Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, dư luận xã hội làm phong phú thêm nguồn thông tin, góp phần nâng cao tính hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng.
T ừ lâu con người đã nhận thức được sức mạnh và tác dụng nhiều mặt của dư luận xã hội đối với việc xây dựng và cải tạo xã hội. Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, dư luận xã hội làm phong phú thêm nguồn thông tin về mặt quản lý xã hội, góp phần nâng cao tính hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng.
Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, chúng ta sử dụng sức mạnh của dư luận xã hội để giải quyết những vấn đề quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Đó là việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền...
Tạo ra được dư luận xã hội đúng đắn và biết sử dụng nó một cách có mục đích chính là nhằm quản lý các quá trình xã hội ngày càng khoa học hơn. Dư luận giúp chúng ta phát hiện kịp thời những vấn đề có tính chất thời sự nảy sinh trong quá trình xây dựng Đảng, gợi ra những phương hướng nghiên cứu và vận dụng các phương pháp để giải quyết vấn đề có hiệu quả hơn. Trong hoạt động chính trị của Đảng và Nhà nước, tác dụng quan trọng của dư luận xã hội là ở chỗ nó biểu lộ thái độ của quần chúng lao động đối với các quyết định đã được thông qua, nhất là trong việc đánh giá hiệu quả của các quyết định đó. Ở đây, dư luận xã hội là những thông tin nằm trong kênh liên hệ ngược nhằm phản ánh hiện thực xã hội đối với các cấp quản lý. Ngày xưa trong cơ chế áp đặt mang tính chất một chiều từ trên xuống, người ta ít chú ý đến dư luận xã hội. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới toàn diện với nguyên tắc mở rộng dân chủ ở cơ sở, dư luận xã hội ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Trong công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, sự hiểu biết dư luận xã hội tạo ra khả năng nắm bắt được đầy đủ các mặt hoạt động của quá trình xây dựng con người lao động mới xã hội chủ nghĩa, nâng cao được ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, việc đi sâu tìm hiểu dư luận xã hội cho phép các tổ chức Đảng, các cơ quan quản lý của Nhà nước nắm bắt được nỗi băn khoăn, sự lo lắng, niềm vui mừng, phấn khởi và nguyện vọng của quần chúng. Trên cơ sở đó mà đề xuất, điều chỉnh kịp thời những chủ trương, đường lối cho phù hợp với lợi ích của đông đảo quần chúng lao động.
Trong lĩnh vực đạo đức, tinh thần, dư luận xã hội là sự biểu hiện của trí tuệ và tâm trạng của quần chúng. Nó đóng vai trò của một nhân tố khuyến khích, động viên đối với những phẩm chất đạo đức lành mạnh, trong sáng. Ngược lại, nó cũng phê phán, chỉ trích những hành vi sai trái không đi đúng nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Dư luận xã hội còn có tác dụng rất lớn đến sự hình thành phương pháp cư xử theo các chuẩn mực đạo đức, pháp luật của các thành viên trong xã hội. Nó ràng buộc, chế ước mỗi con người vào khuôn khổ pháp chế của xã hội.
Xem như vậy chúng ta thấy, dư luận xã hội đã trở thành công cụ, phương tiện giáo dục, thuyết phục mọi người, phòng ngừa sự vi phạm pháp luật của các thành viên xã hội. Trên thực tế, có những việc làm mang tính chất tiêu cực có thể trốn tránh được pháp luật của Nhà nước, nhưng không thoát được sự lên án của dư luận xã hội. Chính vì thế, những người có quan điểm quần chúng đúng đắn, có bản lĩnh chính trị vững vàng thường coi trọng dư luận xã hội.
Có thể khẳng định rằng: mỗi thành viên của xã hội dù ở cương vị công tác nào cũng phải có thái độ khoa học đúng đắn đối với dư luận xã hội. Nói một cách cụ thể là trong công tác xây dựng Đảng hiện nay các cấp ủy nói chung, mỗi đảng viên nói riêng phải lắng nghe dư luận xã hội, biết phân tích nó một cách chính xác để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết vận dụng vào quá trình công tác của bản thân.
TS. PHẠM TRUNG THANH
(Đại học Thành Đông)