Tin tức

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: Đề xuất phát triển mô hình tập đoàn báo chí

Theo VTC News 15/10/2023 14:14

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí với 7 chính sách, trong đó có phát triển mô hình tập đoàn báo chí.

Bộ thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật "Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí".

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thăm gian trưng bày ấn phẩm báo tại Hội Báo toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Khả Hân).

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thăm gian trưng bày ấn phẩm báo tại Hội Báo toàn quốc năm 2023

Bộ này cũng cho rằng, một số quy định của Luật Báo chí bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí với 7 chính sách.

Đáng chú ý, chính sách đầu tiên được đề cập là "Phát triển mô hình tập đoàn báo chí" với mục tiêu hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực, để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin.

"Bổ sung quy định cụ thể cho phép sự hình thành của mô hình tập đoàn báo chí thuộc sở hữu của Nhà nước, trong đó có một cơ quan báo chí giữ vai trò như cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí, doanh nghiệp trực thuộc", tờ trình nêu rõ nội dung giải pháp thực hiện chính sách.

Về điều kiện để hình thành tập đoàn báo chí, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan báo chí có thể có một hoặc nhiều cơ quan báo chí, doanh nghiệp trực thuộc.

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí phải là cơ quan trực thuộc Chính phủ hoặc các cơ quan, tổ chức khác theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Nêu thực tế tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) được tổ chức theo mô hình tổ hợp báo chí, bao gồm một cơ quan báo chí chủ quản có phát hành các sản phẩm báo chí (các kênh phát thanh VOV, kênh truyền hình VTV).

Bên cạnh đó là các cơ quan báo chí con trực thuộc cơ quan báo chí chủ quản (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Báo điện tử VTV), mỗi đơn vị được quản lý bởi Tổng giám đốc và có Tổng biên tập riêng, được cấp giấy phép hoạt động báo chí riêng.

Ngoài VOV và VTV, có Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng được tổ chức theo mô hình tổ hợp. Tuy nhiên, TTXVN có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại Nghị định của Chính phủ, vừa sản xuất ra sản phẩm báo chí là các bản tin thông tấn vừa là cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí trực thuộc như báo điện tử Vietnamplus, Báo Thể thao và Văn hóa, Báo Tin tức, Báo Việt Nam News...

Như vậy, VOV, VTV và TTXVN là các cơ quan báo chí quốc gia đặc thù và trực thuộc Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước.

"Tính đến nay, chưa từng phổ biến mô hình tập đoàn báo chí tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí khác, ngoài 3 cơ quan trên, đều là các các cơ quan báo chí đơn lẻ, thường có 1-2 loại hình (in và điện tử).

Chưa tụ hợp dưới dạng các tổ hợp, tập đoàn lớn để có thể tận dụng được tiềm lực về nhân lực và vật lực thúc đẩy phát triển kinh tế quy mô, để có nguồn thu lớn giúp cho việc tăng nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm mới, thu hút bạn đọc nhiều hơn", cơ quan quản lý đánh giá.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ chụp ảnh lưu niệm ở gian trưng bày của VOV tại Hội Báo toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Khả Hân).

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ chụp ảnh lưu niệm ở gian trưng bày của VOV tại Hội Báo toàn quốc năm 2023

Đồng thời, rất nhiều cơ quan báo chí trong mô hình này gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động do thiếu tiềm lực kinh tế, chưa tự chủ được tài chính. Điều này là càng cần thiết trong bối cảnh báo chí Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức về tự chủ tài chính trong những năm gần đây.

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thấy rằng việc lựa chọn nội dung giải pháp trên là phù hợp, đáp ứng yêu cầu sự phát triển, hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực, để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin.

"Việc phát triển mô hình tập đoàn báo chí cũng là hướng đi tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các cơ quan chủ quản, địa phương nhiều cơ quan báo chí có truyền thống, có uy tín và vai trò dẫn dắt định hướng dư luận xã hội", Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tại tờ trình.

Cùng với chính sách phát triển mô hình tập đoàn báo chí, tại tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông còn đề xuất 6 chính sách khác, gồm: Hoàn thiện các quy định về phạm vi thông tin của cơ quan báo chí góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động báo chí và đảm bảo thực hiện theo tôn chỉ, mục đích.

Hoàn thiện các quy định để tạp chí khoa học phát triển lành mạnh, đúng tính chất; Quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí.

Bổ sung điều kiện cấp thẻ nhà báo nhằm nâng cao chất lượng người làm báo; Hoàn thiện quy định đối với hoạt động nhập khẩu báo in; Xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình.

Theo VTC News
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: Đề xuất phát triển mô hình tập đoàn báo chí