Tốt nghiệp chương trình cử nhân kế toán và tài chính (Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), sinh viên sẽ được miễn 9 trên 14 môn thi lấy chứng chỉ ACCA.
Các chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học quốc tế đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi giúp họ có nhiều lợi thế hơn sau khi ra trường và tiếp xúc các nhà tuyển dụng
“Thông thường, để được miễn, giảm môn thi lấy ACCA - chứng chỉ kiểm toán chuyên nghiệp do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh cấp, người thi cần có từ 2 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty Big 4”, Thạc sĩ Ngô Trí Trung (Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.
Đồng tình với Thạc sĩ Ngô Trí Trung, ông Mạnh Hải, chuyên viên kiểm toán lâu năm của Kiểm toán Nhà nước cho biết các công ty, đặc biệt là công ty trong lĩnh vực kiểm toán rất ưa chuộng chứng chỉ ACCA. “Thông thường, kiểm toán viên có bằng ACCA sẽ được ưu tiên hơn khi tuyển dụng hoặc tăng bậc, nâng lương”, vị kiểm toán viên gạo cội tiết lộ. Theo ông, mỗi năm, số lượng sinh viên ra trường không ít nhưng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các lĩnh vực tài chính kế toán trong thời gian tới là rất lớn.
“Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc xây dựng và phát triển chương trình cử nhân kế toán và tài chính. Chúng tôi mong muốn sinh viên sau khi ra trường được trang bị không chỉ đầy đủ kiến thức và kỹ năng mà còn cả những lợi thế về mặt chứng chỉ nghề nghiệp để có thể tự tin cạnh tranh sòng phẳng tại các doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này”, Thạc sĩ Ngô Trí Trung cho biết.
Tuy nhiên, miễn môn thi lấy chứng chỉ ACCA không phải là điểm cộng duy nhất của ngành kế toán và tài chính của Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là chương trình đào tạo liên kết giữa Khoa Quốc tế và Đại học East London (Vương quốc Anh). Khi theo học chương trình này, sinh viên sẽ được tiếp cận phương pháp giảng dạy và quy trình kiểm tra đánh giá tiên tiến theo chuẩn giáo dục quốc tế. Những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về lĩnh vực tài chính, kế toán sẽ giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành các chuyên gia về kế toán, kiểm toán, kế toán trưởng hay kế toán, kiểm toán viên cao cấp của các công ty, tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Bạn Nguyễn Minh Anh, sinh viên năm 2 của trường chia sẻ: “Gần 2 năm học tại Khoa Quốc tế giúp em có kiến thức nền tảng, kỹ năng mềm và sự tự tin khi dùng ngoại ngữ. Em cùng các bạn cũng may mắn được nhà trường tạo cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành. Càng tiếp xúc với các anh chị trong ngành em càng nhận ra lựa chọn học tài chính – kế toán bằng tiếng Anh là lựa chọn đúng đắn để em theo đuổi ước mơ vào Big 4 của mình. Hiện nay em và gia đình đang cân nhắc việc chuyển tiếp theo mô hình 2-2 sang Đại học East London tại Anh để trải nghiệm”.
Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do với luồng lao động nội - ngoại được dịch chuyển dễ dàng và cạnh tranh hơn, các lao động và đặc biệt là các chuyên gia tài chính – ngân hàng có bằng cấp quốc tế như Minh Anh sẽ ngày càng được săn đón. Ngược lại, nó cũng đặt ra đòi hỏi lớn đối với các trường cao đẳng, đại học trong nước về việc quốc tế hóa, liên kết và mở rộng các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Theo Giáo dục & Thời đại