Trong phim khoa học viễn tưởng, các nhân vật sử dụng những cỗ máy đặc biệt, thậm chí nhảy vào một chiếc ô tô tương lai để du hành ngược hoặc xuôi thời gian.
Du hành xuôi hoặc ngược thời gian chỉ là một ý tưởng thú vị dành cho phim ảnh, hay nó thực sự có thể xảy ra?
Theo trang tin The Conversation, câu hỏi liệu thời gian có thể đảo ngược hay không vẫn là một trong những câu hỏi lớn nhất chưa có lời giải trong khoa học.
Nếu vũ trụ tuân theo các định luật nhiệt động lực học thì điều đó có thể không thể xảy ra. Định luật thứ hai của nhiệt động lực học: mọi thứ trong vũ trụ có thể giữ nguyên hoặc trở nên hỗn loạn hơn theo thời gian.
Theo định luật này, vũ trụ không bao giờ có thể quay trở lại chính xác như trước đây. Thời gian chỉ có thể tiến về phía trước, giống như con đường một chiều.
Tuy nhiên, lý thuyết tương đối đặc biệt của nhà vật lý Albert Einstein cho thấy thời gian trôi qua với tốc độ khác nhau đối với những người khác nhau.
Ai đó trên một con tàu vũ trụ đang phóng nhanh gần bằng tốc độ ánh sáng, hơn 1 tỉ km/h, sẽ trải nghiệm thời gian chậm hơn một người trên Trái Đất.
Người ta vẫn chưa chế tạo được tàu vũ trụ có thể di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, nhưng các phi hành gia đến thăm Trạm vũ trụ quốc tế quay quanh Trái Đất với tốc độ hơn 28.000km/h.
Phi hành gia Scott Kelly đã trải qua 520 ngày trên Trạm vũ trụ quốc tế và kết quả là ông già đi chậm hơn một chút so với người anh em sinh đôi của mình - Mark Kelly, cũng là phi hành gia.
Ngoài ra còn có những nghịch lý liên quan đến việc du hành thời gian. “Nghịch lý ông nội” (*) nổi tiếng cho rằng nếu ai đó du hành ngược thời gian và vô tình ngăn cản ông bà của họ gặp nhau, sẽ tạo ra một nghịch lý là: ông bà không gặp nhau thì không có cha mẹ của người đó và dĩ nhiên người đó không được sinh ra.
Câu hỏi được đặt ra: Làm sao người đó có thể du hành ngược thời gian ngay từ đầu? Đó là một câu đố khó hiểu làm tăng thêm bí ẩn về du hành thời gian.
Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đã thử nghiệm khả năng du hành thời gian bằng cách tổ chức một bữa tiệc sâm panh cho những người du hành thời gian với loại rượu thượng hạng Krug và món khai vị vào năm 2009.
Tấm thiệp ghi thời gian, địa điểm chính xác của bữa tiệc, kèm theo thông điệp: "Thân ái mời bạn đến tham dự bữa tiệc dành cho các nhà du hành thời gian". Và ông chỉ gửi lời mời tham dự sau khi bữa tiệc đã kết thúc.
Hy vọng của ông là lời mời sẽ được một người nào đó sống trong tương lai đọc, người có khả năng du hành ngược thời gian. Nhưng không có ai xuất hiện.
Ông Hawking chỉ ra: “Việc du hành thời gian là không thể và sẽ không bao giờ xảy ra. Đó là do chúng ta chưa bị xâm chiếm bởi đám khách du lịch đến từ tương lai”.
Điều thú vị là các nhà vật lý thiên văn được trang bị kính thiên văn mạnh mẽ, sở hữu một hình thức du hành thời gian độc đáo.
Khi họ nhìn vào không gian rộng lớn của vũ trụ, họ đang nhìn vào vũ trụ trong quá khứ.
Ánh sáng từ tất cả các thiên hà và các ngôi sao cần có thời gian để truyền đi và những chùm ánh sáng này mang theo thông tin từ quá khứ xa xôi.
Khi các nhà vật lý thiên văn quan sát một ngôi sao hoặc một thiên hà qua kính viễn vọng, họ không nhìn thấy nó ở hiện tại, mà nó tồn tại từ khi ánh sáng bắt đầu hành trình đến Trái Đất từ hàng triệu đến hàng tỉ năm.
Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA, đang quan sát các thiên hà được hình thành vào thời điểm bắt đầu Vụ nổ lớn (Big Bang), khoảng 13,7 tỉ năm trước.
Mặc dù chúng ta khó có thể sớm có những cỗ máy thời gian như trong phim, nhưng các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu và khám phá những ý tưởng mới.
(*) "Nghịch lý ông nội" (Grandfather paradox) xuất phát từ một tác phẩm năm 1943 của nhà văn người Pháp René Barjavel.
Theo Tuổi trẻ