Tiếng nổ của khối bộc phá nghìn cân rung chuyển đồi A1 góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Ông Hiển giới thiệu bức ảnh chụp Bác Hồ gặp gỡ các chiến sĩ tại Thái Nguyên, trong đó có tổ công binh đào hầm đồi A1
Sau chiến thắng, những người tham gia đưa khối bộc phá vào lòng đồi A1 năm xưa lại trở về cuộc sống bình dị giữa đời thường.
Những ngày máu lửaNhững ngày này, ông Vũ Đức Hiển ở thôn Phù Tải, xã Thanh Giang (Thanh Miện), người chiến sĩ Điện Biên năm xưa lại nhớ về một thời máu lửa. Ông Hiển chính là một trong 25 chiến sĩ của tổ công binh đặc biệt tham gia đào hầm và đưa khối bộc phá nghìn cân vào lòng đồi A1.
Sinh năm 1927 trong một gia đình nghèo, ông Hiển sớm phải đi cày thuê, cuốc mướn cho các gia đình chức dịch trong xã. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia đội du kích thôn. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Hiển xung phong lên đường nhập ngũ, nhưng nhiều lần không được toại nguyện do thiếu cân lại không biết chữ. Năm 1949, ông Hiển lại tiếp tục xung phong và được phân về đơn vị bộ đội công binh. Ông Hiển cho biết, nhiệm vụ của đơn vị là mở đường, bắc cầu vượt sông. Lúc đó, phương tiện máy móc không có, dụng cụ duy nhất của chiến sĩ công binh là cuốc, xẻng, búa chim.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở ra, đơn vị công binh của ông Hiển nhận nhiệm vụ đào giao thông hào phục vụ chiến đấu. Chiến dịch kéo dài bao nhiêu ngày đêm thì bấy nhiêu ngày đơn vị ông sát cánh cùng các đơn vị chiến đấu giành giật với địch từng thước đất.
Ông Hiển nhớ lại: Trong các trận đánh ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì tấn công đồi A1 là dữ dội và khốc liệt nhất. Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng A1 thành ổ đề kháng mạnh với hệ thống hầm ngầm bí mật kiên cố, hỏa lực mạnh. Trận đánh đồi A1 mở màn ngày 31-3-1954. Các đơn vị của ta đã 4 lần phát động tiến công liên tục, song cũng chỉ chiếm được một nửa đồi.
Trước tình hình trên, bộ đội ta đề nghị đào thêm một đường hầm từ trận địa tại đồi A1 tới dưới hầm ngầm, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Kế hoạch được phê duyệt, Đại đội công binh M83 của ông Hiển được giao thực hiện nhiệm vụ này. Ngay lập tức, một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ trong đó có ông Hiển do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy được thành lập đảm nhận trọng trách đào hầm, đặt bộc phá. Tổ 25 người chia thành nhiều nhóm không kể ngày đêm thay nhau đào hầm ngay trước mũi súng quân Pháp. Lúc đó ông Hiển là tổ trưởng tổ tam tam (tổ 3 người). Đêm 20-4, công việc đào hầm ngầm bắt đầu. Để bảo đảm bí mật, ngoài cửa hầm có mái che để ngụy trang, chống lựu đạn và mảnh pháo. Mọi người phải đào trong tư thế ngồi. Đất đồi A1 rất rắn, cả đêm chỉ đào được một đoạn ngắn. Ba hôm mới mở xong cửa hầm. Đất đá đào ra, quân ta phải lấy dù của địch thả xuống khâu thành bao đựng rồi đưa ra ngoài. Được vài hôm, do tiếng động của cuốc xẻng nên địch nghi ngờ. Ở trên đồi chúng thả lựu đạn và thủ pháo xuống khiến 3 chiến sĩ bị thương. Chúng cho máy bay rải truyền đơn và gọi loa địch vận. Đơn vị vẫn tiến hành đào hầm.
Khi đào sâu vào lòng núi được hơn chục mét thì bị thiếu không khí, đèn, đuốc mang vào hầm đều bị tắt. Bộ đội ta phải liên tục thay nhau ra ngoài để thở. Những đồng chí khỏe cũng chỉ có thể vào hầm đào được 15-20 phút. Vừa đào hầm, các chiến sĩ phải dùng la bàn để xác định phương hướng. Để bảo vệ cho kế hoạch đào hầm, đơn vị bộ đội chốt giữ tại đồi A1 lập kế hoạch chiến đấu không cho quân Pháp tấn công xuống. Trên chiến hào, nơi nào thuận lợi có thể quan sát địch đều bố trí lực lượng bắn tỉa để yểm trợ cho công binh đào hầm. Rất nhiều tên địch đã bị hạ khi tìm cách mò ra dò xét. Về sau địch co cụm lại trong công sự, phản kháng bằng cách quăng lựu đạn xuống. Vì đã có kinh nghiệm nên mỗi khi địch thả lựu đạn hay thủ pháo xuống cửa hầm, chiến sĩ ta lại nhặt ném ra ngoài. Ròng rã hơn 10 ngày đêm, cuối cùng đường hầm dài hơn 80 m dẫn lên tận đỉnh đồi đã hoàn thành.
Ông Hiển kể tiếp: Đêm đó, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung gọi tổ đào hầm lại họp. Đồng chí hỏi: “Tấm vải khi vào quân ngũ các đồng chí được phát đâu”. Đây là tấm vải riềm bâu trắng, mỗi người lính được phát để lúc hy sinh sẽ dùng khâm liệm. Đồng chí Khung bảo: Tổ chúng ta được giao nhiệm vụ quan trọng là mang khối bộc phá vào lòng đồi A1. Giờ mọi người hãy dùng vải để gói thuốc nổ đưa vào hầm. Tuyệt đối không được để cho thuốc nổ bị ướt". Khi thuốc nổ được giao đến, tổ ông Hiển chia ra, dùng vải gói chặt lại thành các gói hơn chục cân. Lúc đó đang mùa mưa. Giao thông hào và đường hầm ngập sũng nước. Theo hiệu lệnh, các chiến sĩ cho gói thuốc nổ lên đầu, mắt nhắm, miệng há dò dẫm vào hầm. Cuối cùng số thuốc nổ cũng được vận chuyển an toàn vào trong. Đêm 6-5, khối bộc phá được điểm hỏa. Lúc ấy ở ngoài, các chiến sĩ chỉ nghe thấy ầm một tiếng. Tiếng nổ không to lắm nhưng cảm nhận được sức ép dữ dội. Rồi xung quanh vang dậy tiếng súng nổ và tiếng hô xung phong. Sáng 7-5-1954, lá cờ của ta đã tung bay trên cao điểm A1. Trung tâm đề kháng đặc biệt quan trọng phía đông Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã sụp đổ. Chiều 7-5, tướng Đờ Cát đầu hàng.
Bình dị giữa đời thườngHòa bình lập lại, ông Hiển được cử đi học lái xe. Phục vụ trong quân đội đến năm 1962, ông Hiển xuất ngũ về công tác tại địa phương. Giờ ở tuổi 87, ông Hiển sống với cháu con nơi quê nhà.
Ông bảo vẫn nhớ từng dấu ấn cuộc đời binh nghiệp. Một trong những kỷ niệm không quên là việc ông được kết nạp vào Đảng năm 1953. Ông kể: "Hôm đó, ở Điện Biên Phủ, tôi đang nằm võng thì đồng chí Lẫm chỉ huy đơn vị đến. Đồng chí Lẫm nói: "Hôm nay tổ chức kết nạp Đảng cho cậu". Tôi vừa vui vừa ngạc nhiên. Hôm đó, bên tấm vải dù căng lên làm phông có treo ảnh Các - Mác, Ăng-Ghen và Hồ Chủ tịch, tôi đã vinh dự được nhận tờ quyết định kết nạp Đảng".
Chỉ tấm ảnh đen trắng chụp 3 người và một tấm chụp hơn chục người, ông Hiển cho biết đây chính là tổ tam tam của ông và tổ đặc biệt đào hầm đồi A1 gồm 25 người. Trong đội có 4 người quê Hải Dương. Nhiều người trong tổ đã hy sinh. Chỉ một bức ảnh khác chụp các cán bộ, chiến sĩ vây quanh Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo, ông Hiển nói: "Bức ảnh chụp Bác Hồ gặp gỡ các chiến sĩ tại Thái Nguyên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với chiến công đặc biệt, tổ đào hầm cùng một số đơn vị quân đội khác đã vinh dự gặp Bác". Đến giờ, ông Hiển vẫn không quên những cử chỉ ân cần của Bác khi hỏi han, trò chuyện với cán bộ chiến sĩ.
Người cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa nay đã ở tuổi "xưa nay hiếm". 61 năm tuổi Đảng, ông Vũ Đức Hiển bộc bạch, cuộc đời ông có nhiều thứ để tự hào. Nhưng điều khiến ông tự hào nhất là cả đời cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc.
NGỌC HÙNG