Phó TGĐ tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cho rằng các dự án ngàn tỷ thua lỗ, yếu kém là niềm trăn trở, là nỗi đau của những người làm dầu khí.
Giải trình với tổ công tác của Thủ tướng tại buổi làm việc sáng nay, Phó TGĐ PVN Lê Minh Hồng cho biết rất tâm đắc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết PVN phải xây dựng niềm tin bằng tình đoàn kết.
Phó tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng
Cần niềm tin"Hiện tại, PVN rất khó khăn, hơn bao giờ hết, chúng tôi cần niềm tin của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành vào những người làm dầu khí", Phó Tổng giám đốc PVN nói.
Theo ông Hồng, trong quá trình hoạt động và phát triển, ngành dầu khí mắc phải một số tồn tại, khuyết điểm. Từ đầu năm đến nay, PVN dành 30-40% thời gian để xử lý các vấn đề trong quá khứ, rất mất thời gian, thường xuyên tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra, rồi dành thời gian kiểm điểm.
"Việc này là cần thiết nhưng chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu làm sao gom lại, làm gọn hơn, để tạo điều kiện cho PVN còn tương lai để phát triển, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng trưởng GDP...
Chứ như bây giờ, nói thực là không còn tâm trí nào để làm nữa. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước phải cùng với ngành, tin tưởng vào chúng tôi, làm sao tạo điều kiện cho phát triển", ông không ngại chia sẻ và cho biết 2 tháng nữa ông sẽ nghỉ hưu.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định không phải vì sắp về hưu ông mới lên tiếng mà vì liên quan đến nhiệm vụ thứ 2 là khắc phục các dự án yếu kém đang vướng mắc vô cùng.
Gánh từ thế hệ trước"Quả thực, các dự án này yếu kém này là niềm trăn trở vô cùng, là nỗi đau của những người làm dầu khí. Không phải thế hệ này gây nên mà phải gánh từ thế hệ trước, chúng tôi xác định đây là lỗi của ngành, ngành phải khắc phục, phải vào cuộc một cách quyết liệt nhất. Nhưng vướng, khó vô cùng", ông Hồng băn khoăn.
Ông đề nghị Chính phủ hướng dẫn PVN nên xử lý thế nào. Bởi một mặt Chính phủ chỉ đạo phải xử lý rốt ráo, dứt điểm nhưng lại không cho tiếp tục bơm thêm đồng vốn nào nữa.
"Một người ốm cần tiền mua thuốc lại không cho tiền mua thuốc thì làm sao chữa được. Vì các yếu tố của các công ty này đều mang tính nhà nước cả. Phá sản cũng cần tiền để xác định giá trị doanh nghiệp, bảo vệ các công trình đó cũng cần tiền.
Có công ty bây giờ không còn đồng nào để làm công tác bảo vệ, trả tiền điện nước, trả lương... PVN bị chỉ trích rất nhiều, nhưng chúng tôi lúng túng, loay hoay không biết làm thế nào", ông tâm tư.
Không loại trừ phá sảnBộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng động viên, với các dự án thua lỗ, yếu kém nếu vận hành đưa vào hoạt động ra sản phẩm với giải pháp tích cực nhất, khắc phục tồn tại thì là tốt nhất.
Nếu không vận hành được do nhiều yếu tố, như nguyên liệu không có thì làm sao hoạt động được. Như Giấy Phương Nam, nếu không có đay thì làm sao ra sản phẩm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc
"Những dự án không hoạt động được thì đề nghị Bộ Công thương, PVN phải có giải pháp, không loại trừ là phá sản, không loại trừ là bán. Muốn bán được, phá sản được thì phải hoàn công, quyết toán, xác định giá trị ban đầu, tổng mức đầu tư. Phải xác định được như vậy chứ bây giờ hồ sơ cũng không hoàn thành được", Bộ trưởng Dũng lưu ý.
Ông cũng nói thêm, việc Chính phủ khẳng định không cân đối vốn ngân sách nhà nước vào là muốn nói không bổ sung vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Việc duy trì, bảo vệ, trông coi, xem xét vận hành là trách nhiệm của chủ đầu tư để thực hiện cho tốt.
"Nguyên tắc là phải cơ chế thị trường và không điều tiết từ ngân sách nhà nước. Thực tế đã chứng minh, điều tiết từ ngân sách nữa thì cũng không thể khẳng định là sẽ thành công, hiệu quả", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet