Với chương trình chuẩn, mức trúng tuyển dự kiến từ 20 đến 24,5, trong đó ngành Kế toán khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) cao nhất, Hệ thống thông tin quản lý thấp nhất. Các ngành còn lại gồm Ngôn ngữ Anh, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng và ngành Kế toán ở các tổ hợp A00, A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh) dao động từ 22,5 đến 24.
Với ngành Tài chính ngân hàng chương trình liên kết với Đại học Greenwich Vương quốc Anh, điểm chuẩn được dự báo là 20-21.
Tại buổi tư vấn trực tuyến do Học viện Tài chính tổ chức tuần trước, TS Nguyễn Đào Tùng, Phó giám đốc Học viện, cho biết nhiều thí sinh còn nghi ngờ về dự báo này bởi năm ngoái điểm chuẩn các ngành tính theo thang 30 đã dao động từ24,7 đến 26,2, tức cao hơn mức dự báo năm nay. Tuy nhiên, dự báo này dựa trên nhiều cơ sở. Đầu tiên là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm ngoái, nhưng tổng điểm 24,5 trở lên theo tổ hợp xét tuyển lại không nhiều hơn. Lượng thí sinh có điểm trung bình theo tổ hợp trên 24 đã nhập học vào các trường top đầu theo phương thức xét tuyển khác năm nay tương đối nhiều.
"Sinh viên ngày càng có xu hướng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và sẽ lựa chọn ngay trường yêu thích nếu đã trúng tuyển chứ không đợi điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, khi dự báo điểm chuẩn, các trường cũng phải tính toán đến lượng thí sinh này", ông Tùng nói.
PGS.TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Đại học Thương mại, nhận định điểm chuẩn năm 2021 sẽ tăng nhẹ 0,25-0,5 vì một số lý do. Thứ nhất, điểm trung bình tiếng Anh tăng mạnh với hơn 4.000 điểm 10. Đại học Thương mại lấy điểm chuẩn theo ngành, không phân biệt tổ hợp xét tuyển nhưng ngành nào cũng có tổ hợp chứa Tiếng Anh. Chưa kể, số thí sinh năm nay cao hơn so với năm ngoái. Đây là lý do thứ hai gây ra sự biến động điểm chuẩn.
Năm ngoái, điểm chuẩn của trường dao động 24-26,7. Ông Thái cho rằng với các ngành top đầu của trường như Thương mại điện tử, Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại quốc tế, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ 0,25-0,5 điểm. Những ngành khác được dự đoán giữ ổn định hoặc tăng 0,25 điểm.
Thí sinh được khuyến cáo nên dựa vào điểm chuẩn 2020 của Đại học thương mại, sau đó ưu tiên nộp ngành mình yêu thích và thêm một vài lựa chọn an toàn khác. "Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần thận trọng, cân nhắc kỹ, tránh tình trạng 26 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển trường nào như nhiều bạn năm 2020", ông Thái nhấn mạnh.
Năm 2020, Học viện Ngân hàng lấy điểm chuẩn tương đối cao so với nhiều trường thuộc khối kinh tế với mức dao động từ 21,5 đến 27. Nếu không tính chương trình liên kết, điểm chuẩn các ngành đều từ 25 trở lên. TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, dự báo điểm chuẩn vào trường năm nay không thấp hơn năm ngoái. Một số ngành có thể giữ nguyên và số khác có thể tăng nhẹ từ 0,25 đến 0,5.
Dự báo của ông Hà dựa trên hai cơ sở. Một là số thí sinh đăng ký năm nay mà hệ thống ghi nhận có sự gia tăng tương đối nhiều so với năm 2020. Hai là phổ điểm môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT cao hơn năm ngoái, trong khi ngành nào của Học viện Ngân hàng cũng có tổ hợp chứa môn này, gồm A01, D01và D07.
"Ở các ngành, ngoài ba tổ hợp trên, Học viện Ngân hàng còn xét tuyển thêm tổ hợp A00. Do trường lấy một đầu điểm cho tất cả tổ hợp, những bạn sử dụng tổ hợp có tiếng Anh sẽ lợi thế hơn một chút so với khối A", ông Hà nói và nhấn mạnh thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT bằng hoặc cao hơn so với điểm chuẩn năm ngoái của trường có thể tự tin đăng ký nguyện vọng.
Theo kế hoạch tuyển sinh đại học 2021 của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, trước 17h ngày 28/8, các trường công bố điểm sàn xét tuyển để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trong 7 ngày kế tiếp. Đến 25/8, hầu hết đại học đã thông báo ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào, một số trường như Đại học Bách khoa Hà Nội còn công bố điểm chuẩn dự kiến cho gần 60 ngành đào tạo.
Theo VnExpress