
Cô Bùi Thị Hường lấy ví dụ: HS chỉ việc nhìn và làm theo hướng dẫn chi tiết trên màn hình. GV không cần hướng dẫn thêm nhiều mà HS vẫn tiếp thu và thực hiện theo bài dạy thuận lợi. Trong quá trình HS làm theo hướng dẫn của học liệu số, GV có thời gian quan sát cả lớp và sửa ngay nếu HS làm chưa đúng.
Năm học 2020 - 2021, 24/25 GV Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sín Chéng triển khai dạy học với học liệu số. Khối 1 có 58 HS/4 lớp tại 4 điểm trường cũng được tiếp cận với cách dạy học này và ghi nhận những tín hiệu tích cực trong quá trình và kết quả học tập.
Cô Nguyễn Hải Yến – GV dạy lớp 1, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: Giảng dạy học liệu số, HS tỏ ra hào hứng với tiết học bởi được tiếp nhận nhiều hình ảnh, màu sắc bắt mắt. Cách thể hiện phong phú khiến HS bị cuốn hút theo bài học, từ đó nhanh chóng tiếp nhận kiến thức, nhớ bài chắc chắn. Đặc biệt, giúp việc soạn giáo án của GV nhẹ nhàng hơn mà còn tối ưu hóa phần viết của người dạy trên lớp.
Cô Đỗ Huyền Trang – GV lớp 1A8 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng cho rằng, học liệu số phù hợp với tiếp nhận của HS, giúp bài giảng phong phú, sinh động, HS dễ quan sát vấn đề ở nhiều phương diện. Sử dụng học liệu số tiện ích, hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảng dạy của GV lớp 1 trong quá trình triển khai Chương trình và SGK lớp 1 mới.
Đầu tư cả nguồn lực lẫn nhân lực
Theo ông Nhâm Tiến Đức – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Si Ma Cai (Lào Cai), việc triển khai học liệu số vào dạy học hiệu quả đòi hỏi các nhà trường phải bảo đảm 2 yêu tố cơ bản là đầy đủ cơ sở vật chất (máy tính, máy chiếu, nối mạng, điện lưới) và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của GV.
Tại Si Ma Cai – dù là vùng khó nhưng 100% trường được đầu tư về đường mạng, máy tính, máy chiếu, đa số GV có máy tính riêng… nên việc triển khai khá thuận lợi. Sắp tới ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường đầu tư hơn nữa để mỗi lớp học có 1 máy chiếu sử dụng riêng. GV khi triển khai học liệu số không phải dùng chung và mất thời gian tháo gỡ lắp đặt.
Thực tế cho thấy, triển khai học liệu số vào giảng dạy phụ thuộc lớn vào điều kiện cơ sở vật chất. Do đó với nhiều trường vùng khó, trường còn hạn hẹp về điều kiện cơ sở vật chất, đây chính là bận tâm lớn. Thậm chí tại nhiều điểm trường vẫn còn tình trạng chưa có điện lưới, không có mạng Internet, dùng điện năng lượng mặt trời… việc sử dụng học liệu số vào dạy học vẫn là mong ước.
Ở một góc nhìn khác, cô Đỗ Thị Mỹ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Thắng (Hoa Lư – Ninh Bình) cho rằng: Triển khai học liệu số trong dạy học để đạt hiệu quả phụ thuộc nhiều vào năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sự đầu tư bài giảng của GV.
“Nếu GV lấy bài giảng từ kho học liệu số xuống dạy cho HS chắc chắn có những ngữ liệu chưa phù hợp với HS. GV cần có sự điều chỉnh, thiết kế, gia công lại ít nhiều cho phù hợp với HS trên lớp về tính vùng miền, ngữ liệu... Tuy nhiên, sự “vất vả” trong việc điều chỉnh học liệu số sẽ giảm dần theo từng năm học bởi sau mỗi năm học bài giảng có sự điều chỉnh sẽ phù hợp hơn. Các năm sau GV chỉ cần giảng dạy hoặc điều chỉnh thì không nhiều…” - cô Đỗ Thị Mỹ nói.
Theo Giáo dục và Thời đại