Dự án xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung phía nam sông Cửu An (Ninh Giang) được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2006 nhưng vì nhiều lý do đến nay dự án này vẫn chậm triển khai thực hiện.
Nhờ nắm bắt tốt chủ trương, xã Vĩnh Hòa đã xây dựng khu nuôi thủy sản tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao
Dang dở
Dự án nuôi trồng thủy sản tập trung phía nam sông Cửu An (dự án nam sông Cửu An) do UBND tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 398 ha tại 6 xã: Tân Quang (Quang Hưng cũ), Tân Phong, Đông Xuyên, Vạn Phúc, Tân Hương (Ninh Thành cũ) và Vĩnh Hòa. Dự án được thực hiện từ năm 2007-2010. Việc quy hoạch phát triển dự án theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường. Dự án cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất vùng chuyển đổi...
Tháng 9.2008, qua rà soát thực hiện dự án tại 4 xã Quang Hưng cũ, Tân Phong, Đông Xuyên, Vạn Phúc, chỉ có 8 hộ đăng ký tham gia dự án. Đến tháng 9.2009, huyện tiếp tục khảo sát nhưng vẫn không có thêm hộ đăng ký. Vì vậy, đến năm 2016, dự án này được gộp cùng dự án khu phía bắc thành vùng nuôi thủy sản tập trung huyện Ninh Giang. Xã Vĩnh Hòa là địa phương duy nhất được triển khai dự án ở phía nam sông Cửu An. Các xã Tân Phong, Tân Quang, Đông Xuyên và Vạn Phúc không được lựa chọn nhưng vẫn nằm trong quy hoạch. Vì vậy, nhiều năm nay diện tích đất canh tác này hoặc là bị bỏ hoang, hoặc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng.
Xã Tân Phong có hơn 10 ha canh tác được quy hoạch vào vùng dự án. Thời điểm khảo sát ban đầu, cả xã chỉ có 1 hộ đăng ký nên không thể triển khai. Do diện tích này vẫn đưa vào quy hoạch nên người dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong lúc chờ dự án triển khai, nhiều hộ đã tự ý trồng cây ăn quả hoặc thực hiện các hình thức canh tác khác nên phá vỡ mặt bằng vùng quy hoạch. UBND xã nhiều lần nhắc nhở các hộ vi phạm nhưng người dân cũng không thể bỏ đất hoang hóa, gây lãng phí. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân xã Tân Phong kiến nghị cần có phương án giải quyết cụ thể cho những hộ dân có đất trong vùng dự án phía nam sông Cửu An. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, dự án này do UBND tỉnh là chủ đầu tư, chủ trương tiếp tục thực hiện hay dừng phải do UBND tỉnh quyết định.
Thiếu vốn đối ứng cũng là trở ngại với các địa phương này. Theo quy hoạch, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của Ninh Giang có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của trung ương là 60 tỷ đồng, số còn lại là vốn đối ứng của địa phương và người dân. Toàn bộ số vốn đối ứng dùng để dồn ô, đổi thửa, đào ao thả cá, xây dựng một số tuyến kênh nhánh cấp thoát nước, đào ao, đắp bờ, lắp điện nước phục vụ sản xuất của từng hộ... Các xã khó khăn khó có thể bố trí nguồn vốn để thực hiện, người dân cũng không có vốn để đầu tư cùng lúc nhiều hạng mục trong vùng sản xuất của mình. Cũng theo quy hoạch, các vùng sẽ được đầu tư hệ thống ao cấp nước, ao thải chung và xã phải bố trí đất để xây dựng các công trình này. Nhưng hiện đất đã được chia cho các hộ, các địa phương khó giải phóng mặt bằng.
Thực tế ở Vĩnh Hoà
Sau khi điều chỉnh dự án, xã Vĩnh Hòa đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung. Hiện xã đã hình thành khu nuôi thủy sản riêng biệt với diện tích hơn 60 ha, có sự tham gia của hơn 160 hộ dân. Toàn bộ diện tích này trước đây là vùng đất trũng, không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ năm 2014, thực hiện dồn ô, đổi thửa xã định hướng, quy hoạch khu nuôi thủy sản tập trung, đồng thời vận động nhân dân đào ao, đắp bờ, kéo đường điện. Do có định hướng rõ ràng nên trong giai đoạn 2016-2020, xã được huyện tập trung đầu tư từ nguồn vốn Trung ương. Đến nay, 2 tuyến đường dài 2,5 km dọc khu nuôi thủy sản tập trung của xã đã được bê tông hóa. Tổng nguồn vốn đầu tư vào khu nuôi thủy sản tập trung của xã đạt khoảng 13 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 6,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương 6,5 tỷ đồng. Không chỉ thay đổi về cảnh quan, những mảnh vườn, ao nuôi này còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. “Ngay từ khi triển khai, UBND xã cùng các ngành đã quyết liệt vào cuộc, vận động người dân để hiểu đúng chủ trương và nhận được sự đồng thuận. Xã tiếp tục quy hoạch các vùng trũng canh tác kém hiệu quả quanh vùng vào dự án để nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Hà Văn Kết, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa nói.
Từ thực tế tại Vĩnh Hòa có thể thấy dự án nam sông Cửu An là chủ trương đúng đắn và chỉ trở thành hiện thực khi các địa phương quyết liệt vào cuộc, nhận được sự đồng thuận của người dân. Dù còn khó khăn nhưng trong nhiệm kỳ mới này, huyện Ninh Giang tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và quyết tâm thực hiện.
Dự án này có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế các xã ven sông Cửu An. Các ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện Ninh Giang cần sớm tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện. Huyện cần tranh thủ nguồn vốn, sự đồng hành của các sở, ngành để thực hiện có hiệu quả. Các địa phương trong vùng dự án cần quyết liệt hơn trong thực hiện, đưa vào định hướng phát triển kinh tế địa phương, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, vận động người dân chấp thuận chủ trương... Về phía người dân cần nhìn nhận đúng lợi ích từ dự án mang lại, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
THANH HOA