Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa nội dung thực hành kỹ năng điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe điện vào trường học.
Nội dung nằm trong dự thảo Thông tư về giáo dục an toàn giao thông trong trường học, được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại hội thảo "Tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các trường THPT" chiều 27/3.
Theo dự thảo, ngoài tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn và văn hóa giao thông, các nhà trường sẽ dạy nội dung thực hành kỹ năng lái xe bằng thiết bị thực tế hoặc mô phỏng.
Học sinh phổ thông được học các nội dung này ít nhất hai buổi một năm. Các trường có thể lồng ghép, tích hợp vào các môn học chính khóa, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, câu lạc bộ...
Ngoài ra, dự thảo của bộ nêu một số yêu cầu cần đạt với học sinh ở từng cấp học. Ví dụ, học sinh mầm non cần nhận biết một số loại phương tiện, hành vi đúng - sai khi tham gia giao thông. Đến tiểu học, học sinh có kỹ năng đi bộ và điều khiển xe đạp an toàn. Học sinh THCS có kỹ năng điều khiển xe đạp điện an toàn. Ở cấp THPT, các em có kỹ năng điều khiển xe gắn máy, đoán trước và phòng tránh rủi ro khi tham gia giao thông.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định việc trang bị kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh là cần thiết.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết năm 2023, khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em, tương đương 2.100 em (900 em tử vong và 1.200 bị thương). Trong đó, gần 1.500 là học sinh lớp 10-12.
Các tình huống dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu do đi trái phần đường, làn đường; chuyển hướng không an toàn; lái xe quá tốc độ được phép...
Ông Hùng cho biết để giảm tình trạng trên, thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số địa phương tổ chức thí điểm khóa tập huấn về quy định pháp luật, kỹ năng lái xe máy an toàn cho học sinh THPT, thậm chí tổ chức sát hạch như sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Hai địa phương đầu tiên thí điểm việc này là Hà Nam, Lào Cai, sau đó mở rộng ra nhiều địa phương khác.
Đại diện Honda Việt Nam cho biết Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cũng dự kiến thí điểm đào tạo kỹ năng lái xe gắn máy, xe điện cho học sinh, kết hợp kiểm tra và cấp chứng nhận cho các em.
Theo ông Nguyễn Văn Ngưng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công, TP Đà Nẵng, trường đã kết hợp với đơn vị bên ngoài dạy kỹ năng lái xe, cùng cách xử lý tình huống giao thông cho học sinh.
Để hiệu quả, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị các nhà trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
Trước đó, khi góp ý xây dựng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 27/3, một số đại biểu cũng đề xuất bổ sung việc đào tạo và sát hạch lái xe cho học sinh.
Trong Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đưa ra giải pháp điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW phải được đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Hiện, học sinh phổ thông chủ yếu điều khiển các loại xe máy này.
TB (theo VnExpress)