Đứa con không có tên trong gia phả

21/08/2017 10:07



1.Thằng Bản vốn là đứa trẻ lớn lên bên gốc cây thông. Những người buôn bán lâu năm ở cổng khu di tích Côn Sơn đều biết chuyện đó. Chuyện nó là một đứa con hoang, hơn hai chục năm nay không ai biết cha nó là ai đã là một sự thật, không cần phải đồn đoán gì cả. Người ta chỉ biết mẹ nó tên Nguyệt - một người phụ nữ xinh đẹp, cao ráo, nước da trắng ngần, chẳng kém gì những cô gái đoạt danh hiệu hoa khôi trong các cuộc thi sắc đẹp thời nay. Thế mà đùng một cái có ông cán bộ cao to, bệ vệ đi xe bốn bánh bóng loáng từ Hà Nội về nhận mình là cha nó. Thật không thể tin được. Người ta tò mò đoán già đoán non không biết bà Nguyệt có cho hai cha con thằng Bản nhận nhau không?

*

Hồi trước vì nhà nghèo, bố mất sớm nên học hết cấp hai Nguyệt phải nghỉ để phụ mẹ bán hàng nước, lấy tiền nuôi đứa em trai ăn học. Một lần đi lễ, cô Xuân, chủ quán cà phê Bốn Mùa ngoài thị trấn, tạt vào hàng nước của mẹ con Nguyệt đã tỉ tê rủ Nguyệt ra phố làm thêm ở quán của cô. Tự dưng có người tạo công ăn việc làm cho con gái, mẹ Nguyệt mừng quá đồng ý ngay, bởi ngoài mùa lễ hội bận rộn, tấp nập khách thập phương đi lễ, đi vãn cảnh ở Côn Sơn thì quán hàng ở đây vắng teo, phải kiếm thêm việc khác để có thu nhập.

Ai cũng tưởng con bé Nguyệt đẹp người đẹp nết lấy đâu chả được chồng. Thế mà, đùng một cái bụng Nguyệt phưỡn ra, mang tiếng “chửa hoang”. Cái gã đàn ông bạc tình nào đó đã bỏ của chạy lấy người. Bà mẹ của Nguyệt như phát điên phát rồ, xông đến tận quán của cô Xuân chửi vống lên: “Quân lừa bịp! Sao lại hại đời con gái tôi”. Bà túm áo cô Xuân, gào lên: “Đứa nào? Đứa nào? Cô nói cho tôi biết đi? Tôi sẽ kiện nó”. Cô Xuân đanh mặt lại, giọng tỉnh bơ: “Chị hỏi con gái chị ấy. Dại thì chết”. Nhưng có cạy miệng thì Nguyệt cũng không nói cho mẹ biết tác giả của cái thai trong bụng mình là ai. Bà lôi Nguyệt đến một bà lang nổi tiếng trong vùng để cắt thuốc xổ thai nhưng Nguyệt khóc lóc, van xin: “Con lạy mẹ! Con không uống thuốc ấy đâu. Thà mẹ cho con xin liều thuốc chuột còn hơn”. Bà già hoảng quá, sợ làm căng con gái bà sẽ tự vẫn nên bà đành dỗ dành đưa Nguyệt đến ở nhờ nhà người em gái trên núi cho khuất mắt thiên hạ. Bà tính chừng nào Nguyệt đẻ sẽ mang đứa trẻ đi cho rồi đón Nguyệt về, may ra Nguyệt còn có cơ hội lấy chồng, làm lại cuộc đời. Nhưng Nguyệt chưa sinh con thì bà đã ra đi sau một trận ốm nặng. Nguyệt vác cái bụng chửa vượt mặt về chịu tang mẹ. Nỗi đau đột ngột cộng với những ân hận giày vò khiến Nguyệt cứ ngất lên ngất xuống. Cơn trở dạ ập đến. Nước ối chảy ướt hết hai đùi Nguyệt. Đẻ non, thiếu tháng, chỉ nặng có 2,3 kg nhưng thằng Bản là một đứa trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Dường như biết thân biết phận nên nó chẳng mấy khi ốm đau hay quấy khóc.

Nhìn đứa con đỏ hỏn vô tội, Nguyệt chẳng bận tâm đến những lời đàm tiếu của thiên hạ. Nguyệt bế con về Côn Sơn, tiếp quản hàng nước của mẹ để lại. Cũng vẫn lèo tèo mấy chục cái ghế nhựa, một thùng kem, mấy bịch bim bim, bánh kẹo và đồ hàng mã. Nguyệt sắm thêm cái máy ép nước mía. Chỉ cần thế thôi, hai mẹ con Nguyệt cũng đủ sống qua ngày. Đứa em trai của cô đã học xong, có công ăn việc làm tử tế nên Nguyệt không phải lo cho em nữa.

Dân bán hàng ở Côn Sơn chỉ trông chờ vào hai mùa trong năm: mùa xuân và mùa thu bởi đó là mùa lễ hội. Những dịp ấy, quán nước của Nguyệt rất đông khách. Một mình Nguyệt xoay xở bưng bê, phục vụ. Những hôm phải đi lấy hàng, Nguyệt thả cu Bản vào võng, buộc hai đầu võng vào hai gốc cây thông rồi nhờ mấy bà bán quán xung quanh để mắt, hễ thằng bé khóc thì dỗ hộ. Nhưng thằng Bản lành tính, có khi cả ngày chả ai nghe thấy tiếng khóc của nó bao giờ. Nó lớn dần như cỏ dại, mập mạp, cứng cáp. Chẳng những biết phụ mẹ bán hàng mà hết mùa lễ hội nó còn theo mẹ đi trồng khoai, trồng lạc, lần sờ câu cá, mò cua. Được cái thằng Bản sáng dạ, học hành giỏi giang, năm nào cũng được nhà trường tuyên dương khen thưởng. Mấy người hàng xóm hay xì xèo to nhỏ: “Chắc là thừa hưởng gien của bố nó” mặc dù họ chẳng biết bố nó là ai, mồm ngang mũi dọc thế nào. Mỗi khi thằng Bản hỏi mẹ: “Bố con đâu?” thì nó đều nhận được một câu trả lời duy nhất: “Bố con chết rồi”.

Nhưng bây giờ thì thằng Bản đã được tận mắt nhìn thấy bố nó bằng xương bằng thịt. Hóa ra chẳng phải ai xa lạ mà là ông Hỉ. Ông ấy cũng là người ở vùng này. Hồi phải lòng cô Nguyệt, ông Hỉ đã có vợ và hai đứa con gái. Nhìn bề ngoài ai cũng biết ông Hỉ là người có chức sắc ở huyện, là người đàn ông mẫu mực, đàng hoàng, yêu vợ, thương con. Con đường công danh của ông Hỉ cứ thăng tiến vù vù. Qua mỗi kỳ Đại hội là ông lại được tiến cử lên tỉnh, rồi lên Trung ương. Ông chuyển nhà lên thành phố, rồi lên Hà Nội. Bao nhiêu năm nay ông chỉ lo lắng để giữ được cái ghế ông đang ngồi chứ hơi đâu mà nghĩ đến cô Nguyệt và giọt máu bỏ rơi. Nhưng vừa rồi ông nghỉ hưu, ông “hạ cánh an toàn”, đúng lúc họ Đặng - đứng đầu là cụ Ân - chú ruột của ông giao cho ông biên soạn, chỉnh lý, bổ sung cuốn gia phả của dòng họ. Ông chột dạ, ông đắn đo, mất ngủ mấy đêm liền. Ông quyết định về Côn Sơn một chuyến. Và cái chuyện ông khăng khăng nhận thằng Bản là con mình đã khiến dân vùng này xôn xao cả lên.

2. Mấy hôm nay, bà Xuyến, vợ ông Hỉ khóc sưng cả mắt. Bà vùng vằng, giận dỗi, bỏ ăn và đòi viết đơn ly dị. Chẳng những ông Hỉ không xin lỗi bà, không dỗ dành để bà hạ hỏa mà ông còn gắt gỏng: “Có đời thuở nhà ai già rồi còn đòi ly dị chồng như bà không? Ở đời ai mà chẳng có lúc mắc sai lầm. Mấy chục năm nay tôi đã hết lòng với mẹ con bà còn thế nào nữa. Bà mà tử tế thì thằng Bản nó cũng coi bà như mẹ nó thôi. Tự dưng không đẻ mà có thêm con. Chả sướng thì sao”.

Trước lý lẽ của chồng, bà Xuyến chỉ lặng im, nén nỗi hờn ghen vào lòng. Bà vẫn biết mình yếu thế vì không sinh cho chồng được một mụn con trai để nối dõi tông đường. Ngay từ khi bước chân về làm dâu họ Đặng, bà Xuyến đã biết đó là một dòng họ danh giá, có nhiều người thành đạt, giữ chức nọ quyền kia nhưng rất phong kiến. Tư tưởng gia trưởng ăn sâu vào trong máu của những người đàn ông họ Đặng. Có người vì “máu” đẻ con trai mà sẵn sàng viết đơn tình nguyện xin ra khỏi Đảng, mất quyền, mất chức, bắt vợ sinh tới 7-8 lần, kỳ được thằng "cúng cơm” mới thôi. Kinh tế khó khăn, con cái nheo nhóc, mỗi lần khăn gói lên Hà Nội gặp ông Hỉ nhờ cậy xin việc cho con cái thì lại tỏ ra ngượng ngùng: “Biết khổ thế này, em chả dại đẻ nhiều” rồi vồn vã, khen lấy khen để: “Cứ như hai bác đây lại sướng. Hai cô công chúa đi du học hết. Hai bác lúc nào cũng như vợ chồng son. Thích thật! Hì…hì”. Những khi như thế, ông Hỉ chỉ cười gượng. Bà Xuyến tinh ý nên cũng nhận thấy nỗi niềm bấy lâu nay mà chồng bà không nói ra.

Vốn là người phụ nữ sắc sảo, khôn khéo, có công hậu thuẫn trong con đường thăng tiến của ông Hỉ nên ngay khi biết chồng có quan hệ ngoài luồng với một cô gái trẻ, bà đã tìm cách đẩy ông đi xa, vừa giữ được thanh danh cho chồng vừa giữ được hạnh phúc gia đình. Bà cứ tưởng chồng mình cũng giống nhiều người đàn ông khác “thèm của lạ” nên chỉ “bóc bánh trả tiền”, không ngờ sau ngần ấy năm, ông thú nhận với bà rằng ông có con riêng làm bà choáng váng. Ông còn đòi công khai nhận thằng Bản trước cả họ Đặng, để điền tên nó vào gia phả một cách đường đường chính chính, để bù đắp những thiệt thòi của nó suốt hơn hai mươi năm qua. Không biết làm thế nào để ngăn chuyện đó lại, bà Xuyến gọi điện cho hai cô con gái đang ở Ca-na-đa để tìm đồng minh nhưng kết cục bà chỉ nhận được mấy lời an ủi: “Mọi chuyện đã lỡ rồi. Mẹ đừng già néo đứt dây. Bây giờ mà mẹ đòi ly dị thì chẳng khác nào đẩy bố con đến với người đàn bà kia”. Nghĩ đi nghĩ lại, bà Xuyến thấy con gái khuyên có lý nên không làm mình làm mẩy đòi ly dị nữa nhưng “chiến tranh lạnh” giữa hai ông bà vẫn chưa có hồi kết.

3. Từ hôm ông Hỉ xuất hiện, Bản cứ trách mẹ: “Sao mẹ lại giấu con? Sao mẹ bảo bố con chết rồi?”. Bà Nguyệt ngân ngấn nước mắt: “Thực sự mẹ cũng chẳng biết ông ấy ở đâu”. Trong thâm tâm, bà nghĩ hồi xưa mình dại thì mình phải gánh chịu hậu quả chứ biết bắt đền ai. Chẳng lẽ lại đi tìm ông ấy để phá nát hạnh phúc gia đình nhà người ta. Ngay lúc này đây, bà Nguyệt vẫn không đồng ý cho ông Hỉ nhận con, mặc dù bà biết Bản rất muốn điều đó. Từ bé đến giờ Bản luôn nghe lời mẹ nên trong chuyện này anh để mẹ quyết định.

Sau hôm Bản dẫn bạn gái về ra mắt và rục rịch nhắc chuyện cưới xin, bà Nguyệt suy nghĩ nhiều lắm. Mấy tháng nay, từ khi ông Hỉ xuất hiện, tha thiết cầu xin bà cho ông nhận con với lời hứa hẹn: “Tôi sẽ lo cho nó bằng chị bằng em. Xin bà đừng chia cắt tình phụ tử như thế”, bà Nguyệt vẫn nhất mực từ chối: “Ông nói thì hay lắm nhưng hơn hai mươi năm qua tôi vẫn tự lo cho con tôi đàng hoàng đấy thôi. Ông hãy để mẹ con tôi được yên”. Ông Hỉ ra sức van vỉ, thanh minh: “Tôi xin bà! Ngày ấy tôi không hề biết...”. Bà Nguyệt cắt ngang: “Nếu có biết ông cũng chẳng bận tâm vì con đường quan lộ của ông đang thênh thang mà. Nếu thằng Bản là con gái, liệu ông có nhận nó không?”. “Bà đừng trách tôi nữa. Hãy để tôi chuộc lỗi bằng cách đứng ra tổ chức đám cưới cho con. Bà nhà tôi cũng muốn làm việc đó. Hai chị của nó bên Ca-na-đa cũng sẽ về”.

Nghĩ đến ngày vui của con, nghĩ đến một đám cưới long trọng, có sự hiện diện của bố mẹ hai bên gia đình, xóa đi cái mặc cảm "đứa con hoang” mà Bản tủi thân bao nhiêu năm nay, nó sẽ có chị có em và cả một tương lai rạng ngời phía trước, bà Nguyệt cứ đắn đo, chần chừ.

Mười người biết chuyện thì cả mười người đều khuyên bà Nguyệt chấp nhận chuyện đó bởi “lá rụng về cội”. "Giả dụ cha thằng Bản không phải là một người đàn ông thành đạt, giàu có như ông Hỉ mà nghèo túng, ốm đau, què quặt thì bà Nguyệt cũng vẫn phải để Bản nhận cha" - mấy bà bán hàng nước xung quanh bảo thế. Họ còn xuýt xoa: “Cái bà vợ ông ấy cũng thật là khôn ngoan, quả là có tầm nhìn xa trông rộng, vừa giữ được chồng, lại có thêm con và được tiếng với họ hàng, làng nước”.

Cuối cùng bà Nguyệt cũng chấp nhận lui vào "hậu trường" để ông Hỉ và bà Xuyến đứng ra lo liệu, tổ chức đám cưới cho thằng Bản. Làm như vậy khiến họ nhà gái đỡ xì xèo bàn tán mà đám cưới lại được đàng hoàng, trọng thể.

4. Thắp ba nén nhang lên bàn thờ gia tiên, ông Hỉ trình bày về nguồn gốc đứa con riêng chưa có tên trong gia phả họ Đặng với cụ Ân. Ông cụ nhìn người cháu ruột không chớp mắt, chòm râu bạc trắng như cước khẽ rung lên. Ông Hỉ không hiểu thái độ lặng im ngồi khoanh tròn trên sập gụ của ông chú là có ý gì. Chẳng lẽ ông cụ sửng sốt đến nỗi ngồi im như pho tượng thế kia sao? Bao nhiêu năm nay, từ khi cha mất, có chuyện to chuyện nhỏ gì ông Hỉ cũng thông qua ông chú ruột của mình. Và trong dòng họ Đặng hễ có chuyện gì thì ông Hỉ cũng được cụ Ân cùng bàn bạc, hỏi ý kiến. Chẳng gì ông Hỉ cũng là cán bộ cấp Trung ương, một lời nói của ông có trọng lượng bằng hàng trăm lời nói của người khác nên ai cũng vị nể.

- Thưa chú! Cháu muốn xin ý kiến của chú. Chú là người có quyền quyết định việc này - ông Hỉ lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng.

Sau một hồi suy nghĩ, cụ Ân dứt khoát:

- Không được! Việc anh nhận con là việc của anh. Nhưng cho vào gia phả thì không.

Đến lượt ông Hỉ sửng sốt:

- Sao lại không hả chú? Thằng Bản là con cháu, mang huyết thống của họ Đặng thì tại sao lại không được?

Cụ Ân ôn tồn giải thích:

- Tôi cứ tưởng anh đi ra ngoài, học nhiều, hiểu rộng, quyền cao chức trọng mà hóa ra anh chả hiểu gì cả. Gia phả họ Đặng phải là nơi để con cháu nhìn vào mà làm gương, sống cho mẫu mực, giữ gìn nhân cách chứ không phải là nơi để khuyến khích chuyện vợ nọ con kia. Thôi thì, việc đã trót, anh cư xử sao cho có tình có nghĩa để vẹn cả đôi đường, vừa giữ được nếp nhà mà con cái nó cũng không hận.

Ông Hỉ ngẩn mặt ra, bề ngoài thì "Vâng" nhưng trong lòng vẫn nhiều day dứt. Ông cứ nghĩ chú ông sẽ mừng lắm khi biết ông có con trai để nối dõi tông đường, sẽ ủng hộ ông đưa tên thằng Bản vào gia phả họ Đặng. Nào ngờ... Ông tự thấy xấu hổ trước lỗi lầm mình gây ra nên không dám mở miệng xin xỏ ông chú thêm một lần nữa. Ông biết bây giờ mình có nói thế nào đi chăng nữa thì cũng không làm cho cụ Ân suy suyển.

Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đứa con không có tên trong gia phả