Trong không khí người người, nhà nhà háo hức chờ đón sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nhà hát Chèo Hải Dương tổ chức biểu diễn lưu động vở “Biên giới mùa thu ấy” ở 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Một cảnh trong vở “Biên giới mùa thu ấy”
Dù trời mưa nhưng hội trường nhà văn hóa trung tâm xã Cao An (Cẩm Giàng) vẫn chật kín người xem. Ông Nguyễn Văn Cương, 70 tuổi ở xã Cao An chia sẻ: "Nhận được tin đoàn về diễn phục vụ nhân dân, dù mưa chúng tôi vẫn đến cổ vũ, cũng rất lâu rồi mới có một vở chèo đến được với đông đảo người dân".
Có lẽ cùng suy nghĩ như ông mà đến nay 7 suất diễn của đoàn ở cơ sở, đêm nào hội trường cũng chật kín người xem. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Mạnh Thắng, diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương - người thủ vai Bác Hồ, cũng là vai chính xuyên suốt vở cho biết diễn 7 đêm liền cũng mệt nhưng vui bởi hiệu ứng tốt sau mỗi buổi tăng lên, người dân truyền tai nhau đến xem đông hơn. Sau đêm diễn, người dân còn nán lại muốn chụp ảnh chung với “Bác Hồ”.
Vở “Biên giới mùa thu ấy” của soạn giả Trần Đình Ngôn, lấy bối cảnh sự kiện mùa thu năm 1950, khi quân ta đang chuẩn bị chiến dịch Biên giới, giải phóng các tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn. Bác Hồ đã tới thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những người quê Hải Dương.
Dù trời mưa nhưng nhà văn hóa trung tâm xã Cao An vẫn chật kín người xem
Không chọn đi sâu phản ánh trực diện chiến tranh, vở tập trung khai thác tình cảm của Bác với chiến sĩ, đồng bào. Người xem đã xúc động với cảnh các chiến sĩ chia nhau từng tấm bánh, điếu thuốc Bác cho... Nhưng cao trào nhất phải kể đến chi tiết Bác mệt nhiều ngày, cấp dưỡng nấu món canh cá để Bác ăn ngon miệng nhưng khi biết đó là món cá anh vũ, một loài cá quý hiếm mà các chiến sĩ mất rất nhiều công sức mới có được thì Bác nhất quyết không ăn. Chân dung vị lãnh tụ của dân tộc giàu tình thương hiện lên một cách mộc mạc, dung dị khiến nhiều người đã không cầm được nước mắt.
Ngoài kịch bản tốt, cái được của vở chèo là chọn đề tài chính luận nhưng không quên cài cắm những chi tiết rất đời thường, cách sắp đặt các phân cảnh hợp lý, giúp người xem luôn trong trạng thái háo hức khi được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Lời thoại với làn điệu chèo truyền thống được kết hợp hài hòa, không gây nhàm chán mà còn ngầm giới thiệu được đặc sản “chiếng chèo xứ Đông”.
NSƯT Tiến Hợi (Nhà hát Kịch Hà Nội) - người cố vấn hình tượng Bác Hồ cho vở nhận xét: Trong bối cảnh khan hiếm kịch bản về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh thì việc tác giả Trần Đình Ngôn dám lựa chọn, dám viết và Nhà hát Chèo Hải Dương dám dựng đã là một nỗ lực đáng ghi nhận. “Làm về đề tài Bác Hồ cực khó, trong nghệ thuật chèo lại càng khó, nhưng tôi thấy đây là vở tốt. Đặc biệt, nghệ sĩ Mạnh Thắng thể hiện hình tượng Bác Hồ khá đạt, từ chất giọng đến cử chỉ, dáng dấp, phong cách”, NSƯT Tiến Hợi nói.
PHÚC MINH