Tin tức

Dự kiến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 26 ngày

TB (theo TTXVN) 17/04/2024 21:02

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 với thời gian dự kiến 26 ngày làm việc, họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tổ chức thành 2 đợt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 6 và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7.

Theo ông Bùi Văn Cường, đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được 17/17 ý kiến góp ý của các cơ quan; trong đó, cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung Kỳ họp. Một số ý kiến đề nghị các vấn đề cụ thể. Chính phủ đề nghị điều chỉnh lùi thời gian trình một nội dung và bổ sung 13 nội dung khác để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi đến Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đề nghị cho ý kiến đối với các nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung trình tại Kỳ họp thứ 7. Đồng thời, có văn bản đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các nội dung này và gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội bảo đảm thời gian theo quy định.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề xuất thời điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

ttxvn_uy_ban_thuong_vu_quoc_hoi_cho_y_kien_ve_viec_chuan_bi_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Theo đó, bổ sung 6 nội dung vào dự kiến chương trình kỳ họp gồm: 3 nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này: chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phương án xử lý nguồn tiền thực hiện phán quyết của Trọng tài quốc tế Vụ kiện Hợp đồng dầu khí Lô 01 và 02.

Ba nội dung vừa được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7: dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

"Do đó, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu," ông Bùi Văn Cường cho biết.

ttxvn_uy_ban_thuong_vu_quoc_hoi_cho_y_kien_ve_viec_chuan_bi_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_2.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã quan tâm chuẩn bị nội dung từ sớm, từ xa, có nhiều văn bản chỉ đạo nên so với những kỳ họp trước, Chính phủ đã có chuyển biến tích cực hơn trong chuẩn bị nội dung kỳ họp.

Trong kỳ họp này, dự kiến các nội dung trình rất lớn với nhiều luật được thông qua cũng như xin ý kiến lần đầu. Chính phủ sẽ tiếp tục tích cực đôn đốc để sớm hoàn thiện các nội dung trình. Tuy nhiên, một số nội dung báo cáo cần cập nhật, tổng hợp dữ liệu, số liệu để đảm bảo kịp thời, chính xác.

"Các cơ quan trình sẽ tiếp tục cập nhật để gửi tới các đại biểu Quốc hội đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật," Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường thứ 6 và đề nghị sớm hoàn thiện văn bản báo cáo để phát hành chính thức.

Đối với công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, tinh thần làm việc, sự chủ động, khẩn trương của các cơ quan trong chuẩn bị hồ sơ tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Căn cứ kết quả chuẩn bị cho đến nay, Kỳ họp thứ 7 dự kiến khai mạc vào 20/5 với thời gian dự kiến trong 26 ngày làm việc, họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tổ chức thành 2 đợt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu, cố gắng gửi tài liệu đúng hạn theo quy định.

Đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và 2 dự thảo nghị quyết đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để các cơ quan thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 trước khi trình Quốc hội.

Lưu ý một số nội dung bổ sung vào chương trình của kỳ họp, báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội trên cơ sở ý kiến tại phiên họp tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình của kỳ họp để gửi xin ý kiến bằng văn bản; đồng thời đề nghị các cơ quan rà soát để bảo đảm công tác bảo đảm an ninh, an toàn, hậu cần cho Kỳ họp.

TB (theo TTXVN)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự kiến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 26 ngày