Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động: Người lao động nguy cơ bị thiệt

05/04/2017 05:40

Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động về tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm và bỏ chế độ thai sản có thể sẽ khiến nhiều người lao động bị thiệt...



Nhiều lao động làm việc trực tiếp trong khối sản xuất đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu


Dự kiến tại Kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2012. Với một số phương án sửa đổi do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất, người lao động (NLĐ) đặc biệt quan tâm đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm và bỏ chế độ thai sản.

Việc đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động được cho là dựa trên nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính là đáp ứng yêu cầu của xu hướng hội nhập quốc tế, nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam. So sánh với nhiều nước trong khu vực, tuổi nghỉ hưu và số giờ làm thêm theo quy định của NLĐ nước ta đang ở mức thấp. Mặt khác, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, theo đánh giá rất có thể trong tương lai không xa quỹ hưu trí, tử tuất không bảo đảm.

Đây đều là những lý do chính đáng phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu rất ít NLĐ đồng tình. Chị Nguyễn Thị Lệ (xã An Lương, Thanh Hà) làm công nhân may đã gần 15 năm. Đến nay, chị gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như bị bệnh thoát vị đĩa đệm, rối loạn tiền đình... Chị Lệ cho biết: "Tôi chỉ mong đủ điều kiện để về hưu. Nếu kéo dài thêm nữa thì sức khỏe của tôi khó đáp ứng được công việc".

Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách Liên đoàn Lao động TP Hải Dương cho biết đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp cần được xem xét cẩn thận. "Có nhiều lý do để chúng ta phải cân nhắc. Ngày 30.3, khi được hỏi về tăng tuổi nghỉ hưu, hơn 200 công nhân lao động của một công ty tại TP Hải Dương cho rằng làm công việc trực tiếp rất vất vả khiến sức khỏe giảm sút nên không muốn kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu. Mặt khác, có nhiều doanh nghiệp tìm cách sa thải NLĐ sau độ tuổi 35 để loại bỏ bớt lao động hạn chế về sức khỏe, giảm chi phí tăng lương. Còn một yếu tố nữa là tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp đang ở mức báo động. Để giải quyết những vấn đề này thì tăng tuổi nghỉ hưu vào lúc này liệu có hợp lý không?", bà Hoài cho biết.

Hiện nay, số giờ làm thêm của NLĐ được quy định tối đa không quá 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm. Theo dự thảo sửa đổi, số giờ làm thêm của NLĐ sẽ được tăng lên 600 giờ/năm, gấp 3 lần so với hiện tại. Theo bà Hoài, hiện nay, NLĐ phải làm thêm giờ nhiều chủ yếu là lao động nữ làm trong lĩnh vực may mặc, giày da. Tăng số giờ làm thêm đồng nghĩa với việc NLĐ sẽ phải bớt thời gian chăm lo cho gia đình. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, việc thường xuyên về muộn khiến NLĐ dễ đối mặt với nguy cơ gặp tai nạn giao thông, cướp giật...



Nếu một số quy định về chế độ thai sản được thay đổi sẽ khiến lao động nữ thiệt thòi. Trong ảnh: Liên đoàn
 Lao động tỉnh tuyên truyền về chế độ thai sản cho lao động nữ làm việc ở khu công nghiệp Đại An


Doanh nghiệp đưa ra lý do tăng giờ làm để đáp ứng yêu cầu sản xuất tăng cao và nâng giá trị lao động nước ta tương quan với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực tế về vấn đề làm thêm hiện nay. Ở Hải Dương, quy định về làm thêm giờ bị rất nhiều doanh nghiệp "lách luật" để hưởng lợi. Vì trả lương cho NLĐ theo hình thức khoán sản phẩm nên doanh nghiệp khuyến khích NLĐ làm việc với cường độ cao để tăng thu nhập. NLĐ có thể làm nhiều, vượt thời gian thêm giờ theo quy định thì doanh nghiệp cũng không phải trả tiền làm thêm. Chính vì vậy, quy định tăng giờ làm thêm chỉ càng làm lợi cho doanh nghiệp, giúp họ "hợp thức hóa" việc bóc lột sức lực của NLĐ chứ không hề mang đến giá trị thực tế cho công nhân.

Nội dung được nhiều lao động nữ quan tâm là việc cắt bỏ một số quy định về chế độ thai sản như nghỉ 30 phút mỗi ngày khi hành kinh, nghỉ 60 phút khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi (vẫn được hưởng lương). Nhiều lao động nữ cho rằng quy định này rất thiết thực. Chị Phạm Thị Dung làm việc tại Công ty CP Lilama 69-3 đã trải qua 2 lần sinh con cho biết: "Khoảng thời gian được nghỉ đối với tôi rất quý giá. Mỗi buổi được đi làm muộn và về sớm 15 phút giúp tôi bớt vất vả khi chăm con nhỏ. Nhất là những hôm con ốm, lúc nào cũng chỉ mong ngóng hết giờ để được về với con". Nhiều chị em chia sẻ, mỗi khi "đến tháng" sức khỏe giảm sút rất nhiều, tâm lý khó chịu. Được nghỉ 30 phút/ngày dành cho việc vệ sinh giúp các chị em cảm thấy thoải mái hơn. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp vì lo sợ NLĐ lợi dụng thời gian đi vệ sinh để làm việc riêng nên khống chế chặt chẽ việc trên. Điển hình như trong tháng 3 vừa qua, công nhân Công ty TNHH NamYang Delta (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) tổ chức đình công cũng rất bức xúc vì bị soi xét quá khắt khe về vấn đề này.

Việc thay đổi luật phải xem xét từ nhu cầu thực tế của NLĐ trong từng điều kiện làm việc khác nhau. Điều quan trọng nhất là phải có biện pháp để việc thực hiện luật được nghiêm minh, công bằng, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp "lách luật" khiến NLĐ bị thiệt thòi.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động: Người lao động nguy cơ bị thiệt