Thị trường du lịch bắt đầu rục rịch bằng các kế hoạch nối lại dịch vụ, tour tuyến của TP Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương.
Mong ngày rất gần, TP Hồ Chí Minh sẽ đón du khách trong nước, cả khách quốc tế (ảnh chụp trước đợt dịch thứ 4) - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong lần hồi sinh này, du lịch khó có tăng trưởng bùng nổ như các đợt trước, quy mô thị trường cũng nhỏ hơn và giá cả không còn là yếu tố để hấp dẫn người dân lên đường, an toàn mới là sự quan tâm hàng đầu.
Sẵn sàng với tour an toàn
Một số công ty du lịch TP Hồ Chí Minh vừa bắt đầu mở bán tour trở lại với hai tuyến về vùng xanh Cần Giờ và Củ Chi. Đây là những tour về vùng xanh với hành trình đi về trong ngày, khép kín. Khách sẽ có một ngày về với thiên nhiên, ngắm những mảng xanh, tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức các đặc sản địa phương.
Các tour không quá bận rộn hay nhiều hoạt động mà được thiết kế với tinh thần giúp khách cảm thấy thảnh thơi, sảng khoái hơn sau những ngày bị "bó chân" ở nhà.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist - cho biết điều kiện nhận khách cho tour là du khách đã được tiêm 2 mũi vaccine và xét nghiệm nhanh COVID-19 trước giờ khởi hành hay F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng.
"Điều này cũng không quá khó khăn vì trước đây du khách đều có ngày trước khi lên đường, còn giờ thêm bước xét nghiệm nhanh. Nếu khách âm tính, ngày hôm sau sẽ lên đường. Theo tôi, quy trình khá nhanh và không phiền khách" - ông Yên nhận xét.
Cho đến nay, thành phố chỉ cho phép đón khách đến vùng xanh và chỉ mới triển khai bán tour du lịch theo đoàn, khép kín. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó Trưởng Ban Tiếp thị Vietravel - cho biết khảo sát để đo lường mức độ hồi phục của thị trường du lịch của đơn vị sau đợt dịch thứ 4 cho thấy nhu cầu đi du lịch của người dân là rất lớn.
80% khách đều cho biết là rất muốn đi và điều kiện an toàn là yếu tố tiên quyết khách yêu cầu.
Điểm đến ưa thích là vùng biển, những nơi có mật độ dân cư thấp, ít giao tiếp và chuyến đi được thiết kế nhanh gọn. Thứ ba là khách chỉ muốn đi nhóm nhỏ, nhóm gia đình, nhiều người chưa sẵn sàng đi với người chưa quen biết.
Cuối cùng, du khách sẵn sàng chấp nhận chất lượng dịch vụ chưa hoàn thiện như sẽ không có nhiều hoạt động. "Những thay đổi này cũng khiến chúng tôi phải phát triển sản phẩm không thể như trước. Cách làm du lịch đã khác đi rất nhiều" - bà Vân Khanh nói.
Ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, tình hình hồi phục du lịch khả quan hơn. Một số địa phương như Đà Nẵng, Huế và Quảng Bình cũng bắt đầu nhận tour theo lộ trình từ khách địa phương đến khách nội địa, sau đó đến khách quốc tế.
Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group - cho biết lượng khách đặt tour hồi phục khá nhanh. Trước mắt doanh nghiệp vẫn đang phục vụ khách nội tỉnh và tiến tới thu hút du khách các tỉnh an toàn đến trải nghiệm.
"Cuối tuần nay tôi phải tạm hoãn một số tour vì thời tiết nhưng xu hướng đặt tour lần này là rất rõ. Các tour lên rừng, xuống biển về với thiên nhiên được du khách đặt nhiều. Ngay cả tour du thuyền ở Quảng Ninh, khách đặt cũng yêu cầu dịch vụ trọn gói, theo nhóm bạn cùng công ty hoặc gia đình, họ cũng chọn kỳ nghỉ ngắn ngày" - ông Phạm Hà nói.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh tham quan chiến khu Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh ngày 2.10 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Du lịch mong các địa phương gỡ rào cản
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du ngoạn Việt - cho rằng cái khó của thị trường du lịch hiện nay là không thể kích cầu trên diện rộng do cách hiểu về khái niệm "an toàn" của các địa phương chưa thống nhất.
Trong khi đó, quy mô thị trường trong lần hồi phục này cũng rất nhỏ, doanh nghiệp phải làm lại từ đầu toàn bộ thị trường du lịch do các chuỗi cung ứng, hạ tầng dịch vụ cần thời gian để hồi phục. Hơn nữa, tâm lý của người dân đi du lịch đã rất khác trước, nên sản phẩm du lịch cũng phải thay đổi.
"Du lịch hạng sang, du lịch cộng đồng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tránh nơi đông đúc, cần thời gian để phục hồi sẽ được quan tâm. Bên cạnh nhóm khách đoàn, nhu cầu đi du lịch cá nhân rất cao. Ngay từ lúc này, ngành du lịch cần có bản đồ công nghệ du lịch xanh để khách có thể tham khảo những nhà hàng, khách sạn hay nơi mua sắm an toàn cho hành trình du lịch của mình. Các doanh nghiệp dịch vụ cũng nỗ lực để được lên bản đồ an toàn này" - ông Anh đề xuất.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên cho biết để có thể phục vụ được gần 1.000 y bác sĩ, đội ngũ tuyến đầu chống dịch trong 11 tour du lịch vừa qua, doanh nghiệp này phải làm việc với các nhà cung ứng từ soạn thực đơn phù hợp, cùng nơi đón khách dọn dẹp lại cơ sở, phương tiện vận tải rồi huy động đủ nhân viên phục vụ...
"Chúng tôi làm cụ thể từng bước chứ không chỉ lên chương trình, đợi nhà cung cấp báo giá rồi bán tour như trước. Cùng bắt tay nhau để làm ra một sản phẩm du lịch, có như vậy các điểm đến này mới từ từ phục hồi được" - ông Yên nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất xây dựng các điểm đến theo mô hình "bong bóng khép kín" hoặc một cung đường giữa thành phố với các điểm đến khác trong nước để đa dạng sản phẩm. Trước mắt, những điểm đến di chuyển dưới 300km tính từ thành phố sẽ được khách quan tâm, thành phố cũng đã tiền trạm, khảo sát cho những tour kết nối với các địa phương.
Chẳng hạn, cơ quan quản lý du lịch TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp, cùng xây dựng chương trình du lịch khép kín. Gần 10 cơ sở dịch vụ ở địa phương này đã sẵn sàng đón khách từ thành phố.
Ngoài ra, các điểm đến mà nhiều doanh nghiệp cho rằng có thể triển khai ngay trong tháng 11 như Phan Thiết - Bình Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Nha Trang và sau đó là Phú Quốc. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hà, để liên kết du lịch TP Hồ Chí Minh với các điểm khác, các địa phương phải bỏ bớt các rào cản với du khách.
"Chúng ta đồng ý sống chung với dịch COVID-19 nên không thể duy trì các rào cản. Du khách chỉ cần được tiêm hai mũi vaccine là có thể lên đường, cứ đóng cửa giữa các địa phương như hiện nay, ngành du lịch sẽ còn chật vật" - ông Phạm Hà nói.
Chủ động đa dạng sản phẩm TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công những tour khép kín và những tuyến ngắn. Dù vậy, để hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần kéo dài các chuyến đi như nối Củ Chi - Tây Ninh, Cần Giờ - Vũng Tàu, Sài Gòn - Phan Thiết. Đây là những điểm đến đã có sự chuẩn bị về dịch vụ và sẵn sàng đón khách. Để bảo đảm thông điệp 5K, các sản phẩm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa điểm đến và đơn vị lữ hành các hãng hàng không đã lên kế hoạch bay. Vì vậy, cần tận dụng các liên kết với những điểm đến an toàn để có thể nhận khách và đưa khách đi an toàn. Bà NGUYỄN THỊ KHÁNH, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh Xây dựng hình ảnh mới cho TP Hồ Chí MinhSau khi TP Hồ Chí Minh mở cửa, thành phố cần có một chiến dịch truyền thông mới về hình ảnh điểm đến an toàn để xây dựng lòng tin và khuyến khích du lịch. Bởi du khách cần được hình dung trải nghiệm du lịch tại thành phố trong môi trường bình thường mới sẽ như thế nào. Du lịch sức khỏe đang rất được ưa chuộng và thành phố cũng có nhiều lợi thế. Để hồi phục, TP Hồ Chí Minh cũng cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn nữa cho loại hình du lịch này mà trước mắt là ở Cần Giờ, Củ Chi, tăng hấp dẫn với du khách. Ông FREDERIC BOULIN, Tổng Quản lý trưởng khách sạn Park Hyatt |
Lấy đà cho mùa du lịch cuối năm Trong điều kiện bình thường, mảng du lịch nội địa đóng góp khoảng 30% doanh thu. Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng nếu chỉ phát triển du lịch nội ô sẽ rất khó để sớm khôi phục ngành du lịch cũng như kéo doanh nghiệp quay lại thị trường. "Chúng tôi vẫn cần thời gian để có sự chấp nhận của địa phương về di chuyển người từ vùng này đến vùng khác" - giám đốc một doanh nghiệp du lịch nói. Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng không nên đặt kỳ vọng lợi nhuận lúc này, mà cần xem đây là thời gian chạy đà cho mùa du lịch Tết Dương lịch cũng như Âm lịch, bước đệm để đón khách quốc tế. Thị trường du lịch đang vào mùa thấp điểm của du lịch nội địa, nên việc mở cửa lúc này chỉ mang tính động viên doanh nghiệp mạnh dạn làm lại thị trường. Ngay cả người dân cũng nhận thức tốt hơn về dịch bệnh, thận trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến và các yếu tố an toàn cho các tour. |
Chờ bay nhiều mới có vé giá "mềm"
Với 38 chuyến bay/ngày chở khách trên 19 đường bay nội địa trong giai đoạn thí điểm từ ngày 10 đến 20.10, các hãng hàng không đã bắt đầu mở bán vé cho các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương với giá vé khá cao. Theo đó, với chặng TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, Vietnam Airlines (hết vé từ ngày 10 đến 13.10) bán với giá trên 2,34 triệu đồng/vé và hạng eco (vé mức giá tiết kiệm) có giá 1,65 triệu đồng/vé; Bamboo Airways có giá 1,75 triệu đồng (chưa bao gồm thuế phí). Chặng bay từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, giá vé bay của Vietnam Airlines (hết vé từ ngày 11 đến 13.10) rẻ nhất cũng lên tới 3,5 triệu đồng. Với chặng Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, Vietjet có giá rẻ nhất 2,6 triệu đồng, Bamboo Airways 2,7 triệu đồng và Vietnam Airlines 3,5 triệu đồng. Vừa đặt vé cho người thân về Quảng Nam sau gần 5 tháng bị kẹt dịch ở TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Tiến (quận Bình Thạnh) cho biết giá vé máy bay một chiều khoảng 2,7 triệu đồng, ngang với dịp Tết, chưa kể khi về đến địa phương phải cách ly tập trung 7 ngày. "Dù đã tiêm 2 mũi vaccine, có xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay nhưng vẫn phải cách ly tập trung" - anh Tiến băn khoăn. Theo anh Nguyễn Khuất Tuấn - quản trị viên tổng hội vé với hơn 10.000 đại lý, do các địa phương quy định không thống nhất về cách ly nên các đại lý đều tư vấn khách chưa vội mua vé bay trừ khi có việc gấp. Theo đại diện một hãng bay, giá vé máy bay cao là khó tránh khỏi do các hãng mới bắt đầu khai thác trở lại với tần suất chuyến bay thấp, chẳng hạn chặng bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội chỉ có 1 chuyến khứ hồi/ngày so với con số 130 chuyến khứ hồi/ngày trước đây, chưa kể máy bay chỉ được khai thác tối đa 50% công suất, trong khi nhu cầu đi lại bằng máy bay khá cao sau thời gian dài giãn cách. "Sau giai đoạn thí điểm, hãng sẽ bổ sung nhiều chặng bay nội địa vào kế hoạch khai thác nhằm phục vụ tối đa nhu cầu di chuyển của người dân" - đại diện Bamboo Airways nói. |
Theo Tuổi trẻ