Dự án Nhà máy Gạch tuynel ở Gia Lộc: Lợi bất cập hại

27/04/2017 07:02

Nhà máy Gạch tuynel ở xã Lê Lợi (Gia Lộc) đang được chủ đầu tư khẩn trương xây dựng. Người dân lo lắng khi nhà máy này hoạt động sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.



Nhà máy gạch "mọc" trên cánh đồng sản xuất rau màu

Chính quyền huyện lo ngại vùng nguyên liệu của nhà máy được quy hoạch trên đất nông nghiệp sẽ để lại hậu quả nặng nề sau khi kết thúc hợp đồng 50 năm.

Mất nhiều hơn được

Dự án Nhà máy Gạch tuynel ở xã Lê Lợi do Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Xuất nhập khẩu Đồng Tâm có trụ sở tại Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2010. Ông Nguyễn Hoàng Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng Đồng Tâm cho biết tổng mức đầu tư của dự án là 71 tỷ đồng, gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng, mua máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng... Đến nay, doanh nghiệp đã đền bù giải phóng mặt bằng xong, đang xây dựng nhà xưởng, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động. Theo thiết kế, nhà máy gạch có 1 dây chuyền sấy, 1 dây chuyền nung, công suất 20 triệu viên gạch thương phẩm/năm.

Để thực hiện dự án, doanh nghiệp đã đền bù cho 152 hộ dân ở thôn Bùi Thượng (Lê Lợi) gần 6,4 ha đất nông nghiệp với giá 75 triệu đồng/sào làm nhà xưởng, bãi chứa gạch. Ngoài ra, vùng nguyên liệu của nhà máy cũng đã được quy hoạch rộng 18 ha.

Theo quan sát của chúng tôi, nhà máy này nằm giữa cánh đồng trồng lúa, rau màu của thôn Bùi Thượng, 3 mặt giáp đất nông nghiệp, 1 mặt giáp đường tỉnh 393 (đoạn đầu cầu Đáy). Ngay sát nhà máy, những ruộng cà, dưa và lúa của người dân vẫn đang lên xanh mướt.

Bà Đinh Thị Lúa ở thôn Bùi Thượng có 1 sào đất đồng trũng cho doanh nghiệp thuê. Một năm bà cấy 2 vụ lúa, năm nào được mùa  chỉ thu được 3 tạ thóc/sào, tương đương 2 triệu đồng, chưa kể tiền thuê làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu. "Nếu bị chuột phá hoại thì chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ. Thấy mức đền bù của doanh nghiệp thỏa đáng nên tôi đồng ý cho thuê", bà Lúa nói.

Cái lợi của những hộ dân có ruộng cho thuê chỉ là trước mắt, thiệt hại về sau của những gia đình có ruộng xung quanh nhà máy gạch có thể gấp nhiều lần. Với truyền thống canh tác giỏi, lựa vụ, trái vụ các cây rau màu, thu nhập của người dân cao gấp 7 lần cấy lúa. Ngay sát khu nhà xưởng đang được xây dựng, những ruộng lúa, dưa hấu, dưa lê, cà tím bạt ngàn vẫn đang lên xanh mướt. Khi nhà máy gạch đi vào hoạt động, khói bụi từ việc sản xuất, vận chuyển có nguy cơ ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của lúa, rau màu, đó còn chưa kể chuột phá hoại... Tra hạt dưa trên thửa ruộng gần đó, chị Nguyễn Thị Phơi, thôn Bùi Thượng canh cánh nỗi lo: “Lò gạch công nghệ gì thì việc hoạt động ngay sát khu sản xuất thế này cũng ảnh hưởng đến rau màu, ao cá. Ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến cả sức khỏe con người”.

Muộn còn hơn không   

Tháng 11.2009, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lê Lợi đã họp và nhất trí cho Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Xuất nhập khẩu Đồng Tâm thuê gần 24,4 ha đất để đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel. Ngày 14.12.2009, UBND huyện Gia Lộc có Tờ trình số 176/TT-UBND về việc đề nghị bổ sung quy hoạch sản xuất gạch tuynel trên địa bàn huyện Gia Lộc gửi Sở Xây dựng. Ngày 28.12.2009, Sở Xây dựng có công văn số 380/SXD-QLCL đồng ý với đề nghị của UBND huyện Gia Lộc bổ sung hơn 24,4ha đất nông nghiệp thuộc xã Lê Lợi vào quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng trong quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2020.

Để thực hiện dự án này, xã Lê Lợi và huyện Gia Lộc đều đã có văn bản đề nghị cơ quan chuyên môn phê duyệt, nhưng đến thời điểm này lãnh đạo huyện Gia Lộc đã nhận thấy lò gạch tuynel xây dựng ngay giữa vùng sản xuất nông nghiệp không còn phù hợp. Ông Phạm Quang Hưởng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc cho rằng có thể chấp nhận cho doanh nghiệp xây nhà xưởng, bãi tập kết gạch thành phẩm trên diện tích gần 6,4 ha, còn việc quy hoạch hơn 18 ha làm vùng nguyên liệu cần phải xem xét lại.

Theo ông Hưởng, nếu cứ để dự án đi vào hoạt động, hậu quả sau này sẽ rất nặng nề, có thể tiền thu được từ sản xuất gạch không bù lại được nguồn tài nguyên đất cũng như hậu quả về môi trường. “Gia Lộc đất chật người đông, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Nếu để khai thác vùng nguyên liệu trên đất nông nghiệp thì cái mất sẽ nhiều hơn cái được”, ông Hưởng nói.

Ông Hưởng cho biết thêm, hồ sơ dự án không đề cập tới việc sau khi hết thời hạn thuê 50 năm, khu quy hoạch trên sẽ được làm gì. Đất nông nghiệp sau khi bị đào xới, làm nguyên liệu sản xuất gạch chỉ còn lại thùng, vũng, mất khả năng phục hồi để trồng lúa, rau màu. Lớp đất màu dày chỉ khoảng 30-40 cm, dưới toàn cát, sỏi, phèn chua không thể chuyển sang nuôi thủy sản. “Hết thời gian thuê đất 50 năm, doanh nghiệp trả lại có thể toàn hồ ao, người dân biết làm gì trên diện tích đó?”, ông Hưởng lo lắng.

Việc xây dựng một nhà máy gạch tuynel, nhất là vùng nguyên liệu được quy hoạch ngay trên đất nông nghiệp ở Gia Lộc - một trong những địa phương sản xuất rau màu lớn nhất tỉnh có nguy cơ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bối cảnh trước đây, lãnh đạo huyện Gia Lộc đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất gạch vì cho rằng dự án sẽ mang lại công ăn việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến thời điểm này, tình hình đã thay đổi khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để dành cho phát triển công nghiệp cũng như quá trình đô thị hóa nhanh.

Theo quan điểm của chúng tôi, băn khoăn về dự án nhà máy gạch tuynel của lãnh đạo huyện Gia Lộc là có cơ sở bởi hậu quả để lại sau này có thể sẽ rất lớn. Quan điểm của lãnh đạo huyện Gia Lộc dừng dự án lò gạch tuynel được cho là dũng cảm, thà muộn còn hơn không. Để bảo đảm quyền lợi cho chủ đầu tư, UBND tỉnh nên xem xét việc di dời toàn bộ hệ thống nhà máy gạch và vùng nguyên liệu đến vị trí phù hợp hơn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường.

PV

(0) Bình luận
Dự án Nhà máy Gạch tuynel ở Gia Lộc: Lợi bất cập hại