Nhiều người ăn trúng dưa chuột vị đắng và lo ngại liệu có phải do dưa chuột nhiễm hoá chất hay không?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, dưa chuột chứa rất ít calo, nhưng lại có nhiều kali, trong 100 gam dưa chuột có tới 147 mg kali. Loại quả này chứa rất nhiều nước, lên đến 95%, nên khi ăn sẽ cung cấp độ ẩm, giúp cơ thể giải độc tốt. Ngoài ra dưa chuột không chứa chất béo hoặc cholesterol, vỏ dưa chuột có nhiều chất xơ, giúp chống táo bón, bảo vệ đường ruột.
Với thành phần dinh dưỡng đa dạng, dưa chuột tác dụng tốt đối với sức khỏe như giảm triệu chứng ợ nóng và giải nhiệt.
Dưa chuột là loại quả có quanh năm, được bày bán ở mọi nơi và có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng ta có thể dùng ăn sống, làm salad, muối chua hoặc nộm, uống nước ép… Với bất kể cách chế biến nào, dưa chuột nếu ăn đúng cách, khoa học đều mang lại giá trị dinh dưỡng cho cơ thể.
Dưa chuột xuất hiện thường xuyên trong bữa ăn nhờ những lợi ích của nó mang lại. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ chia sẻ băn khoăn khi mua phải dưa chuột bị đắng và lo sợ có phải là tồn dư hoá chất hay không.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia về Công nghệ thực phẩm) cho biết, dưa chuột ăn bị đắng không phải do còn tồn dưa hóa chất, mà đó là cơ chế tự bảo vệ của dưa chuột để tránh côn trùng xâm hại.
"Đa số dưa chuột hay bị đắng phần đầu quả", ông Thịnh nói và cho biết vị đắng của dưa chuột là do chất cucurbitacin được tiết ra, với liều lượng nhỏ thì không có hại, ngược lại sẽ giúp lợi tiểu và tốt cho cơ thể.
Ông Thinh giải thích nếu hóa chất còn trên quả dưa chuột, đến khi chế biến thành món ăn mà vẫn cảm nhận được cả mùi và vị của hóa chất thì chắc chắc sẽ bị ngộ độc cấp tính.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cũng chia sẻ, dưa chuột có vị đắng không phải tàn dư hoá chất. Tuy nhiên, bác sĩ Hưng khuyến cáo không nên ăn nhiều dưa chuột có vị đắng, ngoài làm bữa ăn mất ngon thì cũng có thể gây hại cho sức khỏe, bởi ăn thực phẩm có chứa nhiều chất cucurbitacin có thể gây ngộ độc. "Dưa chuột nếu bị đắng nhiều thì không nên ăn để đảm bảo an toàn", bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ Hưng cho biết thêm, dù dưa chuột nhiều tác dụng cho cơ thể như làm đẹp da, giúp giảm cân vì lượng calo thấp, giúp lợi tiểu vì chứa nhiều nước nhưng không nên ăn nhiều.
Khi ăn nhiều sẽ dẫn tới tình trạng khó tiêu, đặc biệt ăn buổi tối sẽ đi tiểu nhiều, có thể khiến cơ thể bị mất nước. Việc thanh lọc cơ thể liên tục cũng khiến cơ thể bị suy kiệt khiến chúng ta có cảm giác mệt mỏi.
Ăn dưa chuột quá nhiều có thể dẫn tới dư thừa kali bởi dưa chuột cũng là nguồn cung cấp kali dồi dào. Tăng kali máu là một dạng triệu chứng bệnh lý phát sinh do sự hiện diện của hàm lượng kali cao trong cơ thể, dẫn tới đầy hơi, đau bụng.
Các chuyên gia khuyến cáo những người bị suy thận không nên ăn nhiều dưa chuột, trong dưa chuột chứa nhiều kali không tốt với chức năng của thận. Đặc biệt, nếu bạn ăn nhiều dưa chuột quá cũng khiến lượng kali trong cơ thể tăng lên không tốt cho hệ tim mạch.
Người bị viêm xoang hay các bệnh hô hấp nên hạn chế ăn dưa chuột trong thực đơn vì các hiệu ứng làm mát của loại rau củ này có thể khiến các biểu hiện bệnh của bạn thêm trầm trọng.
Những người có cơ địa dị ứng không nên ăn dưa chuột. Dị ứng dưa chuột thường xuất hiện ở khoang miệng, với các triệu chứng như ngứa và sưng trong miệng.
Những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm không nên ăn nhiều dưa chuột. Chất cucurbitacin trong dưa chuột rất khó tiêu sẽ khiến bạn bị đầy hơi và phù nề do cơ thể đang cố loại thải các độc tố bằng cách tống đẩy lượng khí gas tích tụ bên trong ra ngoài.
Theo VTC