Mở ra cuốn sách, người đọc như được "du hành" về một làng quê có niên đại sớm trên vùng đất tỉnh Đông.
Cuốn sách “Đất và người làng Thượng Cốc Xứ Đông” được lưu giữ tại Thư viện tỉnh Hải Dương
Là quê hương của ông nghè Nguyễn Quý Tân, một ông quan nổi tiếng thơ văn, nổi tiếng thanh tao phóng khoáng; nhà cách mạng tiền bối Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng... làng cổ Thượng Cốc xưa (nay là 3 thôn Bình Đê, Cao Lý và Gia Bùi) của xã Gia Khánh (Gia Lộc) mang trong mình lịch sử và truyền thống lâu đời.
Nhằm lưu giữ truyền thống tự hào ấy, tác giả Nguyễn Quốc Văn (sinh năm 1938), người con của làng Thượng Cốc, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã dành nhiều năm sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu tư liệu tại các từ đường dòng họ, bia ký, câu đối, đại tự ở các đình, chùa, đền, miếu kết hợp khai thác sử liệu trong các trung tâm lưu trữ Hán Nôm, Ngữ văn và Pháp văn tại trung ương, địa phương để viết nên cuốn sách “Đất và người làng Thượng Cốc Xứ Đông”.
Theo cuốn sách, làng cổ Thượng Cốc cũng như số ít trang ấp hình thành sớm ở phía đông châu thổ Nhị Hà, là một trang với vài ba suất họ di cư, do không khuất phục sự đô hộ của nhà Hán nên đã tìm đất khai canh ở Hồng Châu Lộ. Trải qua thời gian đấu tranh, dựng xây quê hương, bảo vệ xã tắc, con dân nơi đây đã trưởng thành với nhiều “danh gia thế tộc”. Họ để lại cho hậu thế một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể hòa vào đời sống lao động cần cù, hiếu học, sáng tạo. Vì thế, từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trở đi, nhiều văn nhân, danh sĩ, học giả, ký giả tên tuổi trên mọi miền đất nước đã lấy Thượng Cốc làm đề tài nghiên cứu, phản ánh, ngợi ca, khẳng định qua các tác phẩm đầy tính khách quan và khoa học như “Thượng Cốc Quan Phong ký”, “Gia phả khảo luận và thực hành” của nhà văn, nhà nghiên cứu phả học hàng đầu đất nước Dã Lan - Nguyễn Đức Dụ, “Giai phẩm Thượng Cốc” của tác giả Nguyễn Thanh Liêm, “Thượng Cốc quê tôi” của các tác giả Bùi Quý Hiểu - Bùi Quý Huy…
Mở ra cuốn sách, người đọc như được du hành về một làng quê có niên đại sớm trên vùng đất tỉnh Đông tức Hồng Châu Lộ miền châu thổ Bắc Bộ. Theo tác giả khiêm tốn nhận định thì “cuốn sách mang đến những tài liệu bổ ích về con người và dòng họ, vài mẩu chuyện trong sinh hoạt, lao động, học hành của con dân vùng khoai lúa nơi xứ Bắc, đồng thời dựng lại phần nào truyền thống lao động và đấu tranh quả cảm vì xã tắc trong quá trình hình thành trang sử oanh liệt của nhiều thế hệ con dân Thượng Cốc”.
Lật giở từng trang sách mới thấy nỗ lực của tác giả khi biên soạn nên một tác phẩm có thể nhận định là một cuốn bách khoa dày 1.111 trang về vùng đất này. Cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, tổ chức gia đình, dòng họ, tổ chức hành chính làng xã mở rộng ra đến khu vực. Các di sản văn hóa vật thể như đình chùa, đền miếu, bia ký, đường sá, cây cổ thụ, giếng nước...; di sản văn hóa phi vật thể như hội làng, tế lễ, hát xướng, trò chơi, tập tục, nghề nghiệp, tiền tệ... được tác giả thống kê, cung cấp tương đối đầy đủ. Về nhân vật, cuốn sách đã đề cập đến nhiều quan văn, tướng võ, các nhà khoa bảng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà chính trị nổi tiếng... được sinh ra từ mảnh đất này, góp phần tô đậm truyền thống, làm rạng danh quê hương đất nước. Sách còn có nhiều ảnh và tranh minh họa giúp độc giả dễ nhận biết cảnh cũ người xưa...
Cuốn sách do Nhà xuất bản Dân trí phát hành, hiện lưu giữ tại Thư viện tỉnh Hải Dương.
BÌNH AN