2021 là một năm đầy biến động đối với thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á. Nikkei Asia cho rằng, vào năm 2022, châu Á cũng sẽ chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng.
Vaccine, biến thể mới, lệnh phong tỏa - phần lớn tin tức trong năm 2021 đều liên quan đến đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh dịch bệnh, châu Á còn chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật trong năm 2021 như tình hình bất ổn chính trị ở các khu vực như Afghanistan và Myanmar, Thế vận hội Olympic, gián đoạn chuỗi cung ứng, cú sốc giá năng lượng,…
Khi năm 2021 sắp kết thúc, Nikkei Asia đã đưa ra dự đoán những gì có thể xảy ra vào năm 2022.
Vào năm 2022, châu Á sẽ chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng
Đại dịch Covid-19
Thế giới sẽ bước sang năm thứ ba của đại dịch Covid-19 vào năm 2022. Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào tháng 11 đã khiến thế giới lo ngại. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể Delta và có thể né tránh khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc do từng mắc bệnh. Cả hai yếu tố này sẽ khiến số ca mắc bệnh tăng cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 16.12, biến thể đáng lo ngại Omicron đã lan đến 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi sau 1,5-3 ngày ở các nước có sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Trên khắp châu Âu, các nước đang thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn biến thể Omicron, giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế. Tại châu Á, các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang đảo ngược kế hoạch mở cửa khi tăng cường các biện pháp hạn chế biên giới.
Các nhà khoa học ủng hộ việc tiêm mũi tăng cường để giúp giảm khả năng lây nhiễm, tuy nhiên, nhiều nước kém phát triển vẫn gặp khó khăn trong việc tiêm 2 mũi đầu tiên cho người dân do thiếu nguồn cung vaccine.
Theo Nikkei Asia, thế giới có thể vẫn chứng kiến số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao vào năm 2022. Tuy nhiên, nếu các nước có thể cùng hợp tác để đảm bảo mọi quốc gia có thể tiếp cận bình đẳng với vaccine, thế giới có thể giảm phần lớn thiệt hại do đại dịch và hướng đến giai đoạn sống chung an toàn với virus.
Châu Á sẽ có thêm nữ lãnh đạo vào năm 2022?
Tại châu Á, năm 2021 sắp kết thúc với số nhà lãnh đạo là nữ không còn nhiều so với thời điểm đầu năm. Hiện khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 4 nhà lãnh đạo nữ, gồm Thủ tướng New Zealand Jacinda Adern, Tổng thống Nepal Bidhya Devi Bhandari, Tổng thống Singapore Halimah Yacob và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina.
Vào năm 2022, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo và Sim Sang-jung, thành viên Quốc hội Hàn Quốc được hy vọng sẽ có mặt trong danh sách người đứng đầu đất nước là nữ giới. Cả hai đều là ứng cử viên nữ duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của quốc gia.
Cuộc bầu cử của Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 9.3. Bà Sang-jung cam kết ban hành quy định 4 ngày làm việc một tuần nếu bà đắc cử.
Bà Robredo sẽ tranh cử Tổng thống Philippines vào ngày 9.5. Bà trở thành Phó Tổng thống từ năm 2016 nhưng gần đây đã nhận được kỳ vọng lớn do sự thất vọng của công chúng đối với việc Tổng thống Rodrigo Duterte xử lý đại dịch không phù hợp.
Thời gian sẽ trả lời năm 2022 có chào đón thêm nữ lãnh đạo mới hay không. Liên Hợp Quốc dự đoán rằng sẽ mất 130 năm nữa để đạt được bình đẳng giới ở các vị trí có quyền lực cao nhất, dù việc trao quyền lực chính trị cho phụ nữ ở châu Á được hoan nghênh.
Thủ tướng Nhật Bản tiếp tục tại vị cho tới cuối năm 2022?
Sự kiện chính trị lớn nhất của Nhật Bản trong năm 2022 sẽ là cuộc bầu cử Thượng viện, dự kiến được tổ chức vào ngày 10.7.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio
Các cuộc bầu cử Thượng viện không liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn Thủ tướng Nhật Bản. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều chính phủ đã sụp đổ vì cách biểu quyết như vậy. Để Thủ tướng Kishida Fumio tiếp tục tại vị, đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác liên minh Komeito sẽ cần duy trì đa số ghế trong Thượng viện. Để chiếm được đa số, LDP và Komeito cần giành được 55 trong số 125 ghế tại Thượng viện.
Nội các mới dưới thời Thủ tướng Kishida, được thành lập hồi tháng 10, đã có một khởi đầu suôn sẻ. Theo các cuộc thăm dò của Nikkei, sự ủng hộ dành cho chính phủ tăng lên 65% trong tháng 12. Để duy trì sự chấp thuận này, chính phủ Nhật Bản cần tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Số ca mắc bệnh mới trung bình ở Tokyo trong tháng 12 ở mức thấp, khoảng 20 ca mỗi ngày. Việc các loại thuốc điều trị Covid-19 dạng uống có được triển khai thành công hay không cũng sẽ góp phần vào cách các cử tri nhìn nhận về nội các của ông Kishida.
Việc ngăn dịch bệnh lây lan sẽ tạo cơ hội cho nền kinh tế Nhật Bản phục hồi. Ngoài việc kiểm soát Covid-19, ông Kishida đang thúc đẩy tăng lương để giúp Nhật Bản nhận ra một số tiềm năng tăng trưởng. Ông Kishida đã nhấn mạnh sự cần thiết của một “chu kỳ tăng trưởng thuận lợi và phân phối của cải”, cho rằng liên minh của ông sẽ đối mặt với cuộc bầu cử khó khăn nếu một làn sóng lây nhiễm mới bùng phát làm chậm quá trình bình thường hóa hoạt động kinh tế.
Nếu liên minh của ông Kishida giành được Thượng viện, ông Kishida sẽ tiếp tục giữ cương vị thủ tướng trong 3 năm nữa, vì liên minh hồi tháng 10 dưới sự lãnh đạo của ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thăm Mỹ vào năm 2022?
Trên thực tế, chưa có tiến triển về ngoại giao nào đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2.2019. Vậy nên, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm Mỹ vào năm 2022 có thể là điều khó xảy ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden không coi Triều Tiên là một ưu tiên trong chính sách của ông và quan hệ giữa hai quốc gia vẫn rất căng thẳng. Mặc dù Triều Tiên đã nhiều lần bắn thử tên lửa trong năm 2021, nhưng chiến thuật này dường như thất bại trong việc đưa Washington trở lại bàn đàm phán.
Bên cạnh việc ngoại giao bị đình trệ, một lý do khác khiến việc ông Kim Jong Un tới thăm Mỹ vào năm 2022 sẽ khó trở thành hiện thực là đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Kể từ khi Covid-19 bùng phát vào tháng 1/2020, Triều Tiên đã trở nên tách biệt với thế giới khi đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chủ tịch Kim Jong Un cũng xuất hiện trước công chúng ít hơn. Với việc biên giới của nước này với Trung Quốc vẫn đóng cửa, rất khó có khả năng ông Kim Jong Un sẽ đi nước ngoài trong thời gian tới.
Thêm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới
Theo Tổ chức Chiến dịch Nhân quyền, tính đến tháng 12.2021, có 30 quốc gia và khu vực hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Năm 2019, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) trở thành nơi đầu tiên ở châu Á ủng thực hiện bình đẳng hôn nhân.
Các phong trào tích cực của những người ủng hộ hôn nhân đồng giới đã nổi lên ở Thái Lan và Nhật Bản. Đây có thể là những quốc gia cần theo dõi quá trình phát triển ủng hộ bình đẳng hôn nhân ở châu Á trong năm 2022.
Vào tháng 7.2020, nội các Thái Lan đã phê duyệt dự luật cho phép hợp pháp hóa quan hệ đối tác dân sự đồng giới và trao nhiều quyền lợi hơn cho các cặp đôi đồng tính.
Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Thái Lan vào tháng 11 kết luận rằng dự luật hôn nhân hiện hành, vốn chỉ công nhận các mối quan hệ khác giới, không đi ngược lại với hiến pháp.
Tại Nhật Bản, một tòa án ở Sapporo vào tháng 3 đã ra phán quyết rằng, việc nước này không công nhận hôn nhân đồng giới là vi hiến, một phán quyết đầu tiên mang tính bước ngoặt về vấn đề này. Nhiều nguyên đơn đã đệ đơn kiện chính phủ về vấn đề này từ ngày 14.2.2019.
Một nhóm vận động dẫn đầu loạt vụ kiện cho rằng phán quyết cuối cùng có thể được đưa ra bởi Tòa án Tối cao Nhật Bản vào năm 2023, sau khi vấn đề này được thảo luận tại các tòa án của từng khu vực.
Thống đốc Tokyo Koike Yuriko cho biết, chính quyền thủ đô Tokyo sẽ thúc đẩy kế hoạch công nhận hôn nhân đồng giới vào năm 2022.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết, ông chưa “đến giai đoạn chấp nhận hôn nhân đồng giới” và việc hợp pháp hóa bình đẳng hôn nhân sẽ cần “sự cân nhắc thận trọng”.
Theo VOV