Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa nhiều cây, con giống mới vào sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực...
Nghiệm thu đầu bờ mô hình trình diễn lúa BIO 404 tại xã Hồng Thái (Ninh Giang)
Gia đình ông Vũ Văn Lực ở thôn Quàn, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) có 1 mẫu ruộng. Các vụ lúa trước đây, ông cấy các giống thông thường như Khang dân, Q5... Từ vụ chiêm xuân vừa qua, gia đình ông được lãnh đạo thôn vận động cấy 4 sào giống BIO 404. Ông Lực cho biết: "Lúc đầu, tôi cũng không hào hứng lắm vì đây là giống mới nên không biết năng suất, chất lượng thế nào, có phù hợp với đồng ruộng, bị sâu, bệnh hay không?... Tuy nhiên, qua thời gian cấy thử nghiệm, tôi thấy, tỷ lệ nảy mầm của hạt giống đạt 99%. BIO 404 có khả năng đẻ nhánh nhanh, đều. Nếu trước đây, mỗi khóm lúa tôi phải cấy từ 2-3 dảnh mạ thì nay chỉ cần cấy 1 dảnh. Tôi chăm bón theo đúng hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) nên lúa không bị sâu bệnh, không bị đổ. Mỗi bông trung bình đạt trên 210 hạt, tỷ lệ hạt chắc 80%. Mỗi sào BIO 404 đạt từ 3,2 - 3,5 tạ, cao hơn từ 30-50 kg so với những giống lúa khác đang gieo cấy.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết: Minh Đức là một trong 5 xã của huyện Tứ Kỳ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1. Khi Sở KHCN có ý định đưa giống BIO 404 vào sản xuất thử nghiệm, xã đã chọn thôn Quàn làm điểm. Đây là giống ít sâu bệnh, thích nghi tốt đặc điểm đồng đất địa phương. Năng suất lúa đạt khá cao, trung bình 2,9 tạ/sào, có gia đình đạt đến 3,5 tạ/sào.
Thực hiện chương trình ứng dụng tiến bộ KHCN cho những xã NTM, xã Bình Xuyên (Bình Giang) chọn 6 hộ nuôi thử giống vịt Super M3. Các hộ được cung cấp 500 con vịt giống với mức hỗ trợ 7.500 đồng/con giống, 8.000 đồng/con tiền thức ăn và 4.000 đồng/con tiền thuốc thú y. Sở KHCN tổ chức tập huấn cho 6 hộ tham gia nuôi thử nghiệm và 50 hộ chăn nuôi khác trong xã. Hằng tuần, cán bộ của Sở KHCN đều về kiểm tra, đánh giá mức độ tăng trưởng, tình hình dịch bệnh của đàn vịt. Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau gần 2 tháng, vịt được xuất chuồng, trọng lượng trung bình đạt từ 2,8-3,1 kg/con, giá bán từ 33 - 40 nghìn đồng/con. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 1-1,5 triệu đồng/đàn.
Thực hiện “Chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng NTM giai đoạn 2012-2015”, tỉnh đã xây dựng 12 đề tài, dự án với tổng kinh phí khoảng 107 tỷ đồng (năm 2012 có kinh phí 4 tỷ đồng). Chương trình được thực hiện trong 4 năm (từ năm 2012-2015) do Sở KHCN chủ trì với sự tham gia thực hiện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, cùng một số trường đại học, viện nghiên cứu của Trung ương và một số tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Vóc, Phó Giám đốc Sở KHCN, mục tiêu nhằm lựa chọn, ứng dụng, nhân rộng tiến bộ KHCN về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giai đoạn 2012-2015 tăng bình quân 2,6%/năm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng NTM.
Năm 2012, chương trình đã được thực hiện thí điểm ở 20 trong tổng số 58 xã xây dựng NTM giai đoạn 1. Các mô hình được tiến hành gồm: trồng thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, sản xuất các giống lúa, chè, dưa hấu lai Thúy đào 169, cá rô phi lai đơn tính, khoai tây Si-no-ra sạch bệnh, khảo nghiệm các giống lúa kháng rầy, dưa chuột nếp 1, bí xanh, phục tráng và phát triển giống lạc đỏ 3 nhân, trồng ngô không làm đất, tổ chức cho nông dân nuôi thử 14.000 con gà mía lai, 3.000 con vịt Super M3 và 200 đôi chim bồ câu Pháp... Các đề tài, dự án hỗ trợ cho nông dân tham gia 30% tiền cây, con giống, hỗ trợ một phần tiền thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y. Đến nay, các đề tài, dự án đã cho kết quả bước đầu. Nhìn chung, chương trình đã đạt được mục tiêu đề ra, năng suất, sản lượng các cây, con giống đều cao hơn mức trung bình của các loại cây, con giống mà người dân đang nuôi và gieo trồng. Không những thế, những hộ nông dân còn có thêm kiến thức sản xuất, lãnh đạo các địa phương có thay đổi về nhận thức trong việc tiếp nhận và ứng dụng các loại cây trồng, vật nuôi mới. Một số mô hình đã được nhân rộng ra sản xuất đại trà như trồng ngô không làm đất ở Thanh Miện, nuôi gà ri ở Cổ Dũng (Kim Thành)...
Năm 2013, “Chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật và công nghệ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng NTM giai đoạn 2012-2015” được triển khai tại 30 xã, tăng 10 xã so với năm 2012. Các hộ dân tham gia dự án, đề tài sẽ được hỗ trợ 50% thay vì 30% như hiện nay.
THANH HÀ